Điều gì sẽ xảy ra?

Chủ nhật, 26/08/2012, 07:59
Nguyên văn câu nói của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ gần một năm về trước (ngày 20.9.2011) khi nói về cơ chế điều hành giá xăng dầu là: “Nếu cho doanh nghiệp (DN) tự định giá ngay thì điều gì sẽ xảy ra?”.

>> Mù mờ chuyện kêu lỗ của DN xăng dầu
>> Đại lý xăng dầu vô tư chịu phạt để kiếm lời
>> Dự kiến hôm nay DN đề xuất tăng giá xăng thêm 1.000 đồng/lít
>> Xăng dầu lại kêu lỗ: Tăng giá và rối loạn?
>> Chuyện cuối tuần: Xăng tăng giá, phúc lợi thành con tin
>> Lợi ích nhóm đang chi phối trong việc điều hành giá xăng dầu?
 

Khi đó Bộ trưởng Huệ đang muốn chứng minh rằng, với thị trường thiếu tính cạnh tranh, phụ thuộc hoàn toàn vào 4 ông lớn như thị trường xăng dầu VN thì việc nhà nước phải quản lý và quyết định giá bán lẻ là tối cần thiết.

Câu nói nổi tiếng của ông Huệ là: “Chúng tôi điều hành xăng dầu không vì quyền lợi của 11 DN đầu mối mà vì lợi ích chung của 84 triệu dân".

Nhưng thị trường xăng dầu trong gần một năm qua đang diễn biến theo chiều ngược lại, việc điều hành giá xăng dầu tỏ ra rất rối và thiếu nhất quán.

Trong khi việc lỗ, lãi của DN kinh doanh xăng dầu vẫn còn rất tù mù (Bộ Tài chính khẳng định lãi, Bộ Công thương bảo lỗ), trong khi Petrolimex vẫn chiếm 63% thị trường, cộng với Petro Saigon và PVOil thành 90% thì giá xăng, dầu đã được thả cho DN tự quyết định.


Việc kiểm tra giá tại 4 DN đầu mối hồi tháng 12.2011, tuy cũng chỉ ra một số bất cập trong việc quản trị DN, cách tính giá cơ sở, chi hoa hồng quá lớn; rồi kiểm toán quỹ bình ổn cũng chỉ ra những bất hợp lý trong cơ chế trích nộp, quản lý, nhưng dư luận càng chờ đợi thái độ cứng rắn của Bộ trưởng Vương Đình Huệ từng thể hiện, lại càng thất vọng.

Điều lạ lùng nhất trên thị trường xăng dầu là DN và cơ quan nhà nước dường như luôn luôn đồng thuận. Và đây chính là điều khiến người dân thấy bất an, bởi lẽ, bản chất cơ quan nhà nước và DN là một bên có nhu cầu quản lý chặt và một bên phải chạy theo lợi nhuận bằng mọi cách. Khi quản lý nhà nước với DN có cùng chung tiếng nói, hệ lụy sẽ là thiếu sự giám sát độc lập, thiếu động lực bảo vệ lợi ích số đông.

Có thể tại VN, điều này chưa đặt ra trực tiếp, bởi lẽ DN đều là DN nhà nước. Nhưng sự đồng thuận ấy phải trên cơ sở sự minh bạch còn nếu đồng thuận để bảo vệ nhóm cộng sinh lợi ích giữa DN và một nhóm công chức nhà nước tiêu cực là có tội với nhân dân.

Các DN “con cưng” đã trả lời câu hỏi “điều gì sẽ xảy ra?” ngay khi quản lý nhà nước trao cho quyền quyết định giá bán kể từ tháng 7.2012. Cứ 10 ngày xăng tăng giá một lần, tạo áp lực khủng khiếp lên đời sống vốn đang ngày càng khó khăn của người dân và sự khốn đốn của các DN sản xuất.

Trả lời chất vấn trước QH hồi tháng 11.2011 về giải quyết độc quyền và điều hành giá xăng, dầu, Bộ trường Tài chính khẳng định: Minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp. Thế mà việc lỗ lãi của các DN kinh doanh xăng dầu đến nay đều do doanh nghiệp tự khai, tự giải trình chứ chưa hề có kiểm toán độc lập. Giá xăng dầu thế giới minh bạch, nhưng đến VN là tù mù, tù mù cả trong giải trình.

Nắm công cụ thuế, hải quan, quản lý tài chính, cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể lập lại thị trường xăng dầu, đứng trên quyền lợi và sức chịu đựng của người tiêu dùng.


Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn