10 câu chuyện kinh doanh nổi bật 2012

Thứ ba, 25/12/2012, 16:49
Tăng trưởng kinh tế chậm, IPO thất bại của Facebook, hình ảnh các ngân hàng bị hoen ố... là những câu chuyện kinh doanh đáng chú ý nhất năm nay.

2012 là năm mà nền kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ tìm lại được sức sống của nó, thế nhưng điều này đã không xảy ra. Cả ba nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều gặp nhiều vấn đề, các quốc gia ở châu Âu cũng không tránh khỏi khủng hoảng và suy thoái. Trong khi ấy, các nền kinh tế mới nổi không thể giữ vững tốc độ phát triển, khiến bức tranh toàn cảnh 2012 càng trở nên ảm đạm.

1. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Thêm một lần nữa, nền kinh tế toàn cầu lại giảm tốc độ phát triển. Theo IMF, con số này chỉ là 3,3% (2011 là 3,8%, 2010 là 5,1%). Ở Mỹ, tăng trưởng duy trì ở mức 2%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn rất cao – 7,7%.

Châu Âu còn tồi tệ hơn khi chìm vào suy thoái, mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính đã phần nào được kiểm soát. Tại Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng 7,4% trong quý 3 tuy cũng cao song lại là bước lùi của quốc gia này. Còn Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cũng ghi nhận sự thu hẹp đáng kể.

2. Bầu cử tổng thống Mỹ

Tổng thống Obama đã đắc cử nhiệm kỳ hai trước Mitt Romney, mặc dù trong số các tổng thống tìm kiếm chiến thắng lần hai trong cuộc bầu cử sau thế chiến, tỷ lệ thất nghiệp dưới triều đại của ông nằm ở vị trí cao nhất.

Khi “vách đá tài chính” đến gần, vị tổng thống da màu này đã chiến đấu để tăng thuế lên những người giàu nhất, đồng thời tăng viện trợ cho người thất nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng...

3. Kế hoạch cải tổ y tế của Obama

Tòa án tối cao Mỹ đã khiến nhiều người bất ngờ khi ủng hộ kế hoạch cải tổ y tế của tổng thống Obama. Theo đó, luật pháp yêu cầu người Mỹ phải mua bảo hiểm hoặc đóng thuế, trong khi những người nghèo sẽ được trợ cấp. Các bệnh viện và hãng bảo hiểm tỏ ra phấn khởi trước con số 30 triệu khách hàng mới, trong khi giới doanh nghiệp nhỏ tỏ ra lo ngại vì nếu số nhân viên vượt quá 50 người, họ sẽ phải hỗ trợ chăm sóc y tế cho người lao động.

4. Vách đá tài chính

Việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu liên bang đang phủ bóng tối lên nền kinh tế Mỹ trong những tháng cuối năm. Thỏa thuận giữa nhà trắng và quốc hội đang được chú ý hơn bao giờ hết vì nó quyết định các giải pháp ngăn chặn cần thiết. Theo các nhà kinh tế, nếu các biện pháp hiệu quả không được đưa ra trong năm 2013, một cuộc suy thoái nữa sẽ xảy ra.

5. IPO của Facebook

Vụ bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Facebook được chú ý nhất kể từ sau sự kiện tương tự của Google năm 2004. Tuy nhiên, đây lại là một thất bại đau đón của mạng xã hội hàng đầu thế giới.

Những trục trặc kỹ thuật, định giá quá cao và thông tin doanh thu không được minh bạch đã dẫn đến giá cổ phiếu của Facebook giảm hơn một nửa chỉ sau ba tháng.

6. Thị trường nhà đất khởi sắc

Sau 6 năm sụt giảm đẩy 4 triệu gia đình vào cảnh mất nhà, thị trường nhà đất ở Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi vào giữa năm 2012. Đó là nhờ thị trường việc làm tăng nhẹ cùng lãi thế chấp siêu thấp. Lần đầu tiên kể từ 2005, thị trường nhà đất đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

7. Big Oil trở lại

Sản xuất dầu thô mở Mỹ đã đạt mốc cao nhất kể từ năm 1951 với sản lượng tăng cao ở North Dakota và Texas. Theo đà này, Mỹ sẽ vượt Ả-rập Xê-út để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới sau 2 năm nữa.

Nhờ tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, các công ty lọc dầu ở Mỹ đã thu về lợi nhuận kỷ lục. Bên cạnh đó, giá khí đốt giảm thấp nhất trong hơn một thập kỷ, giá xăng cũng giảm trong 3 tháng cuối năm.

8. Ngân hàng với nhiều hành vi xấu

2012 là một năm đầy tiếng xấu của các ông lớn ngân hàng. JPMorgan Chase mất 6 tỷ USD, trong khi nhân viên của hãng ở London lại trở nên nổi tiếng với những vụ cá cược siêu lớn. Morgan Stanley thì bị đổ lỗi đã làm hỏng vụ IPO của Facebook, Barclays và UBS đã bị phạt do hành vi mờ ám thao túng lãi suất toàn cầu, còn HSBC phải trả 1,9 tỷ USD do tạo điều kiện cho các tay buôn lậu ma túy ở Mexico rửa tiền.

9. Thiên tai

Sau đợt hạn hán lớn đẩy giá thực phẩm lên cao ở Mỹ, đất nước này đã phải hứng chịu một cơn bão tồi tệ mang tên Sandy. Siêu bão thổi qua New Jersey và New York đã đẩy 8,5 triệu người ở 21 tiểu bang vào bóng tối, ghi tên mình như cơn bão “tốn kém” thứ hai trong lịch sử sau Katrina.

10. Cuộc chiến di động

Cạnh tranh trong giới di động đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Apple vẫn duy trì vị trí thống trị với dòng sản phẩm iPhone song nền tảng Android với hàng loạt các hãng khác nhau mới chiếm nhiều thị phần nhất.

Có tới 44% người Mỹ dùng smartphone, so với con số 35% của năm ngoái. Lượng người sử dụng máy tính bảng cũng tăng gấp đôi, sau khi Microsoft tấn công mạnh vào phân khúc này với nền tảng Windows 8. Bên cạnh đó, Amazon, Barnes & Noble đang tập trung hơn vào máy tính bảng màn hình siêu nét và Nokia hay RIM cũng rất nỗ lực bám đuổi.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích