“Nên thành lập một đơn vị độc lập quản lý nợ xấu!”

Thứ bảy, 19/01/2013, 16:21
Trao đổi với PV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu không thành lập một đơn vị chuyên trách, độc lập để giải quyết thì sẽ rất khó để toàn hệ thống chính trị và người dân tin tưởng, từ đó thay đổi thái độ với vấn đề nợ xấu...

Nền kinh tế đang vượt sóng

Với tư cách là Thành viên Hội đồng Tư vấn chính cách tiền tệ quốc gia, ông đánh giá như thế nào về bức tranh nền kinh tế trong năm 2012, thưa ông?

Doanh nghiệp đang quá khó khăn. Có thể từ nguyên nhân khách quan vì bị ảnh hưởng từ bất ổn kinh tế vĩ mô, điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng; hay chủ quan như phá sản tự nguyện, trốn thuế, né thuế, doanh nghiệp dừng đầu tư do trái ngành nghề...

Tuy vậy, đây là một con số đáng suy nghĩ, bởi với một cơ cấu dân số trên 90 triệu người, nếu động lực cho nền kinh tế vĩ mô bị giảm sút, GDP chỉ quanh con số 5% thì điều đó hoàn toàn không bình thường.

Thiết nghĩ, chúng ta cần phải có cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại, tạo công ăn việc làm cho lượng người thất nghiệp đang có dấu hiệu gia tăng. Đừng quên, số lao động làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã lên tới trên 500 ngàn, rất căng thẳng!

Một suy ngẫm tiếp theo, tổng vốn đầu tư xã hội năm nay suy giảm mạnh, dù khu vực đầu tư công về cơ bản không thay đổi. Tuy vậy, khu vực doanh nghiệp tư nhân có vẻ hơi đuối, chỉ đạt 70% so với tính toán.

Như vậy, câu hỏi đặt ra: Phải chăng doanh nghiệp thật sự không tiếp cận được nguồn vốn, hay lỗ quá hết vốn, hay thậm chí có vốn nhưng chưa thấy tín hiệu tích cực trong cơ chế chính sách nên chờ đợi? Họ lo lắng tính ổn định của chính sách, các dự luật sửa đổi thường xuyên và đặc biệt là cách điều hành giật cục như các định chế tài chính quốc tế nhận định về các nhà quản lý.

Tất cả đều có thể!? Nhưng về cơ bản “cội rễ” của sự ngưng trệ, xuất phát từ chính bất ổn của kinh tế vĩ mô (hiện trong quá trình xử lý và tái cấu trúc). Tôi xin lưu ý là, cơ sở cho sự phát triển kinh tế, đó là chính đầu tư.

Trần Hoàng Ngân
 PGS.TS Trần Hoàng Ngân trên diễn đàn Quốc hội.

Vậy theo ông, giới doanh nghiệp Việt đang mong chờ thông điệp gì từ Chính phủ?

Có lẽ thông điệp họ chờ đợi nhất từ Chính phủ là sự ổn định, nhất quán trong điều hành. Kế đó, Chính phủ cần tìm cách tháo gỡ nợ xấu, phần lỗ cho rủi ro đến từ sự bất thường trong diễn biến kinh tế và cả trong bản thân cách điều hành vĩ mô.

Họ cần Chính phủ làm trung gian để giải quyết một phần sự căng thẳng hiện tại giữa người đi vay và người cho vay, bên cạnh đó là các loại phí, lãi suất, thủ tục hành chính, chính sách thuế… Kinh tế Việt Nam cả năm 2012 ước đạt 5,2%. Đây là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.

Nguyên nhân căn bản chủ yếu do chính sách tiền tệ và tài khóa đã một thời gian dài nới lỏng, tạo bong bóng chứng khoán bất động sản (thời điểm năm 2007). Đến lúc này, mọi thứ mới “vỡ” ra. Hiện nền kinh tế mình đang trong giai đoạn điều trị bệnh, nên việc suy giảm tăng trưởng cũng là hợp lý. Tuy nhiên, không nên để giảm nữa vì sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, công ăn việc làm.

Mục tiêu GDP năm 2013 Việt Nam được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo khá lạc quan, tăng khoảng 5,7%, Quỹ Tiền tệ (IMF) 5,9%, còn Chính phủ dự kiến 5,5%. Nhưng cũng đã đến lúc tăng trưởng Việt Nam cần nhìn vào “chất” hơn là “lượng”.

Việc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đầu tư công, tập đoàn kinh tế và hệ thống ngân hàng thương mại chính là “đổi” mô hình tăng trưởng chiều sâu. Có nhiều dự báo cho thấy, nếu Chính phủ áp quyết sách đồng bộ và thuận lợi, nền kinh tế của ta có cơ sở tăng trưởng tốt.

Tất nhiên, để trị bệnh cho nền kinh tế, gấp rút nhất lúc này là xử lý nợ xấu, bởi nếu để chậm, thậm chí thanh khoản từ nay đến cuối năm của hệ thống ngân hàng có thể sẽ căng thẳng. Phải giải quyết điểm nghẽn nợ xấu mới tháo được van tín dụng, hạ lãi suất, làm lành mạnh lại thị trường.

CPI đã chậm lại nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ giảm lạm phát chưa vững chắc và còn ở mức cao, thực tế này có đáng quan ngại?

Lạm phát giảm không phải chỉ do chúng ta điều hành tốt mà còn do tổng cầu suy giảm mạnh, sức mua yếu. So với các nước trong khu vực (Thái Lan là 3%; Philippines 3,5%; Malaysia 1,9%), lạm phát của ta vẫn cao gấp 2-3 lần, từ đó dễ dàng nhìn ra lãi suất VND không thể giảm được.

Điều này, đặc biệt ảnh hưởng đến chi phí vốn, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc Chính phủ cần làm là gấp rút triển khai tốt những giải pháp Luật Giá (Quốc hội thông qua ngày 20-6, sẽ có hiệu lực vào 1/1/2013), cụ thể các vấn đề liên quan đến quản lý giá, bình ổn giá, triển khai sớm dứt điểm để có dư địa hạ lãi suất.

Như vậy, Chính phủ phải dứt điểm cắt giảm chi phí đi công tác, tiệc tùng, tiếp khách, lễ hội không cần thiết để tăng đầu vào cho ngân sách. Thậm chí, kể cả vấn đề tăng lương vừa gây xáo trộn trong dư luận vừa rồi cũng cần được suy xét cẩn thận.

Tôi dám cá là, nếu Chính phủ cam kết không để lạm phát tăng trở lại, thì người lao động cũng hoàn toàn chia sẻ việc Chính phủ xin giãn tiến độ cải cách lương, trong bối cảnh thu thâm hụt sâu so với chi. Ngoài ra, vấn đề đáng chú ý khác là chỉ số ICOR (chỉ số sử dụng hiệu quả) của chúng ta vô cùng thấp.

Hiện tại, ở khối đầu tư công, chúng ta bỏ ra 6,7 đồng mới thu về được 1 đồng tăng trưởng, so với mức trung bình của thế giới 3-1.

Tuy vậy, tại sao trong bối cảnh đó, WB, IMF, ADB vẫn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2013 từ 5,7-5,9%, tức là cao hơn mức Quốc hội thông qua? Đó là vì họ nhìn thấy chúng ta còn rất nhiều tiềm năng. Du lịch - ngành công nghiệp không khói - dường như đang bị lãng quên thời gian gần đây.

Mọi người đi sẽ thấy đất nước chúng ta còn rất nhiều khu du lịch triển vọng, nhất là Việt Nam vẫn “có tiếng” có chính trị ổn định, an ninh quốc gia luôn được đảm bảo. Rồi nông nghiệp, năm 2012, chúng ta cũng chỉ là quốc gia xuất khẩu thô nhưng cũng đạt tới gần 25 tỉ USD. Rồi kinh tế biển, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực dầu thô, năng lượng cũng có nhiều tín hiệu vui…

Các định chế tài chính cho rằng, nếu chúng ta xoáy sâu vào đó, làm tốt song song cả 2 phần việc đối nội, đối ngoại thì tăng trưởng hẳn phải trên mức 5,5% như Quốc hội giao cho Chính phủ.

Nợ xấu ngày càng đa dạng và khó lường

Xung quanh rất nhiều ý kiến phản biện, cả tích cực lẫn tiêu cực vừa qua, ông đánh giá thế nào về thực chất tình hình nợ xấu hiện tại?

Nợ xấu, chính nó chứ không phải do nguyên nhân nào khác đang trở thành điểm “nghẽn” trong lưu thông, hoặc nói một cách hình ảnh thì nó là “khối u” gây bệnh tật trong cơ thể cần được phẫu thuật, thậm chí đại phẫu một cách khẩn trương. Tôi nói như vậy bởi, nguy hiểm ở chỗ, nợ xấu đang tiếp tục gia tăng ngày càng xấu, doanh nghiệp không giải quyết được khiến lãi mẹ đẻ lãi con.

Nợ xấu có nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có lỗi của cả người cho vay, của người đi vay, của kinh doanh đa ngành.

Cần lưu ý, nợ xấu hiện nằm rải rác tại rất nhiều khu vực và dưới nhiều dạng quan hệ đan chéo nhau. Có thể kể ra, nợ giữa doanh nghiệp và ngân hàng, giữa các ngân hàng với nhau trên thị trường liên ngân hàng, giữa ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước, giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản, đầu tư công.

ngành đóng tàu
 Ngành đóng tàu được đánh giá sẽ hồi phục khi khủng hoảng kinh tế đi qua

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tình hình nợ xấu đã trở nên… rất xấu từ năm 2008. Chúng ta cố gắng giữ lại, bằng cách tung ra gói kích cầu trong năm 2009, do đó, nhà đầu tư lại tiếp tục rót tiền vào bất động sản. Cuối cùng thì bong bóng bất động sản xẹp và nợ xấu lại xấu thêm.

Tuy nhiên, hiện có nhiều ma thuật trong giấu nợ xấu, nên số liệu đánh giá nợ xấu không chuẩn. Giải quyết nợ xấu phải xác định là cứu nền kinh tế, chứ không phải cứu ngân hàng, hay cứu bất động sản. Một khi nợ xấu được giải quyết thì mạch máu trên cơ thể kinh tế mới lưu thông tốt.

Cá nhân tôi cho rằng, để giải quyết tận gốc nợ xấu hiện nay cần thành lập ủy ban giải quyết nợ xấu. Trong đó có đại điện của Ngân hàng Nhà nước vì nó dính đến ngân hàng, dính đến tiền; có đại diện của Bộ Tài chính vì nó liên quan đến các dư nợ của các tập đoàn kinh tế; có sự có mặt của Bộ Xây dựng vì liên quan tới bất động sản, có đại điện cho Bộ Công an vì có những dự án liên quan tới vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ủy ban giải quyết nợ xấu đó phải có một ban kiểm soát, gồm đại diện của Quốc hội, cụ thể là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách giám sát độc lập. Và ban này cần hình thành một công ty mua bán nợ như dư luận ầm ĩ lâu nay.

Vậy mô hình mà ông vừa nói sẽ lấy nguồn tiền nào để xử lý số nợ xấu hiện nay, trong khi Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định là không sử dụng ngân sách Nhà nước?

Sau khi thành lập được ủy ban giải quyết nợ xấu, chúng ta phải định lượng để xem nợ xấu đó có kích cỡ thế nào, trọng lượng bao nhiêu và chồng chéo với nhau như thế nào?!

Tiếp theo là thẩm định lại tài sản thế chấp, cầm cố xem có đủ để đảm bảo cho khoản nợ xấu này không. Việc thẩm định đó sẽ thông qua việc bán đấu giá các tài sản này, hoặc là sau thẩm định mà không ai mua do nền kinh tế thiếu thanh khoản này thì công ty mua bán nợ mới ứng vốn mua lại tài sản đó.

Bước đầu tiên là ta xét đến cái thiệt hại, vì xử lý nợ xấu phải có thiệt hại, thiệt hại nằm chênh lệch dư nợ và cái tài sản mình đánh giá. Cái thiệt hại này, bản thân các ngân hàng thương mại phải sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, từ hệ thống ngân hàng; lấy từ vốn tự có, vốn điều lệ từ hệ thống ngân hàng thương mại.

