Đức, quốc gia dự trữ vàng lớn thứ hai thế giới, đang lên kế hoạch chuyển 674 tấn vàng dự trữ từ New York (Mỹ) và Paris (Pháp) về nước. Theo giới phân tích, động thái này có thể là dấu hiệu đổ vỡ niềm tin giữa các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới.
Thông báo rút vàng từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương Pháp đã được Bundesbank - Ngân hàng trung ương Đức đưa ra hai ngày trước. Trong số vàng được chuyển về, có 300 tấn từ Mỹ và 374 tấn từ Pháp. Theo kế hoạch đến năm 2020, Đức sẽ giữ một nửa số này trong kho tại Frankfurt. Phần còn lại sẽ chia ra đặt ở New York và London.
Bundesbank thông báo sẽ rút về 674 tấn vàng từ Mỹ và Pháp. Ảnh: The Times |
Bundesbank cho biết: "Với kế hoạch này, chúng tôi có hai mục đích chính. Đó là xây dựng uy tín và niềm tin với người dân trong nước, và tăng khả năng đổi vàng lấy ngoại tệ tại các trung tâm giao dịch lớn ở nước ngoài, trong khoảng thời gian ngắn". Nhà băng này giải thích họ rút toàn bộ vàng gửi tại Pháp do họ đã dùng chung đồng euro. Điều này có nghĩa Đức không còn phải dựa vào Pháp để trao đổi vàng lấy ngoại tệ dự trữ nữa.
Tính đến cuối tháng 12/2012, Đức dự trữ 3.400 tấn vàng với giá trị 177 tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ trên thế giới. Họ đã chuyển rất nhiều vàng ra nước ngoài trong Chiến tranh lạnh để đề phòng quân đội Liên Xô (cũ) tấn công Tây Đức.
Bill Gross, Giám đốc quỹ đầu tư trái phiếu PIMCO bình luận trên Twitter rằng: "Đức muốn chuyển vàng từ New York và Paris về Frankfurt. Có vẻ các ngân hàng trung ương đang không tin tưởng lẫn nhau?".
Ric Spooner, nhà phân tích thị trường tại CMC Markets ở Sydney cho biết: "Dù động thái này có phải sự mất lòng tin vào FED hay không, thì nó sẽ vẫn khiến thị trường hoài nghi. Họ sẽ cho rằng nguy cơ khủng hoảng nợ tại Mỹ đã khiến Đức khó có thể tiếp tục để nước này giữ vàng hộ mình".
Giữa tháng 2 tới, Mỹ được dự đoán sẽ chạm trần nợ công. Trong phát biểu đầu tuần này, Chủ tịch FED - Ben Bernanke cũng cho biết tìm ra một giải phát vừa giải quyết được nợ, vừa không ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế là thử thách rất khó cho các nhà làm luật nước này.
Nhà phân tích tiền tệ Sebastien Galy tại Ngân hàng Societe Generale nhận định: "Lý do Bundesbank làm việc này là để củng cố niềm tin của người Đức vào ngân hàng. Hiện tại, đây là tín hiệu cho thấy hệ thống đang rạn nứt, niềm tin giảm sút và toàn bộ nền tài chính trở nên cục bộ, biến thành eurozone, dollar zone và yen zone".
Dominic Schnider, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại Bộ phận quản lý tài sản, Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) cho biết: "Giữ vàng ở các trung tâm tài chính lớn như New York, London hay Paris có thể khiến việc tiếp cận ngoại tệ, như USD, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các nước giờ in tiền rất dễ dàng. Vì thế, họ chẳng cần dùng vàng làm tài sản đảm bảo nữa".
Ông nhấn mạnh: "Để vàng ở nhà cũng không phải là ý kiến tồi trong bối cảnh bảng cân đối kế toán của các ngân hàng ngày một phình to. Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã chuyển toàn bộ vàng từ London về vài năm trước".
Tuy nhiên, giới phân tích không cho rằng việc này sẽ có tác động đến thị trường vàng và tiền tệ. Spooner nhận xét: "Nó chẳng ảnh hưởng gì đến cung hay cầu. Bundesbank vẫn là chủ số vàng đó, dù họ có để đâu đi nữa".
Số khác thì nhận định quan trọng không phải là Đức chuyển về bao nhiêu vàng, mà là liệu lấy về rồi họ có bán đi không. Nick Trevethan - nhà phân tích hàng hóa tại ANZ Research Singapore cho biết: "Thế giới rất quan tâm đến việc Đức sẽ làm gì một khi chỗ vàng đó được chuyển về nước. Năm 2011, Venezuela cũng bán bớt vàng khi rút chúng về từ các ngân hàng châu Âu".
Tuy nhiên, động thái này có thể chỉ vì một mục đích bình thường, đó là kiểm kê. Hãng thông tấn quốc tế Đức Deutsche Welle cho biết nước này đang giải quyết theo một báo cáo của Văn phòng kiểm toán liên bang Đức. Cơ quan này chỉ trích Bundesbank đã không kiểm tra và xác minh đầy đủ số vàng dự trữ ở nước ngoài. Tháng 10/2012, nhà băng này cũng đã rút hai phần ba số vàng tại Ngân hàng trung ương Anh về nước.
Theo VnExpress