“Xóm lều” giữa thủ đô

Thứ hai, 18/03/2013, 08:45
Một xóm nhỏ mọc lên tự phát, chừng gần trăm người chen chúc trong những lều, lán chật chội, ẩm thấp - đó là thực trạng của xóm lao động nghèo gần hồ Mễ Trì (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, HN).

Những người dân này đã đến đây, nói là tạm sống để kiếm tiền mưu sinh, nhưng có gia đình cũng ngót 2 thế hệ gắn bó với những túp lều này...

Những mảnh đời lặng lẽ

Phải vất vả lắm, chúng tôi mới lách khỏi làn xe ngút người để rẽ vào một lối nhỏ ven con mương cạn trơ đáy. Mùi rác thải và mùi hôi thối của nước đọng khiến môi trường nơi đây khá nặng nề. Vậy mà, giữa chốn “mùa hè không thấy mặt trời” ấy, hơn 40 mái lều với độ chừng gần trăm người lớn, bé, già trẻ đang “liều” sống.

Dù giữa ban ngày, nhưng xóm nhỏ vẫn tĩnh lặng đến ngán ngẩm. Hỏi ra mới hay, chủ của những ngôi lều phần thì đi làm suốt ngày, phần vì đóng cửa để ngủ, đêm đến đi làm.

Ha Noi

“Xóm lều” bên con mương ô nhiễm.

Thấy chúng tôi, một phụ nữ dáng kham khổ liền hỏi: “Các anh tìm ai? Có phải cần người đi chở hàng hay dỡ nhà không?”. Khi chúng tôi nói chỉ tình cờ ghé qua, người phụ nữ tỏ vẻ thất vọng. Gặng hỏi mãi, cô mới kể dè dặt về dân “xóm lều” - cách gọi cửa miệng của người dân nơi đây.

Số là, khu đất vốn gần cánh đồng, hoang vắng, nhiều lao động tỉnh lẻ lên đây và ngủ vạ vật. Được dăm bữa, lại không bị cấm đoán như những nơi khác, nên người nọ bảo người kia, cùng kéo nhau về dựng lều, lán ở. Nhưng chỉ được ít lâu, chủ hồ hạch sách, buộc người lao động phải thuê đất thì mới cho ở. Đến nay, thấm thoắt đã 4 năm.

Trò chuyện với chúng tôi, một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Ký, quê ở Phù Lưu Hạ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết: “Ở đây không có địa chỉ cụ thể, đa số người sống ở đây là từ nhiều tỉnh lên thành phố làm ăn. Chỉ cần 300.000- 400.000 đồng/tháng coi như tiền phí là có thể dựng lều trọ.

Cột chống, tấm lợp thì chỉ cần đến các công trình được tháo dỡ rồi xin hoặc mua, về dựng là xong”. Nói về việc làm, chị Phan Thị Hòa - một cửu vạn đến từ huyện Phú Xuyên - thở dài: “Việc gì đâu. Người lớn thì đi mua ve chai, đồng nát, bốc vác... Còn trẻ con thì đánh giày, bán báo dạo...”.

Qua lời kể, chúng tôi biết được gia cảnh của anh Nguyễn Văn Thuân - đến từ Thái Nguyên. Vì quê khó làm ăn, anh đưa vợ và con gái 5 tuổi lên nhập vào xóm lều này. Đôi vợ chồng trẻ, kẻ bốc vác, người bán hàng rong tằn tiện, dành dụm mỗi tháng cũng để ra đôi triệu.

Cô con gái nhỏ cũng theo mẹ bán hàng khắp các khu phố ở địa bàn quận Thanh Xuân. Dù con sắp phải đến trường, nhưng họ vẫn chưa dám nghĩ đến việc chuẩn bị cho bé. “Bọn tôi cũng muốn đưa bé về quê học, nhưng ngặt nỗi quê không còn người thân thích, phần thì phải kiếm sống, nên mình cũng chưa tính được”.

Ha Noi

Bữa ăn đạm bạc của những phụ nữ trong xóm.

Khó cho kẻ ở, người đi

Được hỏi về việc làm nông ở quê, chị Ký thở dài: “Tất thảy chỉ trông vào mấy thửa ruộng, làm lụng quanh năm mà vẫn không đủ sống”. Còn cô Nguyễn Thị Hải (Bắc Ninh) cùng cả gia đình cũng cố bám trụ ở “xóm lều” này, mưu sinh bằng việc bán cháo đêm, cô dành chút vốn để sớm quay về quê sống.

Cuộc sống tha hương nhọc nhằn là thế, nhưng theo họ vẫn còn may mắn khi có được nơi mà dựng lán để ở. Nhưng, mới đây, nghe tin khu đất nằm trong dự án giải tỏa làm đường, chị Ký càng thêm lo khi sắp tới không biết phải phiêu bạt về đâu.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của những người lao động trong “xóm lều” này cũng gây không ít khó khăn cho địa phương. Khu vực này vốn là nơi hoang vắng, chỉ có những ngày nghỉ, dân câu mới kéo tới hồ Mễ Trì để câu. Còn nay, ở khu vực này, nhiều gia đình trong xóm nuôi gia súc, gia cầm và phân của chúng được thải trực tiếp ra con mương đối diện, khiến mùi hôi thối luôn bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.

Trước thực trạng này, rõ ràng cần phải có sự phối hợp can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng để cân đối được việc mưu sinh của người nghèo cũng như đảm bảo các yếu tố xã hội cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đó là bài toán khó sớm có lời giải.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích