Từ con suối nơi có những khóm cỏ mà lương y Phạm Văn Thanh (Nhà thuốc đông y gia truyền Hoàng Liên, Lào Cai) gieo trồng, chăm sóc một cách kỳ lạ, ấy là trồng chúng vào khe đá dưới suối, qua mảnh rừng mênh mang loài dứa khổng lồ đặc trị dạ dày, chúng tôi tiếp tục cắt đại ngàn Hoàng Liên vào sâu rừng già.
Đại ngàn Hoàng Liên Sơn mênh mang, hun hút, dốc ngược, tưởng chừng như đi mãi không hết. Anh Thanh bảo, từ khi 10 tuổi, cha bốc thuốc, còn anh đã biết theo đồng bào vào rừng hái thuốc bán kiếm tiền.
10 tuổi đầu, song cậu bé Thanh đã có thể đi rừng cả ngày, cõng trên lưng bó thuốc to tướng, trùm kín cả đầu. Hơn 30 năm đi rừng, ngang dọc đại ngàn Hoàng Liên, anh vẫn chưa đi hết được núi non, và tự nhận rằng mới chỉ hiểu được chút xíu về các loài thảo dược ở Hoàng Liên Sơn.
Lương y Phạm Văn Thanh trong một lần trèo non tìm thuốc |
Cuốc bộ đến chiều tối, chúng tôi đến một thung lũng khá bằng phẳng, ven một con suối, lau lác mọc lút đầu người. Lương y Thanh bảo: “Nhà báo biết đây là loài cỏ gì không?”. Tôi đoán bừa chắc là lau lác gì đó. Nhưng nhìn kỹ lại thì thấy không phải lau lác mà khá giống cỏ chít mà đồng bào lấy về làm chổi quét vôi ve.
Lương y Thanh bảo, đây là một vườn dược liệu khổng lồ cực quý, mà anh đang tìm cách bảo tồn, gieo trồng, mở rộng ra khắp các thung lũng.
Người Việt Nam gần như không biết giá trị của loài thảo dược này. Tuy nhiên, nền y học cổ truyền Trung Hoa đã sử dụng từ hàng ngàn năm trước và họ thu mua ráo riết mấy chục năm nay.
Lương y Thanh phải tự đi thu gom thuốc, vào rừng hái thuốc |
Nói ra thật đau lòng, khi những chuyến xe tải chở rễ loài cỏ này sang Trung Quốc ùn ùn, thì khi người Việt, từ kẻ đào rễ, đến kẻ thu mua cứ cười vào mũi họ vì dở hơi bỏ tiền mua rễ cỏ dại.
Theo lương y Thanh, thực tế, rễ loài cỏ này đã được nhắc đến trong một số sách dược tối cổ ở Việt Nam. Tuy nhiên, chẳng mấy thầy lang ngày nay biết đến. Cha lương y Thanh là ông lang Đĩnh đã sử dụng rễ loài cỏ này trong điều trị một số loại bệnh liên quan đến đường tiết niệu, bàng quang.
Theo lương y Thanh, mặc dù anh nghiên cứu chuyên sâu điều trị dạ dày, nhưng anh cũng phải ngạc nhiên vì bài thuốc chữa các loại bệnh liên quan đến đường tiết niệu do cha ông truyền lại, trong đó, sử dụng rễ loài cỏ này là chủ đạo.
Thật đau lòng khi đồng bào chỉ biết nhổ thuốc hoang dã bán sang Trung Quốc |
Bệnh viêm đường tiết niệu là bệnh khá phổ biến, tưởng đơn giản, nhưng khi đã thành mãn tính, thì khiến không ít người đau đầu. Với những người có sức đề kháng tốt, có thể chỉ uống nhiều nước là tự khỏi, nhưng sức đề kháng kém, đã nhờn kháng sinh, thì kháng sinh liều cao cũng không có tác dụng gì.
