Dịch vụ Khoan Dầu khí đã tăng từ hơn 30.000 đồng/cổ phiếu lên xấp xỉ 37.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu PGD của Công ty Phân phối Khí thấp áp Dầu khí cũng tăng từ 31.000 đồng/cổ phiếu lên 39.000 đồng/cổ phiếu (10.7-10.8).
Nguyên nhân của sự tăng giá này là một số doanh nghiệp dầu khí đã công bố kết quả kinh doanh 3 quý khả quan hoặc chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao.
Chẳng hạn, PVD cho biết đã cán sát mốc lợi nhuận mục tiêu cả năm sau 9 tháng. Còn PGS (Công ty Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam) đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 3 quý.
Trước sức nóng này, nhiều nhà đầu tư đã mua vào. Nhưng liệu có phải cứ là thuộc nhóm dầu khí thì cổ phiếu đó đáng mua?
Tăng nhanh, giảm cũng nhanh
Một điều dễ thấy là có nhiều cổ phiếu dầu khí chỉ ăn theo làn sóng tăng giá này vì không có thông tin ấn tượng nào được công bố, như PVX (Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí), PVL (Địa ốc Dầu khí) và PVA (Xây lắp Dầu khí Nghệ An).
Những đợt tăng giá kiểu này khiến một lượng không nhỏ nhà đầu tư theo trường phái phong trào hay cổ phiếu nhóm ngành dễ gặp rủi ro. Bởi lẽ, không phải cổ phiếu nào thuộc ngành dầu khí cũng có kết quả kinh doanh tốt.
Hơn nữa, theo bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, “cổ phiếu ngành dầu khí đa số do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ cổ phần chi phối nên hoạt động của các công ty trong ngành đều liên quan đến chủ trương của Tập đoàn”.
Cổ phiếu dầu khí dù có nhiều lợi thế lớn, nhưng rủi ro cũng không ít.
Với đợt tăng giá vừa rồi, nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư dễ mất tiền oan. Bài học tăng giá năm 2010 đáng để họ cân nhắc. Lúc đó, nhiều cổ phiếu dầu khí đã tăng giá mạnh bất chấp có thông tin tốt hay không. PVX sau một thời gian đi ngang ở mức chưa tới 20.000 đồng/cổ phiếu đã tăng lên gần 30.000 đồng/cổ phiếu.
Hay PVA sau khi lình xình với giá trên mệnh giá chút đỉnh, bỗng chốc leo lên hơn 80.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó, những cổ phiếu này đã rớt mạnh, không kém lúc tăng. Đến cuối năm 2010, PVA rớt thê thảm hơn 4 lần, xuống còn khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu. PVX cũng tuột về dưới mệnh giá.
Lợi thế “mác” dầu khí
Đối với các cổ phiếu dầu khí đã niêm yết, có thể tạm phân thành 3 nhóm. Thứ nhất là các cổ phiếu có hoạt động kinh doanh cốt lõi liên quan đến dầu và khí như PVD, DPM (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí), GAS (Tổng Công ty Khí Việt Nam).
Nhóm kế tiếp cũng có quy mô vốn hóa lớn như nhóm trên nhưng không liên quan nhiều đến dầu khí như PVI (Công ty Cổ phần PVI) hay PVF (Tổng Công ty Tài chính Dầu khí). Nhóm này kinh doanh đa ngành và thiên về hoạt động tài chính. Nhóm cuối gồm những công ty có vốn hóa nhỏ và chủ yếu dính đến bất động sản như PVA, PVX.
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu ngành này có nhiều lợi thế hơn so với cổ phiếu những ngành khác. Các doanh nghiệp ngành dầu khí có lĩnh vực kinh doanh đặc thù, một số có hoạt động kinh doanh độc quyền nên cổ phiếu “mác” dầu khí thường được ưa chuộng.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng các doanh nghiệp nhóm 1 có kết quả kinh doanh ổn định. Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng trong giai đoạn 2009-2011, PVD vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu trung bình hơn 30% và lợi nhuận ròng hơn 15%. Còn DPM, dù doanh thu trung bình chỉ tăng hơn 15% nhưng lợi nhuận ròng lại tăng hơn 50%.
Hệ số lợi nhuận/vốn (ROE) của các doanh nghiệp này đều đạt trung bình từ 15-35% mỗi năm. Nổi bật nhất là DPM có ROE năm 2011 vượt hơn 47%. Tỉ lệ vay nợ của doanh nghiệp dầu khí cũng không đáng lo, khi chỉ số nợ vay/tài sản phần lớn chưa đến 1 lần.
Điều đáng quan tâm hơn là lợi thế tiếp cận nguồn vốn của các công ty trong ngành. Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành khác chật vật tìm vốn, các doanh nghiệp ngành này lại dễ được hỗ trợ vốn từ tập đoàn mẹ PVN.
Không chỉ được vay nhiều mà họ còn được vay USD, một giải pháp hiệu quả giúp giảm áp lực lãi vay trong cơn sốt lãi suất cao vừa qua. Trong khi đó, tỉ giá VND/USD năm nay được dự báo gần như không tăng, nghĩa là họ không phải lo ngại rủi ro biến động tỉ giá.
Rủi ro dây chuyền
Cổ phiếu dầu khí dù có nhiều lợi thế lớn, nhưng rủi ro cũng không ít.
PVG (Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Bắc), CNG (Công ty Cổ phần CNG Việt Nam), PGD, PGS… là những doanh nghiệp kinh doanh và phân phối khí. Nguyên liệu khí đầu vào chủ yếu mua lại từ GAS. Do đó, khi giá nguyên liệu tăng, lợi nhuận những công ty này sẽ bị ảnh hưởng.
Hiện tại, lợi thế dễ tiếp cận vốn vay từ tập đoàn mẹ PVN lại là rủi ro không nhỏ với các doanh nghiệp dầu khí. PVN đang có kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn, tập trung vào hoạt động chính là thăm dò và khai thác dầu khí. Đồng thời, PVN cũng muốn thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành ở các công ty con. Vì vậy, khó có chuyện PVN tiếp tục rót vốn như trước.
Điều đó có nghĩa là các công ty họ dầu khí đầu tư tài chính, bảo hiểm, bất động sản sẽ mất ưu thế. Ngay cả những thành viên như PVS, PVC cũng khó vay thêm từ tập đoàn mẹ. Kế hoạch tăng vốn từ 350 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng của PVC từ năm 2011 đến nay vẫn còn dở dang.
Cũng do thiếu vốn nên PVS phải giãn tiến độ giải ngân nhiều dự án và cắt giảm mức đầu tư năm 2012 còn chưa đến 1/3 năm trước. Hay như PVX, công ty có hoạt động liên quan đến xây dựng và bất động sản, bỗng dưng lỗ gần 500 tỉ đồng trong quý III/2012, trong khi quý trước còn có lãi.