Người Việt Nam đã từng nghe kể rất nhiều về cuộc sống của các gia đình bên Mỹ nhưng gần như chưa bao giờ họ tận mắt thấy một cuộc sống thật của môt gia đình Việt Kiều trên đất Mỹ thiên đường.
Sau Ngôi nhà trong hẻm với dư luận trái chiều và Bẫy cấp ba không được xét duyệt và bị yêu cầu chỉnh sửa lại thì nhà sản xuất Trần Trọng Dần tiếp tục cho ra mắt bộ phim Gia đình Việt Kiều.
Xung đột khoảng cách thế hệ
Nhưng khác với hai bộ phim gặp sóng gió trước đó, Gia đình Việt Kiều là một câu chuyện mượt mà, êm ả và sâu sắc.
Bộ phim kể về cuộc đấu tranh của các thành viên trong một gia đình Việt kiều mà nguyên nhân chính của các mâu thuẫn đó là khoảng cách thế hệ. Trong khi người cha chính hiệu kiểu cũ luôn mong muốn các con mình phải trở thành kỹ sư, bác sĩ thì cậu con trai và cô con gái lại có đam mê của riêng mình với nhiếp ảnh và âm nhạc.
Chiều lòng ba mẹ, cậu con trai tên Tý vẫn thi vào trường y nhưng lại lén lút đi làm thêm để kiếm tiền mua một chiếc máy quay. Còn cô chị là Xuân trước mặt ba vẫn ngày đêm dùi đầu vào đống sách vở ông mua cho nhưng lại hay leo lên gác xép chật chội để luyện đàn guitar.
Poster phim Gia đình Việt kiều
Nhưng đây không phải là hai cơn sóng ngầm duy nhất chực chờ bùng phát trong gia đình này. Người chị cả mới là cơn sóng thần gây đe dọa cái gia đình tưởng bình yên này. Cô dám yêu một người theo đạo Phật trong khi đó là điều không thể chấp nhận với một người sùng đạo và bảo thủ như cha cô.
Không thể tiếp tục giả làm tín đồ của đạo Công giáo, bạn trai của cô chị cả đã quyết nói sự thật trước sự choáng váng của người cha. Chàng rể tương lại cũng không ngại đứng ra bênh vực quyết định rời trường y để theo nghiệp nhiếp ảnh của cậu em Tý.
Người cha đi hết từ cú sốc này sang cú sốc khác. Ông không thể tin rằng một người cha hết mực thương con như ông một ngày lại bị các con đứng lên chống đối. Một cuộc đấu tranh gay gắt đã xảy ra khi những giá trị mà hai thế hệ theo đuổi không gặp nhau.
Vẻ sửng sốt của người cha khi bị các con đồng loạt chống đối
Những người Việt kiều sinh sống tại Mỹ có những ước mơ và kỳ vọng khá lớn. Những đứa bé lớn lên tại Mỹ được cha mẹ chúng kỳ vọng rất nhiều về sự nổi trội, thành đạt nơi xứ người.
Chính vì thế, họ luôn thúc ép con cái làm theo điều họ nghĩ là tốt nhưng đôi khi quên hỏi con cái của họ những những nghề nghiệp mà chúng yêu thích, những đam mê mà chúng theo đuổi. Không còn cái thời ba mẹ sắp đặt, tự quyết cuộc đời của con cái. Và đã đến lúc họ phải chấp nhận điều đó! Đây không phải là một hành trình dễ dàng với những người cha truyền thống.
Chỉ mỗi việc chặt hay để cành cây cũng là cả một chuyện nhức đầu thì huống hồ gì là chuyện hệ trong như tín ngưỡng và công việc. Ông và gã hàng xóm người Mỹ tranh chấp ngày này qua ngày nọ chỉ vì mỗi cái cây. Cái cây nhà gã hàng xóm trồng ở hàng rào lấn sang nhà ông vài cành cây mà ông cứ yêu cầu phải xén đi để lá khỏi rụng bẩn đất nhà ông.
Trong khi gã hàng xóm người Mỹ không thể hiểu nổi cái quái quỷ gì ở một cái cây mà không cho nó được lớn. “Hãy để nó phát triển tự nhiên” – câu nói của gã hàng xóm này hóa ra lại là giải pháp cho mọi cuộc xung đột.
Xung đột có thể xảy ra ở bất cứ đâu và không có hồi kết khi không
có sự lắng nghe và chia sẻ
Cuối cùng, đám cưới của cô chị cả cũng diễn ra đầm ấm và tiết kiệm khi chính tay cậu em được ba chỉ định quay phim cho lễ cưới còn cô chị gái thì trở thành ca sĩ chính trong ngày trọng đại của chị mình.
Chấp nhận đám cưới khác đạo, một người sùng đạo là một sự hy sinh lớn bởi như chắc chắn ông sẽ phải đối mặt với dư luận. Bằng chứng là ngay trong tiệc cưới, ông đã bị những người thân, dòng họ chất vấn, thậm chí giễu cợt về chuyện gia đình ông chấp nhận một cậu rể đạo Phật. Nhưng quyết định đó chính là câu trả lời cho sự chiến thắng của quyền tự do cá nhân chống lại tâm lý đám đông.
Dung dị mà sâu sắc
Không có cao trào, thắt nút, mở nút kịch tính, bộ phim cứ trôi đi nhẹ nhàng, ngay ở cả những phân đoạn gây cấn, kịch tính nhất. Không phải là diễn viên chuyên nghiệp nhưng diễn xuất tự nhiên và duyên dáng của mỗi thành viên trong gia đình đã đem lại sự thiện cảm và dễ chịu. Có cảm giác, tất cả các diễn viên đều sống với nhau như là một gia đình thực sự để có được những thước phim chân thực và cảm động.
Đạo diễn trẻ Mark Trần đã khá tinh tế khi cài cắm những chi tiết đắt giá để bơm cảm xúc cho người xem một cách nhẹ nhàng mà không cần lên gân thái quá. Anh không cần phải dùng nhiều lời nói hay nhiều chi tiết ẩn dụ, chỉ cần những ánh mắt, cử chỉ giản dị của các diễn viên cũng đủ để gây nên xúc động.
Diễn xuất khá tự nhiên và duyên dáng của các diễn viên không chuyên đem lại sự dung dị, thoải mái cho người xem.
Hình ảnh người mẹ phúc hậu mon men muốn đến gần con để trò chuyện nhưng bị chúng gần như cự tuyệt bởi sự xa cách trong tâm hồn khiến những người trẻ không khỏi bị rung động.
Và những nỗi buồn mà những đứa con giấu trong lòng không muốn bị cha mẹ phát hiện cũng sẽ khiến các bậc phụ huynh phải nhìn lại về mối quan hệ ngày càng phai nhạt trong gia đình.
Nhẹ nhàng, dung dị và gần gũi nhưng bộ phim vẫn cháy bỏng với những đam mê mãnh liệt và lắng đọng một thông điệp ý nghĩa. Chỉ có điều hơi tiếc là bộ phim chỉ gói gọn trong không gian một gia đình, thiếu những cảnh quay ở bên ngoài để mang lại nhiều hơn chất Mỹ.
Nếu không gian được mở ra rộng hơn với trường lớp, chợ búa, nhà hát… tại San Jose, nơi có đông người Việt sinh sống nhất thì có lẽ bộ phim sẽ thể hiện rõ nét hơn chân dung cuộc sống một gia đình người Việt tại Mỹ. Đặc biệt, nếu có nhiều hơn những cảnh quay đẹp về khung cảnh nơi đây thì bộ phim cũng sẽ mang đậm chất điện ảnh hơn.
Dù vậy, với một câu chuyện nhẹ nhàng, dung dị, tinh tế mà truyền tải được một nội dung tư tưởng khá sâu sắc được kể bằng giọng điệu hài hước, Gia đình Việt kiều được ví như một viên đá quý bí ẩn đáng xem.
Gia đình Việt kiều, bộ phim từng được đón nhận nồng nhiệt khi phát hành tại Mỹ sẽ có mặt tại Việt Nam từ 6/12/2012.