Quán nhỏ vỉa hè, trong ngõ, đặc biệt ở phố cổ, được giới trẻ Hà Nội lựa chọn nhiều hơn so với các nhà hàng sang trọng, nếu họ muốn tìm nơi thưởng thức cà phê. Chỉ với 12.000-20.000 đồng một ly cà phê tùy loại đen hoặc nâu, vài ba chiếc ghế và một góc vỉa hè là đủ trở thành điểm hẹn lý tưởng. Ngoài giá thành rẻ, những nơi thế này hút khách còn bởi không gian thoáng và sự tự do trong từng câu chuyện.
Nguyễn Hoàng Tùng, sinh viên Đại học Xây dựng (Hà Nội) cho biết: "Em thích ngồi ghế vỉa hè hoặc các quán nhỏ ven đường để ngắm không gian hơn là nhìn mọi thứ qua khung cửa kính. Giá cà phê ở những nơi thế này cũng phù hợp với sinh viên hơn". Hay phải thức đêm với đồ án, cậu sinh viên khoa Xây dựng dân dụng chia sẻ, vị cà phê đặc quen thuộc là biện pháp hữu hiệu giúp chống lại các cơn buồn ngủ.
Không chỉ Tùng, rất nhiều bạn trẻ thích uống cà phê đặc theo kiểu Việt Nam hơn là thức uống pha theo kiểu nước ngoài. Thùy Dung, sinh viên đang theo học tại một trường đại học ở thủ đô nhận xét, dù các loại cà phê mang phong cách pha của phương Tây nhẹ hơn cà phê Việt, nhưng "uống cảm thấy không quen được, món thì nhạt quá, có lần uống loại khác thì lại đắng, mà vẫn có cảm giác loãng".
Nhận xét trên được Dung rút ra sau những lần cùng bạn bè đi uống thử tại các quán quanh khu vực Hồ Tây. Cà phê sữa (nâu) và đen vẫn là hai khẩu vị phổ biến của nhiều người ở Hà Nội bên cạnh những cách chế biến khác như bạc sỉu, cà phê trứng...
Với TP.HCM, uống cà phê từ lâu cũng đã thành thói quen, một nét văn hóa của người dân nơi đây. Ở bất cứ đâu, trên khắp các vỉa hè, quán, đường phố đều có thể bắt gặp cà phê.
Người ta uống cà phê vào buổi sáng, bàn việc làm ăn cũng vào quán cà phê, tiếp bạn - họp sự kiện… cũng ở quán cà phê. Không những vậy, nhiều phố cà phê được thành lập như Cà phê làng Đại học (Thủ Đức), phố cà phê Bắc Hải, cà phê bệt… Quán chuyên biệt thì có cà phê HD, hi-end, cà phê nhạc trữ tình…
Hầu hết các quán này hay góc vỉa hè đều dùng cà phê truyền thống, ngồi ghế xổm thì tầm trên dưới 10.000 đồng một ly, vào quán thì khoảng 30.000 đến 40.000 đồng. Sản phẩm thương hiệu Việt xuất hiện ở mọi nơi, đáp ứng mọi đối tượng, có thể kể đến các chuỗi quán như Trung Nguyên, Highland Coffee, Mylife Coffee...
“Với tôi, cà phê là công việc, gia đình cũng như thư giãn. Mỗi sáng không có ly cà phê đậm đặc là không thể làm việc được, tôi cũng rất thích ngồi bàn việc với đối tác trong những quán yên tĩnh. Không khí tại các quán cà phê sân vườn rất thu hút nên mỗi cuối tuần nên hay dẫn gia đình tới”, anh Hùng Long, nhân viên một công ty ở quận 7 chia sẻ.
Anh Long cũng cho biết thêm, tùy theo gu mỗi người nhưng những người nghiện cà phê như anh thấy không “đã” khi dùng những kiểu cà phê nhạt trong quán ngoại.
Giữa sự bao vây của thương hiệu Việt, Sài Gòn vẫn nổi lên những nơi dành cho thương hiệu ngoại như: Gloria Jeans, The Coffee Bean & Tea Leaf…
Đối tượng mà họ nhắm tới hầu hết là dân văn phòng, giới trẻ, tầng lớp trung lưu và người nước ngoài. Quán Gloria Jeans góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 thu hút nhiều khách Tây và giới trí thức, đồ uống giá tầm 60.000 đến 80.000 đồng một ly.
Người Việt vẫn có thói quen uống cà phê đậm đặc - pha phin. |
Từ khi các thương hiệu cà phê quốc tế đặt chân vào Việt Nam, nhu cầu không chỉ dừng lại ở thưởng thức đồ uống mà thêm cả tận hưởng không gian. Những cái tên như Gloria Jeans, The Coffee Bean & Tea Leaf... bổ sung "cà phê Tây" vào danh sách đồ uống và phong cách bài trí địa điểm kinh doanh. Toàn cầu hóa mang thêm những loại đồ uống như espresso, latte, cappuccino... đến gần với người tiêu dùng Việt hơn
Thực tế, cà phê ngoại cũng đang dần làm quen với người Việt. Nhiều người đã thấy thích với những hương vị mới lạ, ít cafein, nhạt và có những thức uống khác có kem gây nên sự thích thú cho giới trẻ và cả phụ nữ. “Ở nước ngoài, tôi vẫn hay dùng Starbucks, khoảng 7 USD một ly, nó có những thức uống có mùi vị rất ngon. Khi Starbucks có mặt ở đây, chắc chắn mình sẽ ủng hộ”, Thúy Hằng, một người từng đi du học về nói.
Nhưng theo nhiều chuyên gia cà phê, khi Starbucks hay các hãng ngoại đặt chân vào Việt Nam, họ sẽ gặp nhiều thử thách khi muốn thu hút và thay đổi thói quen của người dùng bản địa.
"Cà phê nội có thế mạnh riêng, nguyên liệu sẵn, sở hữu thói quen của người dùng. Hãng ngoại có gu mới, vị lạ, thương hiệu ngoại. Tuy nhiên, cái mới lạ chưa chắc đã hấp dẫn người Việt Nam”, ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Cà phê - cacao Việt Nam đánh giá.
Khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường FTA về hành vi thói quen sử dụng đồ uống của nam giới tháng 12/2012 cho thấy 32% trong tổng số 300 người ở 3 thành phố lớn TP.HCM – Hà Nội – Đà Nẵng uống hằng ngày cà phê hòa tan, 18% uống từ 4 đến 5 lần một ngày. FTA cũng chỉ ra đàn ông ở TP.HCM và Hà Nội chuộng cà phê hòa tan của thương hiệu nội hơn, trong khi ở Đà Nẵng hàng ngoại chiếm ưu thế.
Khảo sát trực tuyến do Dự án cà phê Arabica Sơn La thực hiện, người dân Việt Nam cho thấy việc chấp nhận và làm quen với các thương hiệu cà phê quốc tế của người Việt Nam còn khó.
Ông Nhạn cho rằng, người Việt có thói quen uống cà phê đậm đặc - mạnh của cà phê robusta, thứ nhất vì Việt Nam là nước trồng rất nhiều loại cà phê này, thứ hai là thói quen uống cà phê pha phin từ thời Pháp để lại.
Vị chuyên gia cà phê phân tích, gu cà phê ngoại khác gu cà phê nội. “Mỗi thương hiệu có cách làm khác nhau, Starbucks cũng có thế mạnh của riêng mình, bản chất kinh doanh là cạnh tranh. Quan trọng là có xây dựng được chuỗi cửa hàng ở nhiều nơi không. Về việc này thì thương hiệu nội hiện nay đã có nhiều ưu thế hơn”, ông Nhạn khẳng định.
Theo VnExpress