Đại gia dầu khí mất sinh khí

Thứ năm, 27/09/2012, 14:05
Không ai ngờ những rủi ro xa vời trong bản cáo bạch ấy lại có một ngày xảy ra với PVX.
Để tạo ấn tượng với cộng đồng đầu tư năm 2009, Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đã đưa ra một bản cáo bạch hoành tráng. Và giống như các bản cáo bạch khác, PVX đã liệt kê ra các rủi ro tiềm ẩn để giới đầu tư cùng biết. Có điều, không ai ngờ những rủi ro xa vời ấy lại có một ngày xảy ra tại PVX.
 
Khi rủi ro đồng loạt kéo về
 
“Nền kinh tế Việt Nam sau một thời gian tăng trưởng liên tục trên 7%/năm đang phải đối mặt với nhiều thách thức”, PVX đã nêu rủi ro về vĩ mô như vậy trong bản cáo bạch năm 2009.
 
Điều đó đã xảy ra và đang tiếp diễn. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 4,38%, thấp xa so với mức 5,63% cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp và xây dựng, đầu tàu và động lực tăng trưởng của nền kinh tế, chỉ tăng 3,81% (so với 6,49% cùng kỳ năm trước).
 
Kinh tế suy giảm đã khiến hoạt động xây lắp của PVX gặp khó.

Xây dựng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc suy thoái kinh tế, nên hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều bị sụt giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ. Vì thế, việc một công ty xây lắp lớn như PVX bị tác động mạnh cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đã lỗ ròng 254 tỉ đồng so với mức lãi ròng 132,09 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
 
Sắp tới, tình hình kinh doanh của PVX sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay được dự báo sẽ tăng trưởng chỉ 5,5-5,6%, thấp hơn mục tiêu đề ra (6-6,5%) và thấp hơn cả năm trước (5,89%). Khó khăn kinh tế vĩ mô càng kéo dài, PVX càng lâu thoát khỏi vũng lầy thua lỗ. Nhưng đó mới chỉ là khó khăn đầu tiên.
 
“Sự thay đổi của hệ thống luật pháp và các quy định có thể ảnh hưởng mạnh tới kết quả hoạt động của Tổng Công ty”, bản cáo bạch của PVX đã nêu rõ rủi ro về thay đổi chính sách như vậy. Dù nhìn thấy được rủi ro này, nhưng có lẽ PVX cũng không thể dự báo được sự thay đổi lớn về chính sách trong thời gian qua, đặc biệt là chính sách hạn chế đầu tư công của Chính phủ.
 
Nghị quyết 11 thắt chặt đầu tư công là nguyên nhân quan trọng khiến đầu tư và tiêu dùng bị giảm sút. Tỉ lệ đầu tư/GDP từ mức trên 40% trong nhiều năm trước, đến 2011 đã giảm chỉ còn 34,6%; mục tiêu năm 2012 còn thấp hơn, chỉ 33,5%.
 
Lợi thế lớn nhất của PVX là một thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN (PVN nắm giữ 87,87% vốn điều lệ).

Trước nay, PVX luôn được sự quan tâm, hỗ trợ của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong Tập đoàn. Do đó, thị trường chính của PVX vẫn là các dự án của PVN, chiếm đến 70-80% tổng giá trị sản lượng của Công ty trong những năm qua.

Nhưng khi Nghị quyết 11 ra đời, PVN là một trong những tập đoàn đi đầu trong việc cắt giảm đầu tư. Vì thế, các đơn hàng cho PVX đã bị cắt giảm hoặc hoãn tiến độ hàng loạt. Trong bản giải trình vừa gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), PVX cũng thừa nhận đây là một nguyên nhân chính khiến họ gặp khó.

 
Rủi ro chậm thanh toán cũng được PVX đề cập trong bản cáo bạch năm 2009 và đến nay đã trở thành hiện thực. Các công trình dầu khí thường có vốn đầu tư lớn và thời gian thi công kéo dài. Việc nghiệm thu, bàn giao được thực hiện từng phần và việc giải ngân vốn khá chậm.

Quá trình hoàn tất hồ sơ thi công cũng như thống nhất phê duyệt quyết toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu thường mất nhiều thời gian. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính của các công ty xây dựng, trong đó có PVX. Hiện nay, có nhiều dự án PVX thi công chưa đến hạn thanh toán, do một số dự án bị chậm so với tiến độ đề ra.

 
Thêm vào đó, việc giá nguyên vật liệu đầu vào (xi măng, điện, sắt thép, xăng dầu... ) tăng trong những năm gần đây khiến tỉ suất lợi nhuận gộp của hoạt động xây lắp ngày càng giảm. Theo báo cáo tài chính quý II/2012 của PVX, trong 6 tháng đầu năm 2012, hoạt động xây lắp không sinh lời, với tỉ suất lợi nhuận gộp âm 0,01%. So với tỉ suất 10% và 15% của năm 2011 và 2010, đây quả là một sự sa sút lớn.
 
Một rủi ro lớn khác được đề cập trong bản cáo bạch của PVX là rủi ro về lãi suất cho vay vì “nhu cầu về vốn của Tổng Công ty và các đơn vị thành viên là rất lớn”. Rủi ro này đã thực sự hiện hữu khi lãi suất tăng cao và kéo dài trong nhiều quý vừa qua (gần đây lãi suất đã giảm xuống nhưng vẫn còn ở mức cao).
 
Vậy là hầu hết các rủi ro mà PVX đưa ra trong bản cáo bạch năm 2009 đều đã thành hiện thực, đặt Công ty vào tình thế vô cùng khó khăn. Kết quả là trong 6 tháng đầu năm nay, mỗi ngày PVX lỗ gần 2,6 tỉ đồng.

HNX mới đây thông báo cổ phiếu PVX không được giao dịch ký quỹ kể từ 12.9.2012. Lý do, theo HNX, là “lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 334 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ âm hơn 467 tỉ đồng tại báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2012 có soát xét của kiểm toán”.

 
Dính đủ các căn bệnh thập kỷ
 
Tại Hội nghị Đầu tư do NCĐT tổ chức hồi tháng 8, các chuyên gia kinh tế và giới doanh nhân đã nêu ra các căn bệnh thập kỷ mà doanh nghiệp Việt Nam đang mắc phải. Và PVX đã dính không thiếu một bệnh nào.
 
Bệnh đầu tiên là vay nợ quá nhiều. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao đã trở thành con dao hai lưỡi đối với các doanh nghiệp. Nó góp phần gia tăng lợi nhuận nếu khoản đầu tư có hiệu quả nhưng cũng sẽ làm xói mòn lợi nhuận nếu kinh doanh đi xuống. Đến khi Việt Nam đối mặt với khủng hoảng, mặt trái của đòn bẩy tài chính đã được bộc lộ. Gánh nặng lãi vay, trong khi sản xuất đình đốn đã khiến các doanh nghiệp đau đầu vì nợ.
 
Việc huy động vốn cũng như kế hoạch niêm yết của các đơn vị thành viên của PVX đã bị chậm lại do thị trường chứng khoán suy giảm. Do vậy, PVX phải dựa vào vốn vay.
 
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, tính đến hết quý II/2012, PVX đã gánh khoản nợ 10.986 tỉ đồng. Trong đó, đáng lo ngại nhất là khoản vay và nợ ngắn hạn 3.216 tỉ đồng, vay và nợ dài hạn 1.375 tỉ đồng.

Những khoản nợ lớn này vẫn ngày ngày “đòi ăn”. Mỗi sáng tỉnh giấc PVX phải lo chi khoản lãi trả cho các tổ chức cho vay gồm Ngân hàng Đại Dương (lãi suất 7,3-15%/năm), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (lãi suất 19-23%/năm), Liên Việt (lãi suất 14,5-23%/năm), PVFC (lãi suất 18,5-22%/năm)… Do vậy, chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm 2012 đã lên tới 230,2 tỉ đồng.

 
Đó là chưa kể khoản nợ tiềm tàng mà PVX phải gánh chịu. Theo kiểm toán, tại thời điểm 30.6.2012, PVX còn có các khoản bảo lãnh cho 10 công ty con vay vốn tại 5 ngân hàng đã bị quá hạn, tổng cộng lên đến 558 tỉ đồng. PVX đang đàm phán việc gia hạn trả nợ cũng như thời gian bảo lãnh và chưa trích lập dự phòng trên báo cáo tài chính đối với các khoản bảo lãnh này.
 
Căn bệnh thứ hai là đầu tư tràn lan. Tại thời điểm 31.12.2010, PVX chỉ mới có 10 công ty con và công ty liên kết, nhưng đến ngày 14.9.2012 (theo website của Tổng Công ty), đã tăng lên tới 29 công ty thành viên và 15 công ty liên kết. Hầu hết các công ty này đều hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng (không phải xây dựng chuyên ngành dầu khí).
 
PVX đã đầu tư dàn trải, sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, công ty liên kết và các dự án kém hiệu quả. Kết quả là PVX đang mất cân đối về tài chính.
 
Ngoài ra, bộ máy cồng kềnh và tốn kém khiến chi phí quản lý của PVX nửa đầu năm 2012 vẫn chiếm tỉ trọng 12% trên tổng đầu tư so với mức 8% cùng kỳ năm ngoái.
 
Căn bệnh thứ ba là vũng lầy bất động sản và PVX cũng “có mặt”. Những công ty con của PVX có đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đều đang gặp khó khăn về tài chính.

Điển hình là Công ty Xây lắp Dầu khí Hà Nội (PVC-HN) có vốn điều lệ 300 tỉ đồng, nhưng đã đầu tư vào dự án khu đô thị Nam An Khánh hơn 116 tỉ đồng

. Song Công ty hiện vẫn chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng. Điều này dẫn tới việc hàng tồn kho của PVX đã lên tới 4.640 tỉ đồng, chủ yếu là bất động sản. Đó là các căn hộ chung cư chờ bán nằm trong Khu phức hợp chung cư cao ốc văn phòng số 2 Nguyễn Hữu Cảnh, Vũng Tàu; Khu phức hợp thương mại - khách sạn - văn phòng cho thuê Bạc Liêu...

 
Ban lãnh đạo PVX đang vạch ra lộ trình thoái vốn tại các công ty bất động sản và các dự án kém hiệu quả. Kế hoạch này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, thoái vốn được hay không còn phải chờ vào sự khởi sắc của thị trường bất động sản và cả thị trường chứng khoán.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn