Ngày 22/12, giá điện bán lẻ bình quân tăng từ 1.369 đồng mỗi kWh lên 1.437 đồng mỗi kWh. Thông tin này khiến giám đốc một doanh nghiệp sản xuất điều ở Bình Phước lo lắng: "Chắc chắn giá điện sẽ ảnh hưởng dữ lắm bởi điện tăng dẫn đến chi phí lên cao ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của bản thân các doanh nghiệp", ông nói.
Tuy nhiên, dù phàn nàn việc tăng giá này là hết sức bất hợp lý trong lúc Chính phủ đang tìm cách cứu doanh nghiệp, nhưng ông cũng đành chấp nhận: "Tăng thì tăng rồi chứ bây giờ biết làm sao".
Ông Phí Ngọc Trịnh Giám đốc điều hành Công ty May Hồ Gươm chi nhánh Hưng Yên cũng cho rằng thông tin này sẽ ảnh hưởng không tốt tới tinh thần doanh nghiệp. Giá điện tăng 5%, với 8 xưởng sản xuất của May Hồ Gươm, công ty sẽ tốn thêm một khoản chi phí khoảng 40 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng cũng như giám đốc doanh nghiệp điều, ông Trịnh đành chấp nhận. "Kêu thì kêu nhưng cũng không giải quyết vấn đề gì", ông nói.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết hiện nay mỗi năm công ty chi hơn 20 tỷ đồng tiền điện. Nay giá điện tăng thêm 5%, khoản phát sinh 1 tỷ đồng mỗi năm không quá lớn nhưng cũng không dễ chịu chút nào trong bối cảnh khó trăm bề như hiện nay.
“Kinh doanh đang khó khăn, cầm cự để làm hòa vốn đã là mừng rồi”, ông Lực nói.
Chẳng biết làm thế nào khi mà doanh nghiệp đã trải qua một năm "tiết giảm đến không thể giảm được nữa", Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam - Nguyễn Hùng Cường đùa buồn: "Hiện không thể đi thương lượng giá điện cũng như tranh thủ sản xuất để tận dụng giá rẻ được nữa".
Theo ông Cường, để doanh nghiệp cầm cự được chẳng có biện pháp nào ngoài việc tiếp tục cân đối giờ sản xuất, một việc mà doanh nghiệp đã làm từ lâu, chứ không phải đợi giá điện tăng mới tiến hành. Ngành điện có lý lẽ riêng song đứng ở góc độ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Cường cho rằng, thời điểm tăng hiện nay không thích hợp.
"Bởi nhiều doanh nghiệp hiện còn đang vật lộn với tình hình kinh doanh, lương còn không có mà trả cho cán bộ công nhân viên và giá điện tăng thêm sẽ là một gánh nặng", ông than.
|
Công ty sản xuất lại đau đầu vì giá điện tăng. |
Ông Trương Vĩnh Thọ, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Da giày Sunhyun Vina cho biết giá điện tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, đẩy chi phí sản xuất lên cao. "Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều rất khó khăn, tỷ lê lợi nhuận không bằng các năm trước và họ đang 'gồng gánh' mọi thứ, giờ gíá điện lại tăng sẽ làm doanh nghiệp càng điêu đứng hơn", ông Thọ than.
Theo ông Thọ, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng nhiều hơn giá xăng vì nhà máy sản xuất sử dụng điện là chính, xăng chỉ ăn vào chi phí vận tải. Mỗi tháng, Công ty Da giày Sunhyun Vina phải chi cho tiền điện lên đến con số vài tỷ, chắn chắn thời gian tới con số này sẽ đội lên nhiều.
Cùng với nỗi lo giá điện tăng, một số doanh nghiệp cho biết dự kiến đầu ra sẽ tăng khi đầu vào biến động.Một giám đốc công ty sản xuất thép tại TP.HCM vừa phải rời khỏi công ty và nhường lại cho người khác vì quá khó khăn khẳng định giá thành sản phẩm không thể đứng yên nếu giá điện lên. "Mỗi tháng trước đây, công ty thép chi tới 1,2 đến 1,3 tỷ đồng cho tiền điện, trong tình huống này thì công ty buộc phải tăng giá đầu ra chứ không thì sẽ lỗ", vị giám đốc này nói.
Vị này tính toán nếu giá điện tăng 5% thì giá thành đầu ra có thể lên 10%.
Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết hiện tại trung bình mỗi tháng toàn nhà máy Tân Hiệp Phát sử dụng điện dao động từ 10 đến 15 tỷ đồng, đây là một con số không nhỏ. Việc giá điện tăng 5% trong lúc tình hình kinh tế vẫn đang trong cơn khủng hoảng chưa được phục hồi là một bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát cho biết sẽ cố gắng giữ nguyên mức giá các sản phẩm của mình để giảm bớt một phần gánh nặng cho người tiêu dùng.
Cho rằng cuối năm là thời điểm nhạy cảm khi doanh nghiệp đang chịu nhiều áp lực về lương, thưởng và các chi phí khác, ông Hà Xuân Anh, Giám đốc Công ty may Sơn Việt lo ngại việc lên giá điện sẽ tạo thêm áp lực. Theo ông, một showroom của công ty chi phí điện mất 5-10 triệu đồng một tháng, 30 cửa hàng thì con số này không nhỏ, còn về sản xuất thì mỗi tháng doanh nghiệp chi khoảng vài trăm triệu tiền điện.
"Cứ điện tăng lên 1 thì giá thành sản phẩm phải tăng lên 3, đây là điều tạo thêm nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, không muốn tăng giá bán thì họ phải tìm đủ mọi cách xoay sở", ông Anh phân tích.
Chịu nhiều lời than khi giá điện tăng song lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri vui vẻ cho biết, đứng ở góc độ người dùng thì không ai muốn tăng giá điện "dù chỉ 1 đồng". Mục tiêu của EVN khi tăng giá điện là không để ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống của người dân. Thời điểm cuối năm sau khi biết tất cả các chỉ số của nền kinh tế, EVN mới chọn mức tăng 5%.
Theo ông Tri, mỗi doanh nghiệp đều có mức độ sử dụng điện khác nhau và EVN "không thể ngồi tính thay họ được". Lãnh đạo EVN thừa nhận, đúng là hiện nay có nhiều doanh nghiệp khó khăn, trong đó không ít đơn vị thép vỡ nợ, nhưng cũng có những trường hợp "sống khỏe". Đơn cử, có một doanh nghiệp vẫn xin EVN cung cấp mỗi năm 400MW để làm nhà máy luyện thép ở Ninh Binh.
Giá điện của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực dù các giá dầu, khí đều tính theo giá quốc tế. Theo ông Tri, EVN chỉ có thể giảm giá thành, chậm tăng giá khi phát triển thủy điện đa mục tiêu hơn nữa. "Theo Quyết định 24, giá điện được điều chỉnh 3 tháng 1 lần. Phát điện phải cạnh tranh tự do và người tiêu dùng phải chấp nhận. Đó là quy luật chung", ông Tri nói.
Theo VnExpress