Vụ vỡ nợ Nhà máy ethanol Đại Tân: Nông dân vùng nguyên liệu khốn đốn

Thứ tư, 26/12/2012, 11:40
Vụ vỡ nợ tại Nhà máy cồn ethanol Đại Tân không chỉ làm khốn đốn nhiều ngân hàng với số tiền cho vay lên đến 400-500 tỉ đồng trở thành nợ khó đòi, mà theo đó đã làm hàng trăm ngàn nông dân ở miền Trung, Tây Nguyên cùng với vùng nguyên liệu sắn lên đến cả trăm ngàn hécta đang... “chết” theo.

Vỡ nợ của công ty tiêu thụ nông sản này còn “vỡ” ra nhiều kẽ hở quản lý nhà nước trong việc thẩm định, phê duyệt các dự án sản xuất liên quan đến quy hoạch vùng nguyên liệu, liên quan đến ngàn vạn nông dân.

Bài 1: Sắn nguyên liệu ở Tây Nguyên rớt giá thê thảm

Các tỉnh Tây Nguyên có 158.500ha diện tích trồng sắn - lớn nhất nước. Tuy nhiên, sau khi Nhà máy ethanol Đại Tân vỡ nợ, đến thời điểm hiện tại giá sắn - nguyên liệu cho công nghiệp ethanol - đang bị rớt, khiến người dân gặp không ít khó khăn. Nhà sản xuất điêu đứng đã đành, kẻ thu mua cũng vỡ nợ...

nhà máy cồn Đại Tân

 Nông dân Tây Nguyên đang phải thu hoạch sắn để cho trâu bò ăn.

Phát triển vỡ quy hoạch

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đến thời điểm năm 2011, tổng sản lượng sắn của cả nước là 9,87 triệu tấn. Nhu cầu cao đã đẩy giá sắn tăng, góp phần quan trọng trong việc gia tăng nhanh diện tích trồng sắn trong những năm qua. Cụ thể, tại các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ, diện tích trồng sắn là hơn 65.000ha, các tỉnh Nam Trung Bộ hơn 72.000ha, Tây Nguyên hơn 158.000ha và các tỉnh Đông Nam Bộ gần 133.000ha.

Việc tăng nhanh diện tích đã phá vỡ quy hoạch, kế hoạch dẫn đến phá rừng, đất bị xói mòn, rửa trôi nghiêm trọng; nông dân chủ yếu canh tác theo phương thức quảng canh, ít đầu tư thâm canh cho nên đất trồng sắn có xu hướng thoái hóa, bạc màu khó khôi phục.

Riêng tại tỉnh Gia Lai, diện tích trồng sắn năm 2011 là 55.000ha. Con số tương tự tại tỉnh Kon Tum là gần 42.000ha. Báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum cho hay, việc phát triển vùng nguyên liệu sắn theo quy hoạch nhằm ổn định diện tích gặp rất nhiều khó khăn do sản xuất của nông dân còn mang tính phong trào, chạy theo thị trường, vì vậy các hợp đồng liên kết thiếu tính ổn định gây thiệt hại cho người sản xuất và các nhà máy chế biến.

Hiện, tỉnh Gia Lai có 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất hoạt động theo thiết kế là 1.640 tấn/ngày. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Bộ - Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NNPTNT Gia Lai) - thì công suất hoạt động của các nhà máy chỉ đáp ứng được 40% sắn nguyên liệu trên địa bàn. Tại Kon Tum có 5 nhà máy chế biến sắn, tuy nhiên cũng không phục vụ hết nhu cầu.

Người dân có những giai đoạn phát triển diện tích trồng sắn một cách ồ ạt không theo quy hoạch, nên ngoài việc ảnh hưởng đến môi trường, đất đai thì cũng kéo theo việc thường xảy ra tình trạng thừa nguyên liệu” - ông Nguyễn Bộ cho biết.

Rớt giá

nhà máy ethanol Đại Tân
 Sắn rớt giá khiến nhiều nông dân đang lo lắng cho đầu ra.

Anh Tạ Vinh - một nông dân trồng sắn ở huyện Đắc Đoa, Gia Lai - cho hay: “Giá sắn năm nay khoảng 3.500 đồng/kg sắn khô. Giá như vậy không đủ trả tiền công chứ chưa nói là có lãi”.

Theo anh Vinh, những năm trước giá sắn từ 5.000-6.000 đồng/kg, nông dân lãi trung bình khoảng 40 triệu/ha. Lúc đó, người dân đua nhau trồng sắn, sản phẩm được thương lái thu gom về bán tại các cảng biển. “Cứ tình trạng này chắc có lẽ phải bỏ cây lại năm sau mới thu hoạch, những ruộng nào già quá thì nhổ về cho trâu bò ăn hoặc phơi khô rồi bỏ vào kho chờ khi giá cả lên” - anh Vinh cho biết.

Không riêng gì anh Vinh, mà hầu hết các nông dân trồng sắn tại Tây Nguyên đang méo mặt vì giá sắn giảm mạnh. “Đặc điểm của cây sắn là dễ trồng và không phải thu hoạch trong từng mùa vụ, nên nông dân thường có tâm lý trồng ồ ạt, và nhiều nơi phá rừng để trồng. Tuy nhiên việc cung ứng sản phẩm của các nhà máy hiện tại không đảm bảo nên rất nhiều hộ sản xuất đang bị ảnh hưởng, là có thật” - ông Nguyễn Bộ cho biết.

Ông Bộ cũng cho biết thêm, không thể cấm được nông dân mở rộng diện tích cũng như hỗ trợ họ khi nông sản bị rớt giá. Tuy nhiên, sở sẽ siết chặt về quy hoạch cây trồng cũng như hỗ trợ thông tin cho người dân, áp dụng sản xuất thâm canh cải tạo đất. Không riêng gì cây sắn, tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cũng đang phát triển nhiều loại cây không theo quy hoạch, khiến đầu ra sản phẩm mất cân bằng. Cụ thể tại Gia Lai, diện tích cây ngô cũng xấp xỉ 57.000ha...

Tuy nhiên, song song với việc mở rộng diện tích thì các cơ quan quản lý cũng cần tính đến việc cân bằng môi trường cũng như đầu tư phát triển theo chiều sâu, phát triển vùng nguyên liệu bền vững, hạn chế việc thu hẹp diện tích rừng.

(Còn tiếp)

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn