Khó cứu bất động sản nếu không xử lý nợ xấu

Thứ năm, 10/01/2013, 11:13
Bàn về các giải pháp cho bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề chính là quyết liệt xử lý nợ xấu mới có thể “rã đông” thị trường này.

Trong cuộc hội thảo bàn tròn với chủ đề “Dò đáy khủng hoảng kinh tế 2013”, bất động sản là chủ đề được nhắc đến như yếu tố quan trọng để phục hồi kinh tế, khơi thông dòng vốn.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trường Bộ Tài nguyên – Môi trường, cho rằng, vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay là rất nhiều người đang bi quan, mất lòng tin vào kênh đầu tư này, dẫn đến khả năng vốn đầu tư suy giảm.

Trong khi đó, thị trường bất động sản cần rất nhiều nguồn vốn, nhưng nó lại phụ thuộc rất lớn vào lòng tin. Nếu hoàn cảnh thuận lợi, người dân, nhà đầu tư có thể sẵn sàng bỏ tiền ra mua nhà.

bất động sản
 Cung  và cầu bất động sản hiện nay rất lớn nhưng không gặp nhau.

Bên cạnh đó, giá bất động sản hiện nay bị coi là nghịch lý, bởi do khu vực giá cao còn tồn hàng nhiều. Cung của thị trường vẫn rất mạnh, trong khi đó, vẫn có rất nhiều người muốn mua nhà, nhưng vẫn chưa được, hoặc vẫn đang đắn đo. Cung và cầu đều lớn nhưng lại không gặp nhau. Đây là điểm cần tháo gỡ.

Theo một nghiên cứu của công ty Knight Frank, hiện nay trên thị trường loại nhà xã hội vẫn đang bán khá chạy, vì các hộ thu nhập trung bình có thể đủ sức mua nhờ lãi suất thấp.

Dự đoán, hầu hết các giao dịch sẽ vẫn tập trung vào phân khúc bình dân, là phân khúc được cả người mua để ở và nhà đầu tư hiện quan tâm nhiều nhất.

Nhận định về thị trường, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, riêng đối với bất động sản, vấn đề chính ở đây là xử lý nợ xấu.

Một tỷ lệ lớn nợ xấu hiện nay nằm trong thị trường bất động sản cùng khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, phải tiếp tục duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý những tồn tại trong hệ thống ngân hàng.

Khi tiến hành cơ cấu một số ngân hàng yếu kém, cải thiện thanh khoản, thì lãi suất sẽ hạ. Lãi suất hạ và xử lý nợ xấu chính là hai điều kiện tốt cho thị trường bất động sản phục hồi và cho cả nền kinh tế nói chung.

Ngoài ra, chúng ta nên tiếp tục thực hiện một số giải pháp đã được thực hiện từ năm 2012, nhưng mạnh hơn, quyết liệt hơn như giãn thuế, giảm thuế. Đặc biệt, những biện pháp ưu đãi, hỗ trợ sắp tới nên chú trọng vào bên cầu.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, trong năm 2013 sẽ bỏ những hạn chế này về tỷ lệ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, vay tiêu dùng.

Các ngân hàng sẽ được khuyến khích cho vay dài hạn, với lãi suất mà bản chất là lãi suất trợ cấp, thấp hơn thị trường, để người có nhu cầu mua được nhà.

Cùng quan điểm về xử lý nợ xấu để phục hồi thị trường bất động sản, một báo cáo gần đây của HSBC cho rằng, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng do tình hình trì trệ trong nước khi nợ xấu chưa được giải quyết rõ ràng.

Lĩnh vực này bị đóng băng do tiến trình trả nợ vốn dần được khôi phục nhưng vẫn còn rất ngổn ngang và các ngân hàng vẫn thích đáo nợ xấu. Điều này có nghĩa, trừ khi Nhà nước giải quyết rốt ráo vấn đề nợ xấu, sự điều chỉnh giá bất động sản ở điểm cung đáp ứng cầu khó có thể diễn ra.

Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng, vấn đề này sẽ giải quyết được bằng cách dành ra 20 – 40 ngàn tỷ đồng để người mua nhà vay trong năm 2013 nhằm kích cầu thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, HSBC cho rằng, dù việc thúc đẩy nhu cầu bất động sản thành công nhưng vấn đề nợ xấu đang tồn tại vẫn còn giữ nguyên, thì có nghĩa những nguy cơ mang tính hệ thống sẽ vẫn còn nếu vẫn không nói là sẽ phát triển lớn thêm.

Theo VnMedia

Các tin cũ hơn