Khó khăn của các dự án khai thác dầu khí nước ngoài

Chủ nhật, 20/01/2013, 09:42
Thiếu vốn cho các nhà thầu, vay ngân hàng khó khăn, tình hình an ninh khai thác mỏ bất ổn là những vấn đề mà các doanh nghiệp dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) phải đối mặt trong năm nay.

Ngày 19/1, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2012, triển khai kế hoạch năm 2013 với sự tham dự của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Khó khăn của các công ty con thuộc "ông lớn" PetroVietnam hâm nóng hội trường trong ngày đầu năm.

Mặc dù hoàn thành tất cả chỉ tiêu đề ra trong năm 2012 với gia tăng trữ lượng được hơn 19 triệu tấn quy dầu, có tổng doanh thu khoảng 64.900 tỷ đồng, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) vẫn đánh giá 2013 là một năm đầy thách thức, nhất là đối với các dự án nước ngoài.

Ông Đỗ Văn Khạnh, Tổng giám đốc PVEP lo ngại, việc tìm kiếm dầu khí ở nước ngoài có thể gặp rất nhiều khó khăn. Dự án ở Algeria sẽ khai thác được 20.000 thùng mỗi ngày, sau dần tăng lên gấp đôi nhưng tình hình an ninh tại quốc gia này rất bất ổn.

“Lực lượng hồi giáo giữ một mỏ dầu cách chúng ta 200 km, chúng tôi đã cảnh báo nhân viên không ra ngoài, đi chợ phải nhờ người bản địa”, ông Khạnh cảnh báo.

daukhi
 Doanh nghiệp dầu khí lo khó huy động vốn trong năm nay

Ngoài ra, việc khai thác mỏ ở Venezuela cũng không dễ dàng do lạm phát tăng phi mã. Chênh lệch tỷ giá giữa đôla tự do và chính thức lên tới 4 lần trong khi đó, gia tăng trữ lượng PetroVietnam giao cho PVEP là 12,3 triệu tấn.

Năm 2013 được PVEP đánh giá sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn. Năm nay, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí cần khoảng 1,9 tỷ USD cho đầu tư. Ngày 18/1, PVEP mới ký được hợp đồng vay 300 triệu USD từ 17 ngân hàng quốc tế. Trong khi đó, trước kia, doanh nghiệp vay 400 triệu chỉ cần huy động từ 5 ngân hàng. “Mặc dù nợ trên vốn chủ sở hữu chúng tôi rất nhỏ nhưng việc vay ‘dàn hàng ngang’ cho thấy huy động vốn năm nay sẽ rất khó khăn”, ông Khạnh lo ngại.

Với một số chỉ tiêu khiêm tốn đạt được, 2012 là một năm đầy sóng gió của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Chủ tịch HĐTV Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang cho hay, chỉ số lợi nhuận và sản lượng tại Dung Quất năm qua đều không đạt được như kế hoạch vì nhà máy phải dừng 2 tháng do lỗi kỹ thuật. “2013 chỉ cần duy trì ổn định, nhà máy sẽ lại thu hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên đây sẽ là một thách thức to lớn của Bình Sơn”, ông Giang chia sẻ.

Theo ông Giang, “tuổi thọ” Dung Quất là 50 năm hay 100 năm tùy thuộc vào cách "hành xử" của con người. Trong giai đoạn đầu, Dung Quất buộc phải “hy sinh” một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, tài chính để đảm bảo kỹ thuật, nâng cao tuổi thọ cho toàn bộ nhà máy.

Mở rộng nhà máy lọc dầu không chỉ đơn thuần cần vốn mà phải có cái nhìn quy hoạch dài hạn. “Phải có hành động ngay tức thì chiến lược để Bình Sơn có một gương mặt ‘đẹp’ hơn. Thành công không phải là đạt được mục tiêu cuối cùng mà chính là chúng ta đạt được trên con đường đi đó, phải làm sao bỏ ra 10 tỷ đôla thì thu về 20 tỷ đôla”, ông Giang ví von.

Không chỉ có Dung Quất mà dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 cũng gặp không ít sóng gió. Ông Phạm Văn Định, Trưởng ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Vũng Áng - Quảng Trạch cho hay, vướng mắc lớn nhất của nhà máy là giá của gói thầu EPC đàm phán ký kết dựa trên phê duyệt của Bộ Công Thương cho Vũng Ánh 1 chỉ là 1,17 tỷ USD, trong khi đó Vũng Áng 2 được tới 1,5 tỷ đôla, điều này dẫn đến trong khi thực hiện lại phát sinh nhiều vấn đề.

Hiện nhà thầu xây dựng dự án gặp nhiều khó khăn, vốn thanh toán ít dẫn đến một số đơn vị đã bỏ giữa chừng. “Chúng tôi đã báo cáo lên Chính phủ nhờ tháo gỡ và chỉ khi giải quyết được triệt để vấn đề này thì Vũng Áng 1 mới có thể yên tâm”, ông Định nói.

Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những thành tích mà Tập đoàn đã đạt được, nhất là trong việc gia tăng trữ lượng dầu khí cả trong và ngoài nước. Phó thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần sớm khắc phục những tồn tại, tạo thành sức mạnh tổng lực để vượt qua những khó khăn, tháo gỡ cho Vũng Áng 1, Dung Quất...

Phó thủ tướng đánh giá, ngành dầu khí cần có quy hoạch hàng trăm năm để sau này không bị lỗi hẹn. Tái cấu trúc doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị cũng là một nhiệm vụ cần lưu tâm.

Với 50.000 cán bộ nhân viên, Tập đoàn Dầu khí cần phân tích từng đơn vị, phát huy điểm mạnh và hạn chế tối đa điểm yếu “Vinashin, Vinaline thất bại là do con người và hệ thống quản trị, lãnh đạo nói hay nhưng không giám sát được”, Phó thủ tướng nhắc nhở. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng lưu ý vấn đề đoàn kết nội bộ để phát huy được năng lực của từng cá nhân trong tổ chức.

Năm 2012, Tập đoàn Dầu khí cơ bản hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra và có mức tăng trưởng cao so với năm 2011. Nhờ đó, tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn đạt 773,7 nghìn tỉ đồng, bằng 117,2% kế hoạch năm, tăng 14,6% so với năm 2011. Năm 2013, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đặt mục tiêu gia tăng trữ lượng 35-40 triệu tấn dầu quy đổi; khai thác dầu khí đạt 25,2 triệu tấn dầu quy đổi; doanh thu đạt 646,5 nghìn tỷ đồng.

Theo VNE

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn