Chặn cơn sốt giá vàng

Thứ sáu, 24/08/2012, 06:59
Ngày 23/8, giá vàng trong nước đột biến tăng thêm 1 triệu đồng/lượng và cao hơn giá vàng thế giới gần 3 triệu đồng/lượng, sau hai ngày biến động từ mức 43 và 44 triệu đồng/lượng.

>> Ngân hàng Nhà nước sắp xử lý biến động giá vàng?
>> “Thổi giá” vàng trong nước
>> Tăng ‘điên cuồng’, giá vàng sắp chạm ngưỡng 45 triệu đồng
>> Biến động lạ trên thị trường vàng, USD

Trước diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai văn bản nhằm ổn định thị trường vàng. Trong đó, khẳng định độc quyền vàng miếng thuộc về nhà nước và sẵn sàng cho phép các tổ chức tín dụng vay, cho vay vàng để đảm bảo thanh khoản.

Sáng 23/8, Công ty SJC  báo giá vàng SJC cho thị trường Tp.HCM ở mức 44,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,8 triệu đồng/lượng (bán ra) trong khi nhà cung ứng Phú Quý niêm yết giá mua vào bán ra lần lượt là 44,55 triệu đồng/lượng và 44,8 triệu đồng/lượng.

 
Ngân hàng Nhà nước đã chính thức gom vàng về một mối, và mặc dù chấp nhận quyền sở hữu và các giao dịch mua bán vàng miếng của mọi tổ chức cá nhân nhưng chỉ mua bán đối với thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC.

Đến cuối ngày 23/8, giá vàng mua vào và bán ra của SJC đã tăng tương ứng 1 đồng/lượng và 1,1 triệu đồng/lượng so với mức giá mà đơn vị này niêm yết cuối ngày 22/8.

Sự đột biến của giá vàng không nằm ngoài dự tính của nhiều người sau sự kiện “bầu Kiên” bị bắt giam với tội danh “kinh doanh trái pháp luật”, trong khi cá nhân và gia đình nhân vật này nắm giữ cổ phiếu của nhiều ngân hàng và được cho là có ảnh hưởng nhạy cảm trên thị trường tài chính. Vì thế, giới đầu cơ có thể xem đây là cơ hội tốt để tạo sóng kiếm lời.

Tuy nhiên, với Quyết định 1623/QĐ-NHNN và Thông tư 24/TT-NHNN ban hành ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước coi đó là liều thuốc đặc trị sự bất kham của thị trường vàng trong 3 ngày qua.

Mở rộng cánh cửa

Theo đó, Quyết định 1623 đã chính thức công bố việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thuộc độc quyền Ngân hàng Nhà nước và đó là nền tảng pháp lý quan trọng để nhà điều hành bổ sung nguồn cung vàng miếng, can thiệp thị trường khi cần thiết, nhất là trong mấy ngày gần đây.

Hai là, liên quan đến sự “eo xèo” của những thương hiệu vàng “phi SJC” bị ép giá so với SJC, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép chuyển đổi những loại vàng này sang vàng SJC. Tại khoản 2, điều 6, quyết định ghi rõ: “Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định việc cho phép chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng miếng SJC”.

“Vàng miếng khác” ở đây bao gồm các loại vàng miếng đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất trong từng thời kỳ, trừ vàng miếng SJC.

Ba là, đối với các loại vàng SJC “xịn” nhưng bị cong vênh, bóp méo, biến dạng, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép chuyển đổi thành vàng SJC.

Ngoài ra, trong Quyết định 1623 có tới 15 điều quy định về các nguyên tắc tổ chức sản xuất vàng miếng, nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, quy trình gia công vàng miếng tương ứng với từng loại vàng nguyên liệu.

Quyết định cũng quy định về cơ chế Ngân hàng Nhà nước quản lý khuôn và máy dập vàng miếng, cơ chế quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động gia công vàng miếng và phân công trách nhiệm cụ thể giữa các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý hoạt động gia công vàng miếng của SJC nhằm đảm bảo hoạt động này được thực hiện theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cơ chế “mềm” hơn

Song song với động thái nói trên, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư số 24/2012/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung điều 1 Thông tư số 11/2011/TT-NNHNN ngày 29/4/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, với hai nội dung đặc biệt quan trọng.

Trước hết, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: tổ chức tín dụng không được thực hiện vay và cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng và các tổ chức tín dụng khác (kể cả các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa hết); không được gửi vàng tại tổ chức tín dụng khác; không được thực hiện các nghiệp vụ ủy thác, đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng.

Quy định như vậy, Ngân hàng Nhà nước nhằm chấn chỉnh các tổ chức tín dụng không được tiếp tay cho đầu cơ thao túng thị trường vàng như nhiều năm trước đây.

Mặt khác, nhà điều hành cũng có hướng mở để đảm bảo tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng khi người dân/tổ chức rút vàng ra để bán ngoài thị trường.

Cụ thể, thông tư đề cập rõ, “để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, quyết định việc thực hiện vay và cho vay bằng vàng giữa một số tổ chức tín dụng với nhau”.

Theo ý kiến một số chuyên gia, với những quyết định trên, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức gom vàng về một mối, và mặc dù chấp nhận quyền sở hữu và các giao dịch mua bán vàng miếng của mọi tổ chức cá nhân nhưng chỉ mua bán đối với thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC.

Ngoài ra, việc trao đổi, mua bán thay vì trải rộng ra hàng chục nghìn địa chỉ trên khắp nước như trước đây thì thời gian tới, những giao dịch này có thể được thu hẹp lại ở những địa chỉ được Ngân hàng Nhà nước quy định.

Xét về lợi ích chung, việc quản lý vàng như nói trên sẽ ổn định được thị trường vàng, không để chúng tác động tiêu cực tới ổn định tỷ giá và lãi suất. Dòng tiền trong nền kinh tế sẽ ổn định ở VND thay vì chuyển động bất kham từ vàng sang ngoại tệ và VND, gây mất ổn định thị trường tiền tệ như trước đây.

Nhận định phản ứng của thị trường sau hai quyết định nói trên, một chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng trong những ngày tới, giá vàng sẽ giảm sâu so với mức điên loạn của những ngày vừa qua, và những ai đã trót ôm vàng giá cao, có thể sẽ bị thua thiệt.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn