Thị trường vàng trong nước tuần qua đã liên tục “sốt” nóng với việc giá vàng có lúc đã lên đến 47,4 triệu đ/lượng, tăng tới 4-5 triệu đồng mỗi lượng hay trên 10% so với một tháng trước đây. Điều nghịch lý là chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới vẫn rất cao, thường xuyên ở mức hàng triệu đồng/lượng, lúc đỉnh điểm lên đến 4-5 triệu đồng.
Nếu xét theo năm, sau khi tăng cao, tăng liên tục, tăng trong thời gian dài (tháng 12/2011 so với tháng 12/2001, giá vàng đã cao gấp trên 8,6 lần, bình quân một năm tăng 24%- còn được gọi là thập kỷ của vàng, với một sự “đúc kết” khá nổi tiếng là “vàng bỏ ống cũng có lãi”), từ tháng 10/2011 đến tháng 7/2012, giá vàng đã có xu hướng giảm xuống.
Trong 10 tháng đã có tới 8 tháng giảm, chỉ có 2 tháng tăng; riêng trong 8 tháng 2012 giá vàng đã giảm 7,42%. Nhưng từ đầu tháng 8/2012, giá vàng đã tăng nhẹ và bắt đầu từ hạ tuần tháng 8/2012, giá vàng đã tăng mạnh
Những đặc điểm của thị trường vàng Việt Nam
Thị trường vàng ở Việt Nam phụ thuộc vào thị trường vàng trên thế giới, bởi chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài, phần sản xuất trong nước không đáng kể. Do vậy, mỗi khi giá vàng trên thế giới tăng, giảm sẽ tác động lập tức đến giá vàng ở trong nước.
Chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và giá vàng thế giới khá cao, thường xuyên ở mức hàng triệu đồng/lượng, lúc đỉnh điểm lên đến 4-5 triệu đồng, hiện nay cũng ở mức trên dưới 2 triệu đồng.
Tuy vậy, với một lượng vàng lớn còn tồn đọng trong dân (theo ước tính của các chuyên gia có thể lên đến 500 tấn, tương đương với khoảng 30 tỷ USD), nên đây cũng được coi là một yếu tố có thể tác động đến cung- cầu vàng trên thị trường, góp phần tác động đến giá vàng ở trong nước. Cùng với đó là thay đổi về quan niệm xã hội đối với loại hàng đặc biệt này.
Nếu trước đây vàng chủ yếu để làm trang sức, bố mẹ có chút của để dành để tặng kỷ niệm cho con cái khi lấy chồng, lấy vợ hay ra ở riêng, thì từ vài chục năm nay cùng với công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập, thị trường vàng đã được tự do hoá cho các thành phần kinh tế tham gia, lượng vàng trong dân đã tăng nhanh, vàng đã có thêm chức năng tích luỹ (để dành) làm nơi trú ẩn của dòng vốn khi lạm phát cao.
Cũng do vậy, tình trạng vàng hoá, đôla hoá nền kinh tế diễn ra trên diện rộng, với mức độ rất cao.
Vàng và ngoại tệ đã tác động lớn đến lạm phát thông qua tâm lý, thông qua chức năng thanh toán, thông qua chức năng như một hàng hoá thông thường, thông qua việc đầu tư và đầu cơ.
Chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và giá vàng thế giới khá cao, thường xuyên ở mức hàng triệu đồng/lượng, lúc đỉnh điểm lên đến 4-5 triệu đồng, hiện nay cũng ở mức trên dưới 2 triệu đồng.
Đứng trước tình hình giá vàng trong nước luôn cao hơn giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước ngày 19/9 đã yêu cầu Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chuẩn bị kế hoạch để triển khai gia công hơn 350 nghìn lượng vàng, tương đương với 13 tấn vàng.
Đây là lượng vàng miếng móp méo và vàng miếng phi SJC mà các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép gia công.
Lượng vàng trên sẽ bổ sung nguồn cung vàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, ổn định tâm lý trên thị trường và sẽ kéo giá vàng trong nước xuống sát với giá thế giới.
Giải pháp tình thế là chưa đủ
Tuy nhiên, ngoài giải pháp mang tính tình thế kể trên, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp khác nữa, trong đó phải kể tới 6 giải pháp quan trọng sau đây.
Một, cần tiến tới việc liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới. Trong nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập, “bình thông nhau” là cơ chế phù hợp.
Nhà nước chủ yếu quản lý thông qua chính sách thuế, bán ngoại tệ, kiểm tra, thanh tra, can thiệp khi cần thiết; nếu Nhà nước quản lý trực tiếp sẽ vừa không xuể, vừa tốn kém, vừa dễ phát sinh méo mó, dễ sơ hở cho các kẻ đầu cơ, lợi ích nhóm.
Hai, Ngân hàng Nhà nước cần tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối để có nguồn lực sẵn sàng can thiệp thị trường khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, khi có những cơn sốt giá. Những nước có dự trữ ngoại hối lớn cũng có những tỷ trọng vàng đáng kể và mua vào/bán ra cũng là hình thức kinh doanh sinh lời đối với lượng dự trữ này.
Ba, can thiệp (cả về vật chất, cả về thông tin, cả về kiểm tra thanh tra những đơn vị được giao...) cần làm kịp thời, tránh để đến hàng tháng mới có động thái như vừa qua là quá chậm.
Bốn, người dân cần bình tĩnh, tránh chạy theo đám đông, lao vào mua ngay cả khi giá vàng trong nước còn cao hơn nhiều so với giá thế giới, dễ bị thiệt thòi lớn như đã từng xảy ra trong các cơn sốt trước (mua ở đỉnh 49,2 triệu đồng/lượng, trong hàng chục tháng liền đã giảm xuống còn 41- 42 triệu đồng, 1 năm sau mới xoay quanh 47 triệu đồng/lượng?
Tháng 8- tháng 9 năm ngoái giá vàng tăng tổng cộng gần 23%, nhưng 10 tháng sau đó giảm tới 12,31%- tức là lỗ tới hai chữ số).
Năm, một biện pháp rất quan trọng là kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát để ổn định tâm lý, ổn định lòng tin, tránh lấy vàng làm hầm trú ẩn.
Sáu, cần thận trọng trong việc điều hành tỷ giá, bởi tỷ giá tăng sẽ làm cho giá vàng ở trong nước tính bằng VND sẽ tăng kép (vừa tăng do giá tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỷ giá tăng).