|
Năm 2012 đã dần khép lại với những thăng trầm của giới doanh nhân, nổi bật trong số đó là những thương vụ đổi chủ ngân hàng, nhiều doanh nhân vướng vào vòng lao lý hay lao đao vì nợ. Dưới đây là 7 doanh nhân đã gây ấn tượng mạnh nhất trong suốt một năm vừa qua.
1. Bầu Kiên gây “sóng gió” thương trường
Năm ngoái, bầu Kiên bất ngờ xuất hiện gây sóng gió đối với làng bóng đá Việt Nam. Năm nay, ông bầu tóc bạc này lại một lần nữa gây sóng gió khi bất ngờ bị khởi tố do hành vi cố ý làm trái và lừa đảo.
|
Đến nay, quá trình điều tra vẫn chưa kết thúc. Thông tin mới nhất từ cơ quan điều tra cho biết bầu Kiên đã chỉ đạo thường trực HĐQT ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai qui định.
Khi thông tin bầu Kiên bị bắt được phát đi, thị trường chứng khoán đã giảm mạnh nhiều phiên liên tiếp khiến vốn hóa thị trường bốc hơi hàng tỷ đô la.
Từ lúc thiếu vắng bầu Kiên, thị trường bóng đá Việt Nam cũng trở nên xấu đi. Hai đội bóng của bầu Kiên đã bị giải thể. Hàng loạt ông bóng khác cũng tuyên bố bỏ hoặc chán nản có ý định dừng đầu tư vào bóng đá khiến cho nhiều cầu thủ có nguy cơ thất nghiệp.
2. Vợ chồng ông Đặng Văn Thành “rút lui” khỏi thương trường
Năm 2012 là năm không đáng vui chút nào với gia đình ông Đặng Văn Thành khi để tuột mất quyền kiểm soát ngân hàng Sacombank vào nhóm nhà đầu tư mới đến từ Eximbank và SouthernBank.
|
Đầu tháng 11, ông Thành đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank sau hai chục năm lãnh đạo ngân hàng này. Đến giữa tháng 12, con trai ông là Đặng Hồng Anh cũng tiếp bước cha rút khỏi HĐQT Sacombank.
Trước khi từ nhiệm, cha con ông Thành nắm giữ 7% cổ phần của ngân hàng này.
Vợ ông Thành, “nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc cũng bất ngờ rút lui khỏi vị trí lãnh đạo của một loạt công ty lớn ngành mía đường như Thành Thành Công, Bourbon Tây Ninh và Đường Biên Hòa.
Mặc dù vậy, gia đình ông Thành vẫn có ảnh hưởng đáng kể đối với Thành Thành Công (cũng như ngành mía đường) và công ty bất động sản Sacomreal.
Ông Đặng Hồng Anh hiện là chủ tịch HĐQT của Sacomreal. Con gái lớn của ông Thành là bà Đặng Huỳnh Ức My hiện giữ chức Chủ tịch Bourbon Tây Ninh và mới đây đã rút khỏi chức vụ tổng giám đốc của Thành Thành Công.
3. Gia đình đại gia Trầm Bê “xuất hiện”
|
Ông Trầm Bê và các con |
Phó Chủ tịch Ngân hàng Phương Nam Trầm Bê là một trong những cái tên được nhắc đến đầu tiên khi bắt đầu có những thông tin đồn đoán về việc Sacombank bị thâu tóm.
Tuy nhiên, chỉ đến khi diễn ra đại hội cổ đông thường niên Sacombank vào tháng 5, ông Trầm Bê mới chính thức “ra mặt” khi ông cùng con trai Trầm Khải Hòa ứng cử vào hội đồng quản trị Sacombank. Trước đó, ông Bê đã từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Ngân hàng Phương Nam.
Hiện ông Bê là Phó Chủ tịch của Sacombank.
Tính đến thời điểm hiện tại, ông Bê cùng 3 người con của mình đang sở hữu 72 triệu cổ phiếu STB, tương đương 6,7% cổ phần của Sacombank. Lượng cổ phiếu này đang có trị giá gần 1.400 tỷ đồng.
Mới đây thì con trai cả của ông Bê đã đăng ký bán toàn bộ 48 triệu cổ phiếu đang nắm giữ.
Cuối năm nay, ông Bê lại được nhắc đến nhiều khi tư gia của ông ở Trà Vinh bị mất trộm chiếc sừng tê giác.
