Bầu Đức: Đầu tư vào Myanmar không phải là “ván bài sống còn” của HAGL

Thứ năm, 10/01/2013, 15:21
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức tự tin khẳng định: Ai vào Myanmar trước, người đó sẽ thành công. “Chúng tôi có lợi thế hơn những người đi sau là mua được giá đất rẻ, từ khi giá đất ở Myanmar chỉ từ 750 USD/m2, giờ giá đã lên 4.000 USD/m2 rồi”.

Bầu Đức nhanh chân mua được giá đất cực rẻ: 750 USD/m2

Thị trường BĐS những ngày gần đây đang “sốt” với thông tin Bầu Đức dốc toàn lực xây khu phức hợp 300 triệu USD tại Yangon, Myanmar. Vị Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bật mí: Nếu nhanh chân có thể hái tỷ USD khi địa ốc Myanmar nóng lên trong 5 năm tới.

Thông tin này được phát đi rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến nhiều người đặt câu hỏi: Một miếng mồi ngon béo bở như vậy, tại sao Bầu Đức lại tiêt lộ một cách công khai, chẳng phải một miếng bánh dù ngon nhưng nếu có nhiều người xâu xé thì lợi nhuận sẽ ít đi sao?

Trả lời về vấn đề này, Bầu Đức tự tin nói: Ai nhanh chân thì mới được ăn trước. Khi một số nhà đầu tư bây giờ mới bắt đầu “nhảy vào” nghiên cứu, tìm hiểu về mảnh đất Myanmar thì Bầu Đức và HAGL đã xem xét, thăm dò từ 3 năm trước.

bầu Đức
Bầu Đức cho biết: Ông có lợi thế của những nhà đầu tư đi trước, đón đầu, mua được 8 ha đất tại Myanmar với giá rất rẻ: 25 USD/m2.

“Chúng tôi có lợi thế hơn những người đi sau là mua được giá đất rẻ, từ khi giá đất ở Myanmar chỉ từ 750 USD/m2, giờ giá đã lên 4.000 USD/m2… So với cách đây 3 năm, giá đất thời điểm này đã chênh lệch giá trị hơn gấp 5 lần rồi!” – Bầu Đức nói.

Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam cho biết: Từ khoảng cách chênh lệch về giá lớn như vậy, với vốn đất 8ha mà ông chủ này mua được với giá rẻ, hiện tại, giá trị dự án của HAGL chỉ tính riêng tiền lãi từ đất đã là một con số khổng lồ.

Ngoài ra, HAGL lại là một công ty chuyên về xây dựng, giá thành vật tư cũng là một ưu thế so với các đơn vị khác. Ví dụ, giá sắt từ nhà máy vận chuyển sang Myanmar rẻ hơn về Việt Nam 20%. Xi măng đưa từ Quảng Ninh tới Yangon bằng giá về Sài Gòn. Gỗ đá của Hoàng Anh Gia Lai chở từ Quy Nhơn sang Miến Điện rẻ hơn vận chuyển đường bộ về TP.HCM. Lương công nhân lao động phổ thông tại Myanmar chỉ bằng một nửa so với Việt Nam.

Tổng gộp 2 yếu tố: giá xây dựng rẻ hơn, giá đất mua được rẻ hơn, Bầu Đức và HAGL tin tưởng: Mình sẽ nắm chắc phần thắng.

“Tôi không sợ công khai thông tin, không sợ người khác tranh mất phần bởi mỗi người có một cách làm khác nhau nhưng ai vào trước thì người đó sẽ thành công. Những người khác chậm chân, giờ mới nghĩ tới chuyện đầu tư vào Myanmar thì tôi nghĩ là sẽ rất khó vì giá đất thời điểm này tại Myanmar cực kỳ cao” – Bầu Đức nhấn mạnh.

Hiện tại, mọi thủ tục pháp lý của dự án phức hợp Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre tại Yangon, Myanmar đã hoàn tất, toàn bộ khu đất đã được giải tỏa. Sau Tết, Tập đoàn sẽ khởi công xây dựng, dốc toàn lực hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2013 để đưa vào khai thác năm 2014.

“Tôi đầu tư vào Myanmar vì yếu tố quốc gia”

Chia sẻ với phóng viên,Bầu Đứccho biết: Khi BĐS trong nước đóng băng, nhắm vào “mỏ vàng” Myanmar không phải là “ván bài sống còn” của HAGL như nhiều người suy đoán. Lựa chọn đích đến Myanmar ngoài mục đích đầu tư như một mũi nhọn trong “chiếc kiềng 3 chân Lào – Campuchia – Myanmar”, Chủ tịch Tập đoàn HAGL dốc tiền vào Myanmar còn với nhiều ý nghĩa và mục đích quốc gia to lớn khác.

phối cảnh dự án
Phối cảnh giai đoạn 1 của khu phức hợp Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre tại Myanmar.


“Lý do đầu tiên, trước hết, tôi muốn khẳng định với thế giới: Việt Nam cũng có một doanh nghiệp lớn đầu tư tầm cỡ, không thua kém gì một số nước lớn khác đầu tư vào Myanmar như Singapore, Thái Lan, Nhật và Hong Kong” – Bầu Đức tự hào.

Với số vốn đầu tư 300 triệu USD của HAGL  tại cố đô Yangon, Bộ trưởng Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar cũng đã phải thừa nhận: "HAGL không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực khách sạn và du lịch mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm 26% tổng vốn FDI vào lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại Myanmar".

“Lý do thứ hai, tôi đầu tư vào Myanmar với mong muốn thắt chặt tình hữu nghị hai bên giữa Myanmar và Việt Nam, nối chặt mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước này.

Lý do thứ ba, sau khi hoàn thiện xong Dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp trên tại Myanmar, tôi sẽ treo tấm biển Vina Tower, để người Việt Nam có thể tự hào về “nhà của Việt Nam”. Đó cũng là cách quảng bá thương hiệu, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam rất hiệu quả”.

Như vậy, theo Bầu Đức, yếu tố quốc gia của dự án này là rất lớn.

Với những ý nghĩa tích cực như trên, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức cho biết: Ông có thêm nhiều  động lực để dốc sức hoàn thành nhanh dự án này.

Theo Giáo Dục

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn