Cổ phiếu dưới 1.000 đồng

Thứ hai, 24/09/2012, 15:45
Trên sàn Hà Nội, 57 cổ phiếu có giá dưới 3.000 đồng, 19 mã dưới 2.000 đồng, thậm chí có chứng khoán còn vài trăm đồng.

Thống kê các phiên giao dịch kể từ đầu tháng 9 đến nay, giá trị giao dịch của sàn HNX luôn nằm dưới mốc 200 tỷ đồng mỗi phiên. Lượng giao dịch ít ỏi này cũng chỉ tập trung vào những mã có thanh khoản như ACB, VND, VCG, SHB, SCR, KLS, SHS, FLC, PVS, APS, BVS.
 
Thống kê cũng cho thấy, 10 mã cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HNX chiếm đến 46% tổng khối lượng giao dịch của sàn này, trong khi các mã còn lại gần như “đóng băng”. Trên bảng điện luôn có hàng trăm mã cổ phiếu trắng bảng bên mua. Bên cạnh đó, số mã có giao dịch với vài trăm hoặc vài ngàn đơn vị cũng chiếm một lượng đáng kể.
 
Thời điểm này (từ ngày 4/9), Ủy ban chứng khoán Nhà nước chính thức áp dụng quy định T+3. Việc rút ngắn thời gian cho phép bán chứng khoán sau khi mua sớm hơn 1 ngày được kỳ vọng sẽ tăng thêm tính cạnh tranh cho thị trường chứng khoán và tạo điều kiện để nhà đầu tư có thể phản ứng nhanh hơn nếu có những biến cố bất ngờ xảy đến với thị trường.
 
Thị trường suy giảm khiến hàng loạt cổ phiếu thấp hơn mệnh giá.

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng đã khiến cho nhà đầu tư bên sàn HNX hạn chế giao dịch đến mức thấp nhất thay vì hăm hở mua vào với quy định mới. Ở phiên cuối tuần trước 21/9, dù là phiên giao dịch hồi phục của thị trường sau loạt phiên giảm, nhưng thanh khoản của HNX vẫn không được cải thiện và đứng ở mức rất thấp, chỉ hơn 24 triệu đơn vị khớp lệnh (tương đương giá trị 192 tỷ đồng).
 
Cũng trong phiên giao dịch này, toàn sàn HNX có đến 130/397 mã không có khớp lệnh và cũng ngần đó mã có khối lượng giao dịch chưa đầy 5.000 đơn vị.
 
Trái ngược với HNX, thanh khoản của HOSE lại có sự gia tăng đáng kể trong bối cảnh thị trường không được thuận lợi. Thậm chí, phiên giao dịch 21/9, giá trị giao dịch của sàn này bật mạnh nhờ vào hoạt động nâng đỡ NAV của các quỹ ETF. Trong phiên này, toàn sàn HOSE có 101 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương giá trị 1.780 tỷ đồng.
 
Theo giới phân tích, nguyên nhân của hiện tượng “bên trọng, bên khinh” là do dòng tiền đang dịch chuyển từ sàn HNX sang sàn HOSE. Sự kiện bầu Kiên khiến mã “đầu tàu” là ACB giảm giá mạnh và việc PVX (mã blue chip khác của sàn HNX) rơi vào tình trạng bán tháo vì doanh nghiệp làm ăn thua lỗ khiến nhà đầu tư dần mất đi niềm tin vào những mã chứng khoán của sàn HNX vốn không được đánh giá cao so với HOSE.
 
Việc dòng tiền suy giảm cũng là nguyên nhân đẩy HNX-Index xuống mức điểm thấp nhất lịch sử trong phiên giao dịch ngày 20/9, khi giảm xuống chỉ còn 55,42 điểm. Sự suy giảm của chỉ số đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu xuống đến mức nhiều người không thể ngờ tới nếu nhìn qua những con số thống kê.
 
Cụ thể, thống kê tính đến hết phiên giao dịch ngày 21/9, có 285/397 mã trên sàn HNX đang giao dịch dưới mệnh giá. Trong đó có 136/397 mã có giá dưới 5.000 đồng, 57/397 mã có giá dưới 3.000 đồng, 19/397 mã có giá dưới 2.000 đồng. Thậm chí còn có mã hiện được giao dịch ở mức không thể thấp hơn là 200 đồng/cổ phiếu.
 
Theo thống kê mới đây, các đợt tạo đáy lịch sử cho thấy giai đoạn phục hồi sau đó đem lại mức lợi nhuận rất cao trong một thời gian ngắn. Chẳng hạn, giai đoạn cuối năm 2003. Thời điểm đó, Vn-Index tạo đáy vào tháng 10/2003 ở vùng 131-135 điểm, nhưng chỉ trong vòng 3 tháng sau chỉ số này đã vượt mốc 210 điểm (tương đương mức tăng hơn 60%).
 
Đến tháng 7/2006, sau một đợt sụt giảm đột ngột kéo dài suốt nhiều tháng liền, các chỉ số quay đầu tăng mạnh trong giai đoạn cuối tháng 7/2006. HNX-Index tăng từ mức 165 điểm lên mức 198 điểm (tương đương mức tăng hơn 20%) chỉ trong vòng 3 tuần. Trong giai đoạn này, Vn-Index cũng có mức tăng mạnh đến 29,5%.
 
Sau khủng hoảng kinh tế 2007-2008, thị trường lao dốc rất mạnh và thiết lập đáy trong các phiên giao dịch tháng 2-2009. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2, Vn-Index bất ngờ bứt phá liên tục trong 14 tuần, từ mức 235 điểm lên gần 510 điểm (tương đương mức tăng 116%). HNX-Index cũng tăng cực mạnh từ mức 78 điểm lên mức 186 điểm (tương đương mức tăng gần 140%).
 
Mới nhất là thời điểm đầu năm. Trải qua gần 2 năm sụt giảm liên tục, Vn-Index tạo đáy trong vùng 335-340 điểm và bứt phá lên mức 445 điểm (tăng 31%). HNX-Index cũng tăng từ mức 55,27 điểm lên mức 71,72 điểm (tăng gần 30%) chỉ trong 2 tháng.
 
Theo SG ĐTTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích