Chìm nổi giữa một Sài Gòn đổi thay

Thứ hai, 04/02/2013, 16:41
Người đàn ông tuổi ngoài ngũ tuần ấy, cứ trưa trưa, thường ngồi bên ly cà phê lề đường Lê Thánh Tôn, đằng sau lưng Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM để nhìn vào bãi giữ xe đối diện và để nhớ.
Chìm nổi giữa một Sài Gòn đổi thay
Chợ Cũ.

Đó là Intershop – hay gọi theo tên chính thức là trung tâm thương mại quốc tế, viết tắt là ITC. Đó là khu tứ giác đẹp thứ nhì Sài Gòn sau tứ giác Đồng Khởi – Lê Lợi – Nguyễn Huệ – Lê Thánh Tôn.

Nhưng hơn mười năm sau vụ cháy kinh hoàng khiến 60 người chết và 70 người bị thương, nơi một thời là trung tâm thương mại sầm uất nhất Sài Gòn nay là bãi giữ xe.

Toà cao ốc Diamond Tower – dự án ra đời trước năm 1997, trước khi khủng hoảng châu Á nổ ra – sau vài lần chuyển đổi chủ đầu tư… vẫn chỉ nằm trên giấy!

Chỉ có số phận của những con người mưu sinh một thời tại đó là bập bềnh, phiêu bạt…

Trước trận cháy lịch sử cuối năm 2002, nơi mà tôi hay ghé vào nhất là tủ bán nước hoa, các loại ví – bóp và dây lưng da của anh Hải. Giữa một rừng phụ nữ bán hàng xung quanh, anh Hải nổi tiếng không chỉ vì là người đàn ông hiếm hoi mà còn do kiến thức rộng và có nhiều thông tin của khu vực này.

Khi Intershop bị cháy, cũng chính anh báo tin cho tôi. Bán ở tầng trệt, anh nhanh chóng thoát ra và sau đó không lâu, gầy dựng một quầy hàng khác ở một cửa hàng trên đường Lê Lợi. Intershop sửa xong, vợ anh mở thêm một quầy hàng ở đó, với tên Hương Liêm, bán thêm quần áo và đồ lót.

Được chừng vài năm, trước khi Intershop… trở thành bãi giữ xe, vợ chồng anh thuê một góc nhà trên đường Lê Thánh Tôn để bán, rồi không chịu nổi giá thuê, họ dọn vào Eden Mall (khu thương mại của Passage Eden, mở liền sau khi Intershop đóng cửa).

Cuối 2009, Eden Mall giải toả, anh chị may mắn sang được một chỗ ở Lucky Plaza ở đường Nguyễn Huệ.

Chẳng bao lâu sau, Lucky Plaza lại giải toả, và bây giờ thì họ bán ở Saigon Square 2 ở đường Tôn Đức Thắng, với hợp đồng thuê mỗi sáu tháng. Làm gì thì làm, mỗi trưa anh đều trở về lề đường Lê Thánh Tôn để nhâm nhi ly cà phê với bao suy tư trăn trở về thời cuộc…

Anh bảo: "Thời mua bán hoàng kim như những năm 1992 – 1998 không bao giờ trở lại. Lúc đó buôn bán lãi nhiều, chi phí thấp mà vàng lại rẻ, nhờ đó tôi tích góp mua được căn nhà đang ở hiện nay, chứ như bây giờ, chỉ mong đủ tiền thuê hàng tháng và đủ ăn hàng ngày…"

Sát hàng rào của bãi giữ xe ITC hiện nay, góc sửa giày của Phú (tên thật Nguyễn Đức Tuấn) vẫn tồn tại dưới một bóng cây. Phú từng có chỗ ngồi ổn định trước tiệm giày Trung Lương trên đường Lê Thánh Tôn – một thời nổi tiếng hàng tuyển và độc với nguồn giày xuất khẩu và giày xách tay từ nước ngoài.

Mặc cho cả khu vực bị giải toả trắng vào cuối năm 2009, giờ thì Phú vẫn ngồi đấy, cùng với vài bạn sửa giày khác. Do không còn mái hiên che trên đầu nên những ngày mưa là Phú dọn về sớm.

Gần 20 năm đã trôi qua, kể từ khi Phú bắt đầu lập nghiệp với góc sửa giày trên lề con đường này. Tôi đã là khách hàng của Phú từ khi em chưa lập gia đình, lúc Phú còn là một chàng trai hay cười ít nói, miệng luôn đeo khẩu trang khi làm việc. Giờ Phú đã có hai con, một gái bảy tuổi và một trai ba tuổi.

Trong câu chuyện của Phú, em luôn nhắc đi nhắc lại: "Em sao cũng được, miễn hai đứa con ăn no khoẻ mạnh là được". Nhà có một xe máy, Phú nhường vợ đi làm, em đi xe đạp.

Tiền kiếm được đều đổ dồn chuyện ăn chuyện học cho hai con, thế nhưng Phú không tham việc mà bỏ con.Phú bảo: "Cái nào cũng có giá của nó. Hôm nay mình cầm tiền, ngày mai người khác cầm. Khi ra đi có ai nắm được gì đâu".

Chìm nổi giữa một Sài Gòn đổi thay
Góc sửa giày của Phú.Ảnh: Thanh Thuỷ

Sự chậm trễ xây dựng của Intershop lại là cơ may của Phú. Em bảo: "Họ chưa xây thì em còn ngồi đây sửa giày được. Xây lên rồi thì em mất chỗ sinh sống chị ơi!"

Không kịp đi chợ vào buổi sáng, chiều tối, tôi thường ghé chợ Cũ, ngôi chợ nhỏ lâu đời trên lề đường Tôn Thất Đạm, đoạn giữa Hàm Nghi và Huỳnh Thúc Kháng.

Có những loại thực phẩm hay thức uống dinh dưỡng bày bán ở đây mà bạn không thể tìm thấy trong các siêu thị, do là nguồn hàng xách tay. Còn giá bán các loại thực phẩm công nghệ có xuất xứ công ty phân phối ở đây đều rẻ hơn siêu thị.

Đó là lý do tại sao vào những dịp lễ tết, những người tìm kiếm quà biếu cho gia đình, cho đối tác… lại tập trung về đây mua sắm rất đông.

Những người bán ở chợ Cũ gần đây thường buôn bán trong nỗi lo chợ bị giải toả.

Trên 30 năm buôn bán ở đây, chị Vân – chủ sạp Vân Lầm, chuyên bán thực phẩm công nghệ – cho biết: "Vợ chồng tôi thừa hưởng chỗ bán từ mẹ chồng. Bà buôn bán hàng chạp phô từ trước năm 1975.Nhờ cái sạp này, vợ chồng tôi nuôi bốn đứa con khôn lớn, sắm sửa được nhà và lần lượt lo cho các con yên bề gia thất. Các con tôi đều phụ bán với vợ chồng tôi. Nếu chợ giải toả thì cả gia đình tôi không biết phải đi đâu làm gì, vì còn có cái chợ nào ở quanh đây giống thế này đâu".

Người ta có thể ngay lập tức xây dựng một trung tâm thương mại để thay thế ngôi chợ, nhưng không thể ngay lập tức xây dựng được ký ức và những mối thân quen truyền đời cho người đi chợ!

Theo SGTT

Các tin cũ hơn