Thậm chí, uống kháng sinh liều cao, khỏi được vài hôm lại tái phát. Người bệnh sẽ bị đái rắt, ngày đi tiểu tiện vài chục lần, thậm chí ra mủ, ra máu. Điều trị không kịp thời, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào bể thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Theo lương y Thanh, anh đã thử điều trị hàng trăm bệnh nhân viêm đường tiết niệu bằng bài thuốc gia truyền, với nguyên liệu chủ đạo là rễ loài cỏ này và anh chưa từng bó tay trước bất cứ bệnh nhân nào, kể cả khi điều trị bằng Tây y mãi không khỏi.
Lương y Thanh và 1 cây thuốc quý |
Quả thực, nghe lương y Thanh phân tích về công dụng thanh nhiệt trừ thấp, hạ tiêu… của rễ loài cỏ lạ, tôi không khỏi khâm phục. Đúng là chúng ta đang chết trên đống thuốc của mình mà không biết, mà coi chúng chỉ là loài cỏ dại, đáng làm chất đốt.
Vượt qua thung lũng với bát ngát loài cỏ lạ, chúng tôi tiếp tục đến một khu đất hoang hoải, ít cây cổ thụ, trơ ra những khối đá to tướng, như những con voi nằm ngủ, như những đống rơm xám ngắt to sù sụ.
Lương y Thanh bảo: “Đây là vườn thuốc, nơi mình đang gieo trồng, bảo tồn loài thảo dược, mà nhắc đến, có lẽ ít có lương y, thậm chí là không có giáo sư, tiến sĩ chuyên nghiên cứu về thảo dược nào từng biết đến nó”.
Lương y Phạm Văn Thanh |
Nói rồi, lương y Thanh chỉ tay vào một vài… hòn đá. Những “hòn đá” này nửa chìm nửa nổi, to cỡ quả bóng, nằm dưới chân những tảng đá khổng lồ.
Con mắt người thường thấy đó là hòn đá, nhưng thực ra, đó là một củ thuốc. Trong nền y học Trung Hoa, củ thuốc này là thần dược. Người Dao gọi nó là củ nữ hoàng khi dịch ra tiếng phổ thông.
Củ thuốc này người Trung Quốc thu mua từ cả trăm năm trước và được cho là tuyệt chủng ở Hoàng Liên Sơn từ 20 năm nay. Nghĩ rằng tuyệt chủng rồi, nên người ta không thu mua nữa.
Lương y Thanh đã nghiên cứu nền y học Trung Hoa, song anh vẫn không thể nào biết người Trung Quốc sử dụng nó chữa bệnh gì.
Anh trồng thuốc quý ở những điểm kín đáo |
Những ông lang người Dao ở Hoàng Liên Sơn thì bảo rằng, củ thuốc đó quý hơn cả nhân sâm, chữa được tới 50 bệnh. Chính vì nó quý như thế, nên mới gọi là củ nữ hoàng, tức vua của các loài thảo dược.
Mặc dù chưa kiểm chứng được tác dụng của củ nữ hoàng, nhưng lương y Thanh đã gieo trồng chúng khắp các vùng rừng Hoàng Liên. Anh bảo, để thu hoạch được củ nữ hoàng, phải mất ít nhất 30-50 năm.
Anh không hy vọng thu hoạch được loài thảo dược này, song anh vẫn gieo trồng, bảo tồn, giữ cho đại ngàn Hoàng Liên còn hiện diện thuốc quý.
Vậy là, hễ cây nào ra củ, anh lại lấy lá cây lấp lên. Từ củ này, mọc ra một thân dây leo nhỏ bằng chiếc đũa, dài tới vài mét. Anh lấp đất lên một đoạn thân. Người đi rừng bình thường, khó mà nhận biết được có sự xuất hiện của củ nữ hoàng.
Trong chuyến xuyên đại ngàn Hoàng Liên Sơn, tôi được lương y Thanh chỉ cho vô số loài thảo dược quý, gồm cả loài anh sưu tầm, bảo tồn trong tự nhiên, cả loài anh gieo trồng, nhân giống. Tuy nhiên, tôi ấn tượng nhất với những cánh rừng mà anh trồng một loài cây, mà anh gọi là thần dược, là kỳ hoa dị thảo, chưa từng được biết đến.
Theo VTC