“Trò đời” mở lối thoát cho kịch bản phim truyền hình

Thứ ba, 04/12/2012, 11:25
30 tập phim “Trò đời” chuyển dựng từ chùm tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đang được kỳ vọng mở lối thoát cho tình trạng khủng hoảng thiếu kịch bản chất lượng của phim truyền hình Việt Nam thời gian gần đây.
 

Kho báu bỏ quên
 
Có thể nói, dự án phim “Trò đời” là một ý tưởng táo bạo của nhóm các nhà làm phim lãng mạn Hãng phim Hội Điện ảnh VN như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Ngô Thanh Vân, Nhuệ Giang...

Trong khi kịch bản phim truyền hình đang ngày càng đi vào ngõ cụt vì đề tài quẩn quanh thì chúng ta có một mảng lớn các tác phẩm văn học giai đoạn 1930-1945 đang nằm nguyên. Và Hãng phim Hội Điện ảnh đã quyết tâm phải đưa những tác phẩm này đến với công chúng dưới dạng phim truyền hình dài tập.
 
Một cảnh trên trường quay của bộ phim “Trò đời”

Những người chịu trách nhiệm “lĩnh ấn tiên phong” chính là cặp vợ chồng đạo diễn Thanh Vân và Nhuệ Giang với 30 tập phim "Trò đời" chuyển dựng từ các tác phẩm: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy tây và Làm đĩ.

Đạo diễn Thanh Vân chia sẻ: “Trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, có nhiều tác phẩm đã được dựng thành phim như Số đỏ, Giông tố hay dựng thành kịch như Làm đĩ, tuy nhiên, để xâu chuỗi chúng trở thành một bộ phim truyền hình dài tập thì đây là lần đầu tiên.

 
Kịch bản “Trò đời” do 2 nhà biên kịch Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã chuyển thể. Đặc điểm của phim truyền hình là yếu tố có nhiều nút thắt, có nhiều xung đột để hấp dẫn khán giả, tôi tin rằng với sự tài hoa trong ngòi bút của nhà văn Vũ Trọng Phụng, phim sẽ có được điều này”.
 
Với trung tâm của kịch bản là tác phẩm Số đỏ, khâu khó nhất của đoàn phim là tìm ra được gương mặt diễn viên vào vai Xuân tóc đỏ - nhân vật đã ghi dấu ấn của đạo diễn Quốc Trọng khi anh còn là diễn viên trẻ cách đây hơn 20 năm qua bản dựng của Hà Văn Trọng và Lộng Chương.

Cặp vợ chồng đạo diễn Thanh Vân và Nhuệ Giang đã tin tưởng giao vai này cho diễn viên trẻ Việt Bắc.

 
Giật gấu vá vai...
 
Khi quyết định chuyển dựng những tác phẩm của giai đoạn văn học 1930-1945 lên màn ảnh truyền hình, các nhà làm phim đã biết họ sẽ phải đối mặt với một vấn đề nan giải, đó là bối cảnh để dựng phim. Vì tới nay, VN vẫn chưa có trường quay nên họ buộc phải “giật gấu vá vai” bằng mọi cách.

Những cảnh nