Thương hiệu Việt tan vỡ: Biếu không Tribeco cho nước ngoài

Thứ ba, 16/10/2012, 08:08
Là một trong những thương hiệu đầu tiên của ngành giải khát và cũng là của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, nhưng cuối cùng Tribeco đã phá sản và thương hiệu rơi vào tay nước ngoài.

>> Thương hiệu Việt tan vỡ: Sự biến mất của Habubank
>> Đừng để thương hiệu Việt dần biến mất
>> Nhà đầu tư nước ngoài nhăm nhe thâu tóm thương hiệu Việt
>> Đại gia ngoại quyết liệt thâu tóm thương hiệu Việt


Kết cục buồn

Ngày 24/8 vừa qua, Đại hội bất thường Công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn (Tribeco Sài Gòn) đã thống nhất giải thể DN. Đây thực sự là cú "sốc" lớn bởi nhiều người không ngờ rằng một thương hiệu mạnh lại có kết cục buồn như vậy.

Hội đồng quản trị công ty sẽ mua lại cổ phần trôi nổi với giá 2.300 đồng một cổ phần. Từ tháng 9, mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn đã được chuyển sang cho Tribeco Bình Dương (công ty 100% vốn nước ngoài được sở hữu bởi Tập đoàn Uni-President, cổ đông lớn nhất của Tribeco Sài Gòn trước khi giải thể) tiếp quản.

Như vậy lại thêm một thương hiệu lớn của DN Việt Nam bị thâu tóm như thế người ta dâng tên tuổi uy tín 20 năm này cho DN ngoại một cách dễ dàng.

Tribeco là thương hiệu quen thuộc với nhiều người tiêu dùng nội địa. Trong hơn 20 năm có mặt trên thị trường thì có đến 11 năm liền, Tribeco lọt vào danh sách Hàng Việt Nam chất lượng cao. Thậm chí, sản phẩm sữa đậu nành và nước ngọt có gas của Tribeco còn được đề xuất chọn làm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP.HCM.


Tribeco là một trong những DN lên sàn chứng khoán ngay từ những ngày đầu tiên. Cổ tức tiền mặt hàng năm duy trì đều đặn ở mức 15% - 18%. Vì điều này, suốt một thời gian dài, cổ phiếu TRI trở thành hàng "hot" được săn đón bởi các quỹ đầu tư tên tuổi .

Năm 2005, lãnh đạo của Tribeco nhận ra rằng, nếu không hợp tác để đẩy mạnh sự phát triển thì sẽ bị các đối thủ nước ngoài "tiêu diệt". Vì vậy, Tribeco đã bắt tay hợp tác với cổ đông lớn là Công ty cổ phần Bánh kẹo Kinh Đô (KDC) thông qua việc bán lại 35% cổ phần cho KDC.

Điều này, lúc đó được xem là tốt cho cả hai phía với những giá trị cộng hưởng hứa hẹn. Hai năm sau, Tribeco tiếp tục hợp tác với đối tác chiến lược Uni-President.


Được hậu thuẫn bởi hai "đại gia" tầm cỡ ngành thực phẩm, cổ đông Tribeco có lý do để kỳ vọng DN sẽ có những đột phá về doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, ngược lại, kết thúc năm tài chính 2008, Tribeco gây ra cú "sốc" lớn với toàn thị trường khi công bố lỗ 145 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5,32 tỷ đồng dù 3 quý đầu năm báo lãi.

Sau cú "sốc" đó, Tribeco bắt đầu "mất lái", liên tiếp 12/13 quý sau đó toàn thua lỗ. Quý duy nhất có lãi là từ thu nhập bất thường của hoạt động chuyển nhượng cổ phần.

Tính đến cuối năm 2011, Tribeco lỗ lũy kế tới 300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu. Theo thông báo của Tribeco tại đại hội cổ đông, 7 tháng đầu năm 2012, công ty lỗ khoảng 100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng.

Biếu không cho nước ngoài

Một chuyên gia kinh tế cho rằng Tribeco đã trở thành nạn nhân trong cuộc chơi đầy toan tính của các "ông lớn", đặc biệt là một nhà đầu tư nước ngoài đầy kinh nghiệm như Uni-President. Với việc đẩy Tribeco rơi vào cảnh buộc phải giải thể, nhà đầu tư nước ngoài này được độc chiếm thương hiệu Tribeco.

Sau khi hợp tác với Kinh Đô, với tham vọng đưa Tribeco lên tầm cao mới, hai bên đã góp vốn đầu tư xây dựng nhà máy Tribeco Bình Dương (2006) và Tribeco miền Bắc (2007), trong đó Tribeco đều góp 80% vốn cho cả hai dự án, phần còn lại là của KDC.

Tuy nhiên, theo đánh giá thì do chiến lược sai lầm, hai nhà máy này không những không phát huy hiệu quả mà đẩy Tribeco vào cảnh nợ nần và trượt dài. Hậu quả là khi Nhà máy Tribeco Bình Dương đưa vào hoạt động cuối năm 2007 với công suất hơn 40 triệu két/năm và tiếp theo là Nhà máy Tribeco miền Bắc vào năm 2008 nhưng sản lượng tiêu thụ của Tribeco ngày càng "teo" lại.

Theo số liệu của Tribeco, trong năm 2005 DN này tiêu thụ được khoảng 8,14 triệu két, nhưng từ năm 2007-2010 sản lượng tiêu thụ chỉ xoay quanh con số 6 triệu két/năm.

Trong tình thế lỗ, đi vay vốn để cầm cự, Tribeco còn phải gánh vác nợ và các khoản chi cho Tribeco Bình Dương và Tribeco miền Bắc. Không những thế, khi vẫn đang còng lưng trả lãi cho các khoản vốn vay đầu tư các nhà máy, Tribeco lại vung tay đầu tư mua cổ phiếu KDC, Kidos và Sabeco.

Đầu tư tài chính, chi phí lãi vay khi đầu tư dự án, việc trích lập dự phòng nợ khó đòi kết hợp với chi phí lập kênh phân phối, chi phí khi tung sản phẩm mới ra thị trường... khiến Công ty thua lỗ lớn.

Và khi Tribeco Bình Dương thua lỗ nặng vào cuối năm 2008, Tribeco Sài Gòn sau đó đã dần dần bán hết phần vốn còn lại trong Tribeco Bình Dương cho chính Uni-President Việt Nam. Năm 2010, Tribeco Sài Gòn bán hết cổ phần ở Tribeco miền Bắc.

Ngoài ra, sau khi Tribeco Bình Dương đi vào hoạt động, Tribeco Sài Gòn đã quyết định đóng cửa hai nhà máy cũ tại TP.HCM. Như vậy, với việc giảm tỉ lệ nắm giữ và sau đó là bán hết vốn trong Tribeco Bình Dương, Tribeco Sài Gòn chỉ giữ vai trò là nhà bán hàng, hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn hàng do Tribeco Bình Dương cung cấp, mà thực chất là của Uni-President Việt Nam.

Một công ty đang ăn nên làm ra như Tribeco lẽ ra khi kết hợp với 2 đối tác lớn thì phải mạnh lên, thế nhưng, thực tế lại thua lỗ liên tục và dẫn đến giải thể, những công ty liên kết dần thuộc về tập đoàn nước ngoài từng là đối tác của mình, đây là điều thật khó hiểu. Từ đó, dư luận trong giới đầu tư cho rằng Uni-President đã có chủ đích thâu tóm và phải chăng chính một số cổ đông lớn đã tiếp tay?

Trong đại hội cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 6/2012 của Tribeco, toàn bộ người của Kinh Đô đã đồng loạt từ nhiệm, nhường chỗ cho người của Uni-President. Thành viên HĐQT người Việt Nam sau đó cũng đã từ nhiệm. Kinh Đô thoái vốn hoàn toàn khỏi Tribeco. Như vậy, Tập đoàn Đài Loan nay đang kiểm soát toàn bộ thương hiệu nước giải khát Việt Nam.

Uni-President Việt Nam nắm quyền chi phối và sở hữu 100% Tribeco Bình Dương, giờ ung dung hưởng lợi. Với việc đẩy Tribeco rơi vào cảnh buộc phải giải thể, nhà đầu tư nước ngoài này được độc chiếm thương hiệu Tribeco gắn với "đuôi" Bình Dương, chưa kể còn được hưởng một thị phần đáng kể của sản phẩm này mà không phải tốn một đồng để xây dựng thương hiệu.

Sau khi khai tử thương hiệu Tribeco Sài Gòn, Tập đoàn Uni-President đã lên kế hoạch giải quyết cho những CBNV ở Sài Gòn có nhu cầu tiếp tục làm việc tại Bình Dương. Cán bộ nhân viên của Tribeco Sài Gòn đã không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối cho một thương hiệu của Việt Nam đã được dày công xây dựng trong hơn 20 năm qua, đến nay hoàn toàn nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài.

Câu hỏi mà họ băn khoăn chính là, khi đã nằm trong tay nước ngoài, số phận thương hiệu Tribeco sẽ như thế nào? Liệu có theo chân của một loạt các thương hiệu mạnh Việt Nam trước kia đã bị khai tử?

 

Theo VEF

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích