Đại lý xăng dầu vô tư chịu phạt để kiếm lời

Thứ bảy, 25/08/2012, 10:41
Như một điệp khúc diễn ra thường xuyên, đó là, cứ mỗi lần xăng dầu rục rịch tăng giá, thì tình trạng nhiều cây xăng ngừng bán lại xảy ra. Tuy nhiên, mức xử phạt vẫn quá nhẹ và chỉ dừng ở xử phạt hành chính. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp đã "nhắm mắt” chịu phạt để kiếm lời cao hơn.

 

"1001” kiểu găm hàng
 
Kể từ thời điểm xăng bắt đầu tăng giá lên 1.100 đồng/lít, qua công tác kiểm tra, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, tính đến nay, đã phát hiện 32 cây xăng bán lẻ ngừng bán hàng với nhiều lý do.

Qua kiểm tra của lực lượng chức năng tại các địa phương cho thấy, tình trạng cây xăng găm hàng chờ tăng giá diễn ra khá phổ biến ở các địa phương như Hà Nội; Hà Nam; Vĩnh Phúc; TP. Hồ Chí Minh; Bình Dương.

Cụ thể, tại Hà Nội có 1 cửa hàng xăng dầu khu vực thị trấn Hòa Lạc ngừng bán với lý do "hết xăng, doanh nghiệp đầu mối không cung ứng”. Ngoài ra, một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn lại đổ lỗi do "cửa hàng đăng ký với doanh nghiệp đầu mối cung cấp hàng nhưng không được đáp ứng”.
 
 


Nếu cùng lúc các cây xăng đều ngừng bán, thì kinh tế đất nước sẽ ngưng trệ.
Theo văn bản báo cáo của Bộ Công thương về tình hình kiểm tra các cây xăng găm hàng trước thời điểm giá xăng tăng tại hai tỉnh đó là Hà Nam và Vĩnh Phúc, khi lập biên bản, chủ các cây xăng này đồng loạt đổ lỗi do các doanh nghiệp đầu mối không cung cấp hàng.

Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, kiểm tra cửa hàng xăng dầu 2450 quốc lộ 1 A, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 và cửa hàng xăng dầu 77 số 152A Nguyễn Oanh, phường 12, quận Gò Vấp phát hiện tình trạng ngừng bán hàng vì hết xăng, doanh nghiệp đầu mối không cung ứng.

Tại tỉnh Đồng Nai tình hình trở nên rất phức tạp khi chỉ tính riêng thành phố Biên Hòa đã có 3 cửa hàng không bán hàng đó là cửa hàng xăng dầu Long Đức, ấp Long Đức 3, Tam Phước. Lực lượng chức năng kiểm tra thực tế vẫn còn xăng dầu trong các bồn, nhưng không bán để găm hàng chờ tăng giá, tại huyện Nhơn Trạch cũng có 1 cửa hàng ngưng bán xăng.
 
Chấp nhận phạt để có lời
 
Theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú: "nguồn cung xăng, dầu không hề bị đứt đoạn”. Điều đó cho thấy, xăng vẫn được bơm đầy đủ để cung ứng cho thị trường. Mặc dù, 32 cây xăng bị phát hiện nếu so với hơn 15.000 cây xăng trên cả nước, thì chỉ như "muối bỏ biển”.

Nhưng với mỗi lít xăng doanh nghiệp lãi hơn 1.000 đồng thì sau đợt găm hàng, các doanh nghiệp đều kiếm được khoản lời khá lớn. Vấn đề được đặt ra là vì sao cứ mỗi lần rục rịch tăng giá, lại xảy ra hiện tượng cây xăng ngừng bán hàng? Có thể nói, cho dù với bất kỳ lý do nào, thì dư luận cũng nghi ngờ. Bởi, thực tế những lúc thị trường bình thường, các cửa hàng bán xăng đều có lời. Nếu không nói là lời lớn.
 
Xăng là hàng hoá quan trọng, liên quan đến an ninh năng lượng của đất nước. Nếu cùng lúc các cây xăng đều ngừng bán, thì kinh tế đất nước sẽ ngưng trệ. Chính vì lẽ đó, nhà nước đã có những quy định có thể xử nghiêm với hành vi găm hàng, cao nhất có thể xử lý hình sự tội đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi.
 


Nếu chỉ dừng ở xử phạt hành chính,khó tránh việc doanh nghiệp "nhắm mắt” làm liều
Thế nhưng, một thực tế đang diễn ra trước mắt của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đối với pháp luật khi từ trước đến nay, chưa có chủ cây xăng hay chủ doanh nghiệp, đại lý đầu mối nào phải ngồi tù vì hành vi này. Nặng nhất, mới bị rút giấy phép kinh doanh xăng dầu, còn lại chủ yếu phạt hành chính vài triệu đồng.

