Cái lý mà bộ trưởng đưa ra là nguyên liệu xăng không tái tạo được nên phải tiết kiệm chi tiêu. Chưa hết, bộ trưởng còn so sánh mức đóng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ở Úc, Hong Kong… còn cao hơn so với Việt Nam.
Xăng dầu đang phải "gánh" thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng xa xỉ.
TS Nguyễn Thị Thủy, khoa Luật thương mại ĐH Luật TP.HCM phản biện: “Lý do mặt hàng xăng không tái tạo lại được thì người tiêu dùng đã phải đóng 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường rồi. Tôi muốn nhắc lại nguyên tắc là thuế không được chồng thuế. Ở đây, không phải vấn đề đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là sai mà Nhà nước cần giải thích cho người dân hiểu tại sao xăng lại phải cõng hai sắc thuế cho một lý do”.
Thêm nữa, theo TS Thủy, lý do cho rằng một số nơi trên thế giới có đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu nên Việt Nam cũng làm vậy chưa thuyết phục. Bởi lẽ mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ có chính sách thuế khác nhau, phù hợp với điều kiện kinh tế và cuộc sống người dân.
Cần lưu ý rằng thu nhập của người dân Việt Nam chưa cao, việc đánh thuế quá nhiều khiến người dân phải bỏ ra một số tiền khá lớn cho mặt hàng đó.
Xăng là mặt hàng thiết yếu đối với người dân, vì vậy đừng bắt họ phải làm quen với lý do mặt hàng này không được khuyến khích sử dụng. Khi không có nhiên liệu thay thế thì dù Nhà nước có đánh thuế cao, người dân cũng phải lựa chọn thôi.
Có thể nói người đưa ra chính sách thì luôn có hàng ngàn, hàng vạn lý do. Điều quan trọng là lý do đó phải được sự đồng thuận của người chấp hành.
Theo Pháp Luật TP