4. Ông Trương Đình Anh từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc FPT
Đầu tháng 8, FPT bất ngờ ra thông báo Tổng giám đốc Trương Đình Anh nghỉ phép 2 tháng vì lý do cá nhân. Đến cuối tháng 9, khi trở lại làm việc, ông Đình Anh bất ngờ xin từ nhiệm chức vụ TGĐ do những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và HĐQT.
|
Sau đó, ông Đình Anh tiếp tục rút lui khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT FPT Telecom – công ty đã làm nên tên tuổi của ông và là đơn vị đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của FPT.
Hiện tại, ông Đình Anh vẫn là thành viên HĐQT của FPT và FPT Telecom.
Với việc ông Đình Anh từ chức thì ông Trương Gia Bình đã quay trở lại đảm nhiệm chức vụ TGĐ. Quá trình chuyển giao quyền lực từ thế hệ các “lão thần” của FPT sang thế hệ trẻ hơn đã không diễn ra suôn sẻ.
Năm nay, do những khó khăn của nền kinh tế, FPT lần đầu tiên đã phải điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh.
5. Bầu Hiển “chán bóng đá, ôm ngân hàng”
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển trong năm qua được biết đến với thương vụ sáp nhập ngân hàng Habubank vào SHB. Đây là một thương vụ đầy gian nan khi mà sau sáp nhập, SHB phải giải quyết những tồn tại trước đó của Habubank.
|
Trong quý 3, quý đầu tiên sau sáp nhập, SHB đã lỗ tới 1.706 tỷ đồng.
Cùng với việc tìm cách giải cứu Habubank thì bầu Hiển cũng tham gia giải cứu công ty thủy sản Bianfishco, vốn đang lỗ đầm đìa cùng những khoản nợ rất lớn.
Được biết đến là ông bầu thành công nhất với bóng đá, là ông chủ không chính thức của 2 đội bóng SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T, bầu Hiển bất ngờ tuyên bố rút khỏi bóng đá khi thoái hết vốn khỏi công ty quản lý 2 đội bóng này.
6. Nữ đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền lao đao vì nợ
Đầu năm nay, đám cưới của con trai bà Diệu Hiền là một trong những sự kiện thu hút giới truyền thông do sự hoành tráng và xa hoa. Tuy nhiên, ngay sau đó, hàng loạt những khó khăn của công ty thủy sản Bình An (Bianfishco) do bà Hiền làm cổ đông chính và TGĐ đã dần lộ diện.
|
Từ một doanh nghiệp lớn trong ngành xuất khẩu cá tra, hoạt động kinh doanh của Bianfishco bị đình đốn, nợ nông dân, nợ ngân hàng lớn trong khi không có nguồn để trả nợ.
Trong khi đó, nữ đại gia thủy sản bị lâm bệnh phải sang Mỹ chữa trị để chồng ở nhà điều cáng đáng công việc.
Cổ đông chính của Bianfishco sau đó đã được chuyển từ bà Hiền sang ngân hàng SHB. Mất quyền sở hữu Bianfishco cũng có thể coi là “may” khi mà đến hết tháng 8/2012, vốn chủ sở hữu của công ty này là 851 tỷ đồng và nợ gần 1.900 tỷ đồng.
Tiếp sau Bianfishco, một số doanh nghiệp thủy sản khác cũng lao đao vì nợ như Phương Nam và Thiên Mã.
7. Ông Đặng Thành Tâm “chật vật” với năm tuổi
Là một trong những doanh nhân tuổi Rồng, đại biểu quốc hội Đặng Thành Tâm đã trải qua một năm khó khăn với mảng ngân hàng và bất động sản.
|
Hai công ty mà ông Tâm làm cổ đông chính là Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Saigontel (SGT) đều lớn trong 9 tháng đầu năm nay.
Các công ty có liên quan tới ông Tâm trong đã thoái toàn bộ vốn tại WesternBank. Mới đây, vợ ông Tâm đã đăng ký bán gần 5% cổ phần tại Navibank. Ông Tâm đã từng thừa nhận: nếu không dính vào ngân hàng thì đã không “khổ” như bây giờ.
Trong năm, ông Tâm đã chuyển nhượng 1 phần vốn tại SQC Mining. Công ty chế biến quặng titan này đã lãi lớn trong năm nay.
Theo TTVN