Thu 200 triệu đồng/tháng từ dịch vụ cơm quê ở Đường Lâm

Thứ hai, 24/09/2012, 11:21
Doanh thu tối thiểu của một quán kinh doanh cơm quê điển hình ở đây là 7 triệu đồng/ngày.
Cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng 50 km xuôi theo đường Láng-Hòa Lạc hoặc 40 km đi dọc quốc lộ 32, làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) với quần thể di tích nhà cổ có tuổi đời thấp nhất từ 200-300 năm thu hút đông khách tham quan.
 
 
Nắm bắt cơ hội này, một số hộ dân trong xã đã bám mặt đường làng; xây dựng, trùng tu nhà cửa khang trang để tiện đường kinh doanh. Các gia đình kinh doanh đủ mặt hàng, từ dịch vụ ăn uống đến đồ lưu niệm, nhà nghỉ,…
 
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, phần lớn dịch vụ dành cho khách du lịch còn nghèo nàn, chưa thể xem là nguồn thu nhập chính của một số hộ dân nơi đây. Duy nhất có ẩm thực cơm quê thuộc diện hút khách và mang lại nguồn thu không nhỏ cho một số hộ gia đình. 
 
Cơm quê hút khách
 
Quán Cơm Quê với dịch vụ ăn nghỉ tại nhà.
 
12 giờ trưa 23/9 tại quán cơm Hải Lợi (thôn Mông Phụ), dù mất điện đột xuất, song địa điểm cách sân đình làng chừng 20 mét của gia đình ông Lợi chật kín khách ngồi.

Khách đến sớm được ưu tiên dùng cơm ngay tại ngôi nhà cổ, khách đến sau sẽ được xếp ngồi ở một dãy nhà xây thêm có sức chứa 6 mâm cơm phục vụ lúc đông khách.
 
Thầy trò bác Hải dùng cơm tại quán
 
Đối tượng dùng cơm chủ yếu là khách bình dân, từ học sinh, sinh viên đi từng tốp như nguoidulich.info đến các cơ quan, đoàn thể từ các tỉnh, thành đổ về.

Nổi bật trong quán là mâm cơm của thầy trò bác Hải, giảng viên đại học. Vừa dùng cơm, nhóm này cùng đàm đạo sôi nổi về những câu chuyện văn hóa – xã hội. Một thành viên nhóm này tiết lộ, họ muốn thưởng thức một bữa cơm gia đình do chính tay những người dân quê mộc mạc nấu để cảm nhận sâu sắc nền văn hóa và con người nơi đây.
 
Còn đôi bạn gái Hiển và Ngọc (nhân viên văn phòng) đến từ Hà Nội, tâm sự: “Không ham tìm hiểu các di tích ở Đường Lâm, chúng tôi đến đây mong tạm lánh không khí ồn ào của phố thị. Một bữa cơm quê giản dị là điều chúng tôi chờ đợi”.
 
Vợ chồng ông Lợi tất bật lúc đông khách.
 
Quán cơm gia đình ông Lợi có hôm phục vụ hàng trăm khách. “Hôm qua, chúng tôi đón khoảng gần 100 khách thập phương đến quán, đông nhất là đoàn khách 27 người đến từ Hà Nội, còn lại là các nhóm từ 2 đến 5-7 người”. Ngày hôm nay, vợ chồng ông Lợi cũng phục vụ luôn tay.
 
Được biết, khách hàng đến đột xuất chỉ cần báo trước 15-20 phút là có cơm dùng. Song, với những khách hàng kén ăn như các ‘cậu ấm, cô chiêu’ Hà thành cần đặt từ tối hôm trước để lựa chọn thức ăn và chế biến theo đúng yêu cầu. Những khách kén đồ ăn khó kiếm cũng phải đặt từ tối hôm trước. Cá liệt vào danh mục đồ ăn cần đặt trước ở quán vì xa chợ, trong khi gà luôn là thực phẩm được phục vụ siêu nhanh tại quán.
 
Với mức giá ấn định 75.000 đồng/suất, doanh thu bình quân của vợ chồng ông Lợi vào khoảng trên dưới 7 triệu đồng/ngày. Tính ra mỗi tháng, gia đình ông thu chừng 200 triệu đồng, con số không nhỏ so với những hộ kinh doanh dịch vụ khác trong xã. 
 
Từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp
 
Khác với Cơm Quê, quán cơm của gia đình ông Hùng bán cơm chủ yếu cho khách nước ngoài và chiếm lợi thế số 1 tại địa phương. Nhờ không gian nhiều cây xanh, đặc biệt thế mạnh sở hữu ngôi nhà cổ được xếp hạng có tuổi đời 400 năm, ông Hùng tạo dựng nhiều mối quan hệ và ký kết nhiều hợp đồng với các công ty lữ hành khai thác khá triệt để các đoàn khách nước ngoài. 
 
Cũng là cơm quê nhưng chú trọng khâu bài trí và sự đa dạng của các món ăn, mỗi suất ăn ở quán ông Hùng có giá gấp đôi quán Cơm Quê (150.000 đồng/suất). Đồ uống truyền thống từ nước vối lạnh, trà xanh đến Coca-Cola, bia Hà Nội đều đắt gần gấp đôi các quán còn lại. 
 
Lợi nhuận là thế, song không phải ai cũng biết làm kinh doanh như quán Cơm Quê, chưa nói làm chuyên

Ngoài bán cơm, ông bà Lợi còn tiếp thị đặc sản quê hương - tương Đường Lâm bằng cách rót cho khách chấm thử.
nghiệp như ông Hùng. Hiện, cả thôn Mông Phụ chỉ có 3 hộ gia đình mở quán cơm.

Chị Hậu, chủ quán nước giải khát ở gần sân đình, cho biết: “Vẫn biết bán cơm quê thu lãi cao, song không phải ai cũng làm được. Tôi cũng tính sửa sang nhà để nấu cơm bán nhưng nhà chật quá, không có không gian cho khách ngồi”. 
 
Tại Đường Lâm, hầu hết người dân vẫn làm nông nghiệp là chính, lớp thanh niên trưởng thành thường đi làm thuê cho các doanh nghiệp. Nhiều người còn thiếu xởi lởi, thiếu quan tâm tới khách.

Cá biệt, nhiều gia đình sống trong nhà cổ nhưng “cửa đóng then cài” hoặc không hiểu gì về ngôi nhà cổ để giới thiệu cho khách.
 
Thiết nghĩ, Sở VHTTDL Hà Nội cần có những nội dung tập huấn cụ thể, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp.

Đã đến lúc người dân cần làm quen, học hỏi, tìm tòi kinh nghiệm làm kinh doanh để làm giàu cuộc sống và lưu giữ văn hóa bản địa khi kinh doanh dịch vụ này.

 
Theo TTVN

Các tin cũ hơn