ACB: Bất ngờ xuất hiện, ông Lê Vũ Kỳ trải lòng về việc bị khởi tố

Thứ tư, 26/12/2012, 16:56
Cổ đông có mặt tại ĐHĐCĐ bất thường của Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX:ACB) đã sáng 26/12 không khỏi ngạc nhiên trước sự xuất hiện của ông Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch ACB vừa bị khởi tố hồi tháng 8 vừa qua.

Ông Kỳ xuất hiện với nguyện vọng thay mặt những cựu thành viên HĐQT đã bị khởi tố (ông Trần Xuân Giá, ông Trịnh Kim Quang và ông Phạm Trung Cang) để trải lòng cùng các cổ đông về hàng loạt biến cố xảy ra với ngân hàng.

Ông Lê Vũ Kỳ cho biết, nguyên nhân chủ yếu của những biến cố vừa qua đến từ nguồn tiền tồn quỹ quá lớn ở các năm trước của ACB.

Cụ thể, liên tiếp trong hơn hai cuộc họp liên tịch ngày 08/03/2010 và 15/03/2010, ông Lý Xuân Hải (khi đó đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ACB) đã lên tiếng báo động nguy cơ tồn quỹ tiền mặt quá lớn và có khả năng gây thua lỗ cho ACB do phải trả lãi huy động trong khi dòng tiền không có đầu ra.

Trong giai đoạn đó, cả hai kênh xử lý vốn của ACB đều bế tắc: cho vay rất chậm trong khi hoạt động trên thị trường liên ngân hàng cũng không dễ dàng, các ngân hàng bạn cũng không nhận vốn liên ngân hàng. Hai cuộc họp đều có bàn đến giải pháp nhưng không có giải pháp nào khả thi.

Lê Vũ Kỳ
Ông Lê Vũ Kỳ bất ngờ xuất hiện tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 26/12 của ACB

Theo ông Kỳ, đến cuộc họp HĐQT ngày 22/03/2010, ông Hải thông báo rằng đã tìm được phương hướng xử lý đầu ra cho nguồn tiền tồn quỹ, đó là ủy thác cho cá nhân là cán bộ, nhân viên ngân hàng mang tiền đến gửi các ngân hàng bạn.

“Chúng tôi có hỏi về tính pháp lý của việc này thì ông Hải đã giải thích rằng chủ trương này hoàn toàn phù hợp với pháp luật và phù hợp với điều lệ của ACB. Đồng thời, ông Hải cũng đã khẳng định, Ban pháp chế của ACB cũng đã kiểm tra tính hợp pháp của chủ trương này. Vì thế, chủ trương không trái với pháp luật, giải quyết được bế tắc đầu ra, tránh gây thua lỗ cho ACB và được các thành viên dự họp nhất trí thông qua”, ông Kỳ chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh nhiều lần rằng, cuộc họp chỉ chấp thuận chủ trương ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền, còn vấn đề gửi bao nhiêu tiền, gửi ở đâu và với lãi suất nào là phạm vi của Ban điều hành.

Và thực tế, việc ủy thác cá nhân đi gửi tiền này đã mang lại một nguồn thu nhập lớn, với hơn 1,600 tỷ đồng cho ACB thay vì để tồn tiền ở quỹ.

“Qua tường trình trên, bốn chúng tôi mong quý cổ đông hiểu cho rằng, tại thời điểm ra chủ trương ủy thác cá nhân đi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng vào ngày 22/03/2010, chúng tôi đồng ý thông qua do nhận thức rằng chủ trương này không trái pháp luật.

Vì theo anh Hải trình bày, việc này phù hợp với điều 72 Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997, phù hợp với Điều lệ ACB đã được NHNN chuẩn y.Việc tập thể lãnh đạo cấp cao ACB thông qua chủ trương này là công khai và minh bạch.

Mặt khác, việc các tổ chức tín dụng gửi tiền lẫn nhau qua hình thức ủy thác cá nhân ở thời kỳ này là rất phổ biến. Cụ thể, qua vụ án lừa đảo của bà Huyền Như tại Ngân hàng Công thương (CTG) cũng đã có nhiều ngân hàng khác gửi tiền và bị lừa giống như ACB.

Thứ hai, trong chủ trương này, chúng tôi hoàn toàn không có bất cứ lợi ích cá nhân nào mà chỉ xuất phát từ mong muốn giải quyết đầu ra cho lượng tiền tồn quỹ và tránh gây thua lỗ cho ACB. Số tiền lãi phát sinh kể cả phần chênh lệch lãi suất đều được các nhân viên nhận ủy thác nộp đầy đủ cho ACB, được hạch toán đầy đủ vào sổ sách. Tất cả các chứng từ này đều được ACB cung cấp cho cơ quan điều tra”, ông Kỳ ngậm ngùi cho biết.

Cuối cùng, ông Lê Vũ Kỳ chia sẻ: “Trong nhiệm kỳ qua, các thành viên HĐQT luôn làm việc trên tinh thần vì lợi ích của cổ đông. Trong 4 năm qua, HĐQT đã góp phần tạo ra khoản lợi nhuận hơn 15,000 tỷ đồng cho ACB. Từ một chủ trương được thông qua tại tập thể một cách công khai, minh bạch, với nhận thức không trái pháp luật và chỉ muốn tránh lỗ cho ngân hàng mà không vì tư lợi. Nhưng nay vì việc này mà chúng tôi phải từ nhiệm và bị khởi tố hình sự.

Chúng tôi hy vọng cổ đông của ngân hàng hiểu và thông cảm cho các cá nhân bị khởi tố, đồng thời xem đây là rủi ro vận hành của ngân hàng trong trường hợp toàn bộ số tiền 719 tỷ đồng bị bà Huyền Như chiếm đoạt không thu hồi được”.

Kết thúc bài phát biểu của ông Lê Vũ Kỳ, đại diện Ban kiểm soát xác nhận những khoản tiền ủy thác và tiền lãi mà ông Kỳ đề cập là đúng sự thật. Lãi tiền gửi phát sinh và chênh lệch lãi suất đã được nộp và hạch toán đầy đủ vào các kỳ BCTC của ACB.

Theo Infonet/VietStock

Các tin cũ hơn