‘Chạy chức là loại tham nhũng nguy hiểm nhất’

Thứ tư, 16/01/2013, 07:16
Đó là ý kiến của TS Hoàng Văn Lễ - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sổ Tay Xây Dựng Đảng, Thành ủy TP.HCM - tại hội thảo khoa học với chủ đề “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”.

Theo TS Lễ, trong các lĩnh vực trọng yếu dính tới tham nhũng, phần lớn liên quan tiền, hàng hóa, tài sản. Song có lĩnh vực đáng xấu hổ liên quan đến chính sách cán bộ, công tác cán bộ vì đây thuộc thẩm quyền của Đảng bộ các cấp và của trung ương. Ông cho rằng, chạy chức là loại tham nhũng nguy hiểm nhất.

TS Lễ nêu tâm trạng phải chăng hiện nay lòng tin của dân đối với cán bộ, đảng viên hay cán bộ cấp thấp đối với cấp trên... giảm sút do tự mình không phân biệt được ai là cán bộ “thực”, ai là cán bộ “chạy”.

Do vậy, độ “tin” và độ “ngờ” đang rất khó xử cho tất cả mọi người, cấp dưới chưa đặt trọn niềm tin vào cấp trên và ngược lại, từ đó sinh ra vây cánh, chỉ tin vào chính mình, tin vào sự quan sát, suy nghiệm của mình.

cong chuc

 TS Hoàng Văn Lễ, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sổ Tay Xây Dựng Đảng (TP.HCM), với tham luận “Xác định đối tượng tham nhũng để đề ra giải pháp đột phá cho chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020”. Ảnh: Minh Đức (Tuổi Trẻ)

Trong khi đó, báo cáo của PGS.TS Vũ Văn Phúc - Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản - đưa ra nhiều nội dung mang tính gợi mở, đề nghị đại biểu cùng bàn thảo, trong đó có những nội dung đặt vấn đề: Có tham nhũng quyền lực không? Nếu không thì chạy chức, chạy quyền làm gì?

Hội thảo “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” do Tạp chí Cộng Sản - cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng - phối hợp Đại học Quốc gia TP.HCM khai mạc sáng 15-1. Khoảng 200 đại biểu tham dự.

“Đấy là tham nhũng quyền lực. Cố sống, cố chết, thậm chí bằng mọi thủ đoạn cố giữ lấy chức vụ, ghế ngồi”. Rồi biến quyền lực được nhân dân giao cho thành vật sở hữu riêng để mưu danh đoạt lợi, vì lợi ích nhóm, đe dọa nhân dân.

Báo cáo nói trên cho biết, nước ta đã ghi nhận nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện, xử lý kiên quyết… Tuy nhiên, báo cáo nhìn nhận nạn tham nhũng vẫn còn rất nghiêm trọng, phạm vi rộng, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn.

“Thậm chí đáng báo động và nguy hiểm hơn là tham nhũng, lãng phí còn xảy ra cả trong lĩnh vực thực hiện chính sách xã hội, trợ giúp người nghèo, vùng nghèo bị thiên tai, bão lụt với thủ đoạn rất tinh vi, hậu quả nghiêm trọng”.

TS Hoàng Văn Lễ kiến nghị cần có nghị quyết của Đảng chống chạy chức, chạy quyền. Cải tổ hơn nữa quy trình tham mưu về công tác cán bộ, mà theo ông, đây là một trong những trọng điểm dính tham nhũng hiện nay, theo hướng “bàn tay sạch” mẫu mực, chỗ dựa tin cậy của Đảng, niềm tin của dân. Củng cố các đảng bộ doanh nghiệp, đặt dưới sự chỉ đạo của đảng bộ hợp nhất của chính quyền đồng cấp.

"Chúng ta phải tỏ thái độ dứt khoát với hiện tượng lợi dụng Đảng để làm những điều trái với ý Đảng, lòng dân, biến Đảng thành nơi cố thủ cuối cùng nhằm che đậy những việc làm đối lập với lợi ích của Đảng, của dân tộc".

(Trích phát biểu khai mạc hội thảo của ông Phan Thanh Bình - ủy viên Trung ương Đảng, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) 

Ông Lễ hiến kế cho thí điểm hoặc áp dụng có chọn lựa việc cử tri nơi đại biểu ứng cử bỏ phiếu tín nhiệm. Áp dụng quyền phúc quyết của cử tri từng bước có ý nghĩa mở rộng dân chủ, tiền đề cho việc cải tổ việc bầu cử sau này.

Theo Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản, hơn lúc nào hết kinh nghiệm cũng chỉ rõ phải tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đề cao vai trò và trách nhiệm của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Ông đặt vấn đề kiên quyết không để có “vùng cấm”, “vùng an toàn”, dù đó là lĩnh vực gì, dù người đó là ai, giữ chức vụ gì, đang công tác hay đã nghỉ hưu.

Tuy nhiên, ông Phúc hỏi: "Có cơ chế gì để bảo vệ những người tố cáo tham nhũng, những cá nhân dũng cảm chống tham nhũng và những tập thể gan góc chống tham nhũng, xin các nhà khoa học bàn định thật rõ hơn”.

Ban tổ chức hội thảo cho biết đã nhận được 65 tham luận xoay quanh 4 nhóm vấn đề của chủ đề nóng bỏng nói trên, trong đó có nhiều hiến kế trị tham nhũng.

Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn