Cơ cấu nợ, chuyển hướng kinh doanh
Ngày 22/12, trong buổi gặp mặt báo chí để giải thích rõ thông tin Mai Linh mất khả năng trả nợ, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh khẳng định Mai Linh sẽ không phá sản, tập đoàn đang tìm mọi cách để trả lãi nợ vay, thanh toán dần các khoản nợ của mình.
Ông Hồ Huy khẳng định Mai Linh sẽ cơ cấu lại tài sản để trả dần nợ vay cho các nhà đầu tư |
Theo ông Hồ Huy thì Mai Linh đang đàm phán với các đối tác để bán bớt bất động sản ở khắp nơi của Mai Linh để lấy tiền trả nợ, đồng thời cũng là động thái để tập trung vào mảng kinh doanh chính của tập đoàn là vận tải.
Tuy nhiên, nhiều phóng viên lo ngại trong tình hình thị trường nhà đất ảm đạm hiện nay, dù Mai Linh chấp nhận bán lỗ cũng chưa chắc bán được. Như vậy Mai Linh sẽ hoàn toàn rơi vào tình trạng bị động trong việc tranh thủ nguồn vốn giải quyết khó khăn trước mắt.
Về vấn đề này, ông Hồ Huy cho biết Mai Linh tuy có dựa vào giải pháp bán bớt bất động sản là chính nhưng tập đoàn vẫn rất chủ động. Nếu thị trường bất động sản trong các năm tới vẫn tiếp tục đóng băng thì Mai Linh sẽ có phương án thanh lý khoảng hơn 1.000 xe cũ (đã hoạt động từ 3 – 5 năm) để thu hồi vốn, trả lãi cho nhà đầu tư. Theo thống kê của Mai Linh, hiện hãng này có hơn 12.000 xe ô tô các loại (4 – 45 chỗ) tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải.
Theo ông Hồ Huy, sau khi có tiền nhờ việc thanh lý bớt bất động sản, xe cũ… thì tập đoàn sẽ ưu tiên trả các khoản vay nhỏ của các cá nhân góp vốn trước. Còn các khoản vay trên 1 tỷ đồng, Mai Linh sẽ đàm phán với chủ nợ để chuyển thành cổ phần hoặc có giải pháp giảm lãi suất vay hợp lý, hai bên có thể chấp nhận được.
Song song đó, Mai Linh sẽ tiến hành cải tổ lại hoạt động kinh doanh của mình. Mai Linh dự định rút các dòng xe 7 chỗ đang kinh doanh kém hiệu quả ở các tỉnh về TP.HCM, đưa dòng xe Kia Morning giá rẻ đến thị trường các tỉnh. Trong thời gian tới, Mai Linh cũng tập trung phát triển mạnh mảng vận tải là thế mạnh của tập đoàn, nhất là ngành taxi và thị trường hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM.
Đề nghị Chính phủ hỗ trợ
Theo ông Hồ Huy, Mai Linh thực sự đang khó khăn, nhưng Mai Linh vẫn đang tiếp tục cố gắng để vượt qua khó khăn hiện tại. Ông đề nghị các nhà đầu tư nên bình tĩnh để xem xét, không nên rút vốn trong thời điểm hiện nay, gia hạn khoản vay cho Mai Linh thêm 1 – 2 năm để doanh nghiệp đủ sức vượt qua giai đoạn khó khăn này. Như vậy thì cả hai bên đều có lợi, doanh nghiệp có thể ổn định, nhà đầu tư bảo toàn được nguồn vốn.
Ngoài ra, trong buổi gặp mặt báo chí ngày 22/12, ông Hồ Huy cũng cho biết Mai Linh đã kiến nghị Chính phủ xem xét lại phí bảo trì đường bộ sắp có hiệu lực. Ông đề nghị Chính phủ có hướng hỗ trợ những doanh nghiệp có đông xe như Mai Linh vì trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, đó là một gánh nặng rất lớn đối với doanh nghiệp.
Taxi sẽ là mảng mà Mai Linh tập trung phát triển trong thời gian tới, đặt biệt là ở thị trường TPHCM, nơi Mai Linh mất ngôi đầu vào tay Vinasun |
Theo thống kê của Mai Linh thì hãng có hơn 12.000 đầu xe, mỗi năm đang phải chi hơn 95 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường được tính trong chi phí xăng dầu. Nay áp dụng thêm phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện, mỗi năm Mai Linh phải đóng thêm gần 26 tỷ đồng cho hơn 12.000 đầu xe.
Mai Linh đề nghị Chính phủ giảm 50% phí bảo trì đường bộ so với mức thu đã ban hành cho tất cả các loại phương tiện; hoặc giảm 50% phí bảo trì đường bộ cho các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách có từ 5.000 phương tiện trở lên.
Theo ông Hồ Huy, trong thời buổi kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, không riêng gì doanh nghiệp Mai Linh mà các đơn vị vận tải khác cũng mong muốn nhà nước chưa nên áp dụng thu phí đường bộ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.
Theo Dantri