Thậm chí, nếu làm tốt qua khâu này, chúng ta còn làm rõ được ngân hàng nào yếu, ngân hàng nào không còn vốn và đưa ra hợp nhất, sáp nhập, quốc hữu hóa. Bước cuối cùng là chúng ta lấy từ vốn tự có của chủ thể có liên quan như người bảo lãnh, người đi vay phải chịu trách nhiệm liên đới về nợ xấu. Trên cơ sở đó, chúng ta tiến hành xử lý cái nợ xấu ở tầm vĩ mô.

Trở lại vấn đề bất động sản, ứng xử với doanh nghiệp vào thời điểm này cần những hành động cụ thể gì, thưa ông?

Song song bài giải nợ xấu và các giải pháp vĩ mô, cụ thể hơn phải có sự trợ giúp doanh nghiệp vượt qua lúc khó khăn, giải phóng hàng tồn kho vật liệu xây dựng. Mới đây HĐND TP.HCM vừa ban hành Nghị quyết về việc giải quyết tồn kho vật liệu xây dựng và nhà, căn hộ ế ẩm. Thực chất HĐND đã đứng ra làm trung gian gặp gỡ, kết nối giữa các tổ chức tín dụng và người đi vay là doanh nghiệp.

Dự án treo, quy hoạch treo còn rất nhiều. Tại sao chúng ta không tính đến việc tịch thu giấy phép rồi trả đất, trả nhà lại cho người dân.

Bản thân gia đình tôi đây, đang nằm trong diện quy hoạch treo, cũng rất muốn sửa lại, nhưng vì “treo” mà đành chịu, năm hết tết đến rồi, ai chẳng muốn sửa sang lại đón tân xuân. Chúng ta siết đầu tư công là đúng, nhưng sức dân còn nhiều lắm. "Dễ trăm lần không dân cũngchịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Từ đó, tôi dám cá là đầu ra cho vật liệu xây dựng sẽ được cải thiện đáng kể. Tôi cho rằng, các thành phố khác có thể nghiên cứu và áp dụng. Chính sách tài khóa cơ bản diễn ra như đã định, hiện Chính phủ đang cố gắng đảm bảo chi đúng, chi đủ nhưng nguồn thu năm nay rất căng thẳng, phải làm sao cho nền kinh tế hồi phục thì lúc đó nguồn thu mới tốt lên.

Chính sách tiền tệ dù đang đi đúng hướng nhưng cần lưu ý hệ thống ngân hàng đang đánh mất niềm tin, để ổn định được thị trường, ngân hàng phải tuân thủ pháp luật, vi phạm nếu có phải làm trắng đen rõ ràng, minh bạch trong hệ thống, có vậy người dân mới tin tưởng.

Nhu cầu về chi cho năm sau là vô cùng lớn. Làm sao để nền kinh tế tăng trở lại, doanh nghiệp bán được hàng thì thuế mới trở lại ngân sách Nhà nước. Tôi chia sẻ với Chính phủ, người lao động chia sẻ với Chính phủ. Tuy nhiên, nếu tăng lương mà lạm phát không khống chế được thì rõ ràng mọi việc hoàn toàn vô nghĩa.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Trong lưu thông tiền tệ, có rất nhiều thủ thuật để chuyển hóa dòng tiền. Doanh nghiệp và ngân hàng có thể đảo nợ để tạo con số nợ đẹp tại ngân hàng.

Ngân hàng có thể cho doanh nghiệp này vay để trả cho doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp được trả khoản tiền này lúc đó sẽ có đủ khả năng để trả nợ cho ngân hàng. Như vậy, có nghĩa là dòng tiền chỉ đi quay vòng, cuối cùng vẫn quay lại ngân hàng.

Điều quan trọng của lượng tiền này là sẽ không đi vào sản xuất, kinh doanh, không thực sự hỗ trợ nhiều cho các đơn vị, trong khi các công ty quản lý nợ của các ngân hàng đôi khi cũng mua nợ lẫn nhau theo nguyên tắc có đi, có lại, nên thực tế tiền không được đưa ra.

Các biện pháp giấu nợ xấu không vi phạm quy định pháp luật, nhưng không phản ánh đúng bản chất của nguy cơ này. Vậy cơ quan nào sẽ kiểm tra những hoạt động giấu nợ xấu của ngân hàng thương mại?

Về lý thuyết đây là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, cần thiết phải thành lập ủy ban hoặc hội đồng liên ngành đề xử lý cả nợ xấu và tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo Petrotimes

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích