“Kiểu huy động vốn của bầu Kiên bằng cách thành lập công ty phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) rồi thế chấp ngân hàng vay vốn, lấy vốn vay đó mua cổ phiếu ngân hàng, rồi cầm cổ phiếu này vay tiếp vốn ngân hàng để dùng vào mục đích khác như báo Tuổi Trẻ đưa tin ngày 23-8 là quá rủi ro cho nền kinh tế” - ông Bùi Văn, nguyên Phó Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận định.
Thưa ông, việc các doanh nghiệp (DN) vay vốn ngân hàng để đầu tư thông thường như thế nào?
Việc sử dụng đòn bẩy tài chính (vay vốn ngân hàng) để đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh là việc DN hay làm, ở nước ngoài cũng vậy.
Nhưng ở ta, DN Việt vay với tỉ lệ 3-7. Nghĩa là có vốn 3 đồng vốn chủ sở hữu thì họ vay 7 đồng để kinh doanh. Việc DN vay vốn ngân hàng để đầu tư không có gì sai trái hay vi phạm pháp luật cả. Tuy nhiên, việc có 3 đồng đi vay 7 đồng, rồi lấy 10 đồng này thế chấp để vay tiếp rồi đầu tư tiếp, cứ dây chuyền và dây chuyền kiểu này… là có vấn đề.
Kinh doanh kiểu bầu Kiên là đánh bạc mà không cần bỏ vốn.
Vấn đề đó thế nào?
Việc vay để rồi đầu tư chéo bắt nguồn từ các tập đoàn, tổng công ty… bỏ đồng vốn vào thành lập ngân hàng.
Bạn có thể thấy ở một ngân hàng A khi cần tăng vốn lên thì ngân hàng B góp vốn vào. Nhưng phải biết: vốn góp từ phía ngân hàng B chỉ có 1 đồng còn 9 đồng là tiền dân gửi. Rồi ngân hàng A được ngân hàng B góp vốn bèn đem tiếp vốn (có cả vốn huy động của dân gửi) góp tiếp vào một ngân hàng C khác. Cuối cùng ngân hàng C cho vay ra trở lại…
Góp vốn kiểu này đang vô hiệu hóa mọi quy định về kiểm soát tài chính-ngân hàng. NHNN trong tình thế đó có khi cũng… run vì không biết ngân hàng thương mại yếu thế nào, đi trên cái chân nào.
Xây lâu đài trên que diêm
Tình trạng đầu tư chéo này sẽ gây ra điều gì cho nền kinh tế?
Nền kinh tế trở nên cực kỳ mong manh, rất dễ sụp đổ dây chuyền vì kiểu đầu tư góp vốn trên. Chính phủ thì khó kiểm soát được do không có được bức tranh thực. Trong khi đó, Chính phủ muốn ra một chính sách gì phải dựa trên các con số thực, hiểu bản chất thật của vấn đề.
Vậy việc góp vốn đầu tư chéo là vi phạm pháp luật?
Không vi phạm, với điều kiện anh phải minh bạch. Phải rạch ròi vốn ngắn hạn, vốn dài hạn, không được lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, đầu tư dài hạn.
Lần khủng hoảng trước, nhiều tổ chức tín dụng đã sụp đổ vì tình trạng mất thanh khoản kỳ hạn thanh toán là ví dụ.
Ở đây cần thấy là vốn Nhà nước ở các ngân hàng đang được quản lý lỏng lẻo. Vốn tổng công ty, tập đoàn do bộ, ngành đại diện và đầu tư vô ngân hàng nhưng chẳng qua cũng là tiền của dân. Quản lý vốn này lỏng lẻo mà cho tư nhân như ông bầu Kiên góp vốn vô nữa thì dễ có tiêu cực.
Còn tư nhân vay vốn để mang vốn đi đầu tư thì thế nào?
Pháp luật không cấm, tư nhân được quyền vay vốn để đầu tư dài hạn nhưng phải minh bạch rằng mình trong vốn đầu tư có bao nhiêu vốn sở hữu, bao nhiêu vốn vay. Việc dùng đòn bẫy tài chính với DN là tốt nhưng có hai mặt, khi nền kinh tế ổn định, phát triển thì DN phát triển. Nhưng khi trục trặc DN không trả được nợ vay thì đó là nợ xấu của ngân hàng.
Nợ xấu của tư nhân trong ngân hàng dạng này tác động đến nền kinh tế thế nào?
Vô cùng lớn, nhất là các ngân hàng không minh bạch về con số nợ xấu. Đáng lẽ số với nợ xấu ấy, phải lấy lợi nhuận trích lập dự phòng thì hiện nay các ngân hàng toàn nói nợ xấu thấp nên không trích lập. Do đó, nợ chồng nợ và có cả hiện tượng đảo nợ. Việc này giống như xây lâu đài trên que diêm vì NHNN không nắm hết được thông tin.
Theo ông, tư nhân lấy vốn vay để đi đầu tư vô ngân hàng, chồng chéo ở nhiều lĩnh vực thì lợi ích sẽ thuộc về ai?
Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1999 gọi cái này là rủi ro về đạo đức. Đánh bạc thua có người cứu. Ngân hàng thương mại mà chết thì có NHNN cứu.
Như vậy là anh đem tiền của nhân dân đi đánh bạc, thắng anh ăn, anh thua - nhân dân chịu. Nói chung, đó là đánh bạc không sợ mất vốn! Anh hỏi tôi về lợi ích? Đó là lợi ích nhóm - là nhóm ngân hàng. Các ngân hàng càng lợi nhuận khủng thì nhóm lợi ích này càng chi phối.