Chính vì vậy, đến hẹn lại lên, các chủ cây xăng lại tiếp tục găm hàng để kiếm lợi nhuận cao. Bởi nếu tính 1 lít xăng lãi hơn 1.000 đồng, việc bị xử phạt hành chính vài triệu đồng, thì khoản lãi mà các chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thu được sau khi găm hàng đem lại còn cao hơn nhiều so với mức phạt.

Nói về nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều chủ cây xăng ngừng bán hàng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm cho rằng, bản chất ở đây là lợi ích kinh tế, nếu biết tăng giá, động thái lùi xuất hàng lại ngày hôm sau của doanh nghiệp có thể có một khoản lợi nhuận bằng cả tháng làm được. Do vậy, một số cửa hàng sẵn sàng…làm liều.

Nếu mức độ tăng giá càng cao hiện tượng gian lận có thể phát sinh càng lớn. Theo Cục Phó Cục Quản lý Thị trường - Bộ Công thương Đào Minh Hải, Cục sẽ xử lý nghiêm và công khai các cây xăng vi phạm, thậm chí có thể rút giấy phép kinh doanh các đơn vị cố tình đóng cửa để chờ tăng giá.

Dân lo xăng tăng giá
 
Ngày 24-8, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, chiều ngày 23-8 đã có 2 doanh nghiệp đăng ký tăng giá với mức giá từ 1.100-1.200 đồng/lít đối với xăng. Hai doanh nghiệp đăng ký tăng giá là Công ty TNHH một thành viên Dầu khí Đồng Tháp và Tổng công ty thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec.

Theo ông Thỏa, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra đúng mức tính giá mà doanh nghiệp đăng ký. Mặc dù, mới chỉ là thông tin 2 doanh nghiệp đang đệ đơn xin tăng giá xăng lần thứ 4, nhưng với người dân xóm núi Trương Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đây là thông tin đáng lo ngại.
 

 
Anh Kim Văn Nam, huyện Bình Xuyên than thở: "Ở vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi”, chưa kể chi phí về giống, phân bón, chỉ tính riêng tiền xăng sử dụng máy bơm nước tưới, bơm thuốc, rồi đổ xăng cho xe máy mỗi lần mang rau ra chợ bán… cũng chiếm một khoản chi phí khá lớn.

Trong khi đó, giá rau hiện nay cũng chỉ nhỉnh hơn tý do mưa bão, nay giá xăng, dầu tăng thì không biết xoay sở thế nào. Cả nhà 8 miệng ăn, tất cả trông chờ vào mấy sào rau. "Trước thông tin này, nhiều người trong xã rủ nhau mang can ra thị trấn mua xăng, dầu thì nhân viên bán hàng không bán với lý do, mua về không biết cách bảo quản để xảy ra cháy nổ, cây xăng không có tiền đền(?)”-anh Nam cho biết!
 
Anh Lê Văn Thế, công an viên xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, trước ở xã mỗi hộ gia đình có tới 4 đến 5 chiếc xe máy nhưng nay, nhà nào khá giả cũng chỉ có 2 chiếc. Lý do, giá xăng tăng, nhiều người dân trong xã bị thất nghiệp vì doanh nghiệp cắt giảm lao động.

Không những thế, xăng tăng kéo theo hàng loạt mặt hàng tăng nhưng những sản phẩm người nông dân làm ra thì "mất giá”. Cũng theo anh Thế, trên địa bàn chưa thấy có hiện tượng găm hàng, nhưng để tiết kiệm chi phí nhiều người chuyển sang đi xe đạp.

Cứ đà này, Bộ GTVT không cần phải lên đánh thuế phương tiện cá nhân, người dân cũng tự hạn chế phương tiện vì không cõng nổi chi phí do giá xăng dầu tăng. Cách Hà Nội gần 600km, nhưng theo anh Phạm Mạnh Cường, giáo viên trường Tiểu học Nả Nhị Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thông tin 2 doanh nghiệp đệ đơn xin tăng giá lan khắp trường, bản làng.

Anh Cường cho biết, phần lớn giáo viên của trường đều ở xa, nhà anh cách trường chừng 40km được xem là gần nhà nhất. Với những người có thu nhập ổn định thì xăng tăng 1.000 đến 2.000 đồng không ảnh hưởng nhưng với giáo viên tiểu học vùng cao, ngoài lương ra không có thêm khoản thu khác thì…quả là lớn.
Theo ông Thỏa, dự kiến trong vài ngày tới nếu Bộ Tài chính không có ý kiến gì thì các doanh nghiệp sẽ chủ động chọn thời điểm để điều chỉnh giá. Như vậy, nếu như xăng tăng giá, thì giá xăng bán lẻ có thể lên đến 24.100-24.200 đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử thị trường xăng dầu, vượt qua giá đỉnh điểm 23.800 đồng/lít xăng áp dụng từ 20-4 đến 9-5-2012.

 

Theo Đại Đoàn Kết

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích