Hàng loạt dự án khu đô thị ở TP.HCM bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Tại dự án Bắc Rạch Chiếc do Công ty địa ốc 10 và một số công ty khác làm chủ đầu tư, khu đô thị rộng hơn 80 ha sau hơn 10 năm triển khai hiện mới chỉ lác đác một vài căn nhà được xây, cỏ cây ngút ngàn. Một số hộ chăn nuôi ở quận 9 tranh thủ thả trâu bò vào gặm cỏ. Một người chăn trâu cho biết đã thả trâu ở đây đến vài năm nay.
Khi xảy ra khủng hoảng, nhà nước mua lại dự án với giá thấp hơn, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, sau đó đấu giá bán lại.
TS Nguyễn Xuân Thành
Đỗ Xuân Hợp là con đường được mệnh danh “thiên đường dự án” bởi theo thống kê của Công ty địa ốc Hưng Lộc Phát, chỉ riêng phần đường Đỗ Xuân Hợp chạy qua P.Phước Long B và Phú Hữu (Q.9) đã có 39 dự án, với diện tích hàng trăm héc ta.
Sau cả chục năm triển khai, đến nay cũng chỉ có lác đác vài căn nhà. Cách đó không xa là khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái một phần thuộc quận 9 và quận 2 rộng hơn 400 ha đến nay hạ tầng chưa làm xong, người ở thưa thớt.
Ông Đặng Đức Bền, Giám đốc Công ty Hưng Lộc Phát, nói rằng mặc dù đất để hoang nhưng đều đã có chủ, thậm chí nhiều lô đất đã sang tay hàng chục người. Hiện giá đất nền khu vực này giảm bình quân 3-4 triệu đồng/m2 so với thời gian sốt năm 2007-2008, nhưng ít người mua.
Còn có thể kể các dự án Khu đô thị Phong Phú 4 rộng gần 90 ha của Công ty đầu tư - xây dựng Bình Chánh, khu dân cư Hồng Quang (huyện Bình Chánh) rộng 37 ha, Phú Xuân, Phước Kiển (Nhà Bè)… sau mấy năm triển khai đến nay vẫn rất ít người ở.
Xót xa nhất là cảnh nhiều biệt thự, nhà phố xây dựng nhưng không ai ở, nhiều người đã tận dụng để nuôi chim yến.
Dự án Khu dân cư Khang An (Q.9) do Công ty địa ốc Khang An làm chủ đầu tư rộng 11,5 ha với nhiều biệt thự được xây xong phần thô nhưng đang bỏ không. Ở khu Tên Lửa sầm uất nhất của quận Bình Tân, hơn 120 căn nhà phố xây dựng hoàn thiện 3 tầng thuộc dự án khu dân cư Bình Trị Đông của Công ty Ngân Sơn cũng nằm phơi mưa nắng 4 năm nay.
Cách đó không xa, khoảng 60 căn nhà phố đã xây dựng hoàn thiện của Công ty XNK Sài Gòn chung cảnh ngộ. Nhiều dự án ở Nhà Bè, Q.2, Q.7, Q.8… cũng trong tình trạng tương tự. Khó có thể hình dung một lượng vốn đầu tư lớn đến thế nào đang bị chôn trong những dự án này. Một khối tài sản lớn của xã hội đang lãng phí từng ngày.
Cần nhà nước ra tay
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện có 1.166 dự án nhà ở trên địa bàn thành phố nhưng chỉ có 195 dự án hoàn thành, còn lại đang triển khai hoặc đã dừng hẳn.
Tại một hội thảo tìm giải pháp và cơ hội tiếp cận các tổ chức tín dụng do Bộ Xây dựng tổ chức gần đây, con số thống kê được công bố cho biết cả nước đang tồn khoảng 60.000 căn hộ, trong đó TP.HCM là 40.000 căn và Hà Nội là 20.000 căn.
Trao đổi với PV, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng nếu tính bình quân mỗi căn hộ khoảng 1 tỉ đồng thì số tiền “chôn” theo địa ốc khoảng 60.000 tỉ đồng, tức 2,86 tỉ USD. Điều đáng nói, phân khúc căn hộ chỉ là một phần của thị trường, tình trạng các khu đô thị trong đó có đất nền, nhà phố, biệt thự… đang bỏ trống rất nhiều đến nay vẫn chưa thống kê được.
Để có thể giải cứu các dự án đô thị này, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, không gì khác hơn là phải giúp thị trường thoát khỏi tình trạng đình đốn hiện nay.
Cần có biện pháp tạo thanh khoản cho thị trường bằng cách kích cầu, hỗ trợ trực tiếp về tài chính, lãi suất, thuế cho người mua nhà đất, nhất là những người mua nhà lần đầu.
Giá địa ốc cần giảm hơn nữa, về mức người dân có nhu cầu có thể mua được nhà và doanh nghiệp cũng còn sống được. Để tăng tính thanh khoản của thị trường, ông Châu cũng đề xuất nên phát triển căn hộ cho thuê giá rẻ khoảng trên dưới 2 triệu đồng/căn/tháng đáp ứng nhu cầu công chức, người dân có thu nhập thấp, và loại sản phẩm căn hộ bán trả góp dài hạn 20-30 năm.
Theo TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, phải dùng nguồn lực của nhà nước mới có thể phá được tình trạng bế tắc.
“Kinh nghiệm thành công ở thế giới cho thấy khi xảy ra khủng hoảng, nhà nước mua lại dự án với giá thấp hơn, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, sau đó đấu giá bán lại. Giải pháp này vừa cứu doanh nghiệp vừa tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước”, ông Thành phân tích.
Bên cạnh đó, tất cả các quốc gia muốn phát triển thị trường địa ốc đều bắt nguồn từ chính sách thuế. Do đó, thành phố nên đề xuất giữ lại khoản thuế nhà ở, thuế bất động sản… để đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ lại cho bất động sản.
Việc cứu thị trường là cấp bách, bởi tình trạng các dự án bỏ trống nói trên đang gây thiệt hại lớn cho xã hội từng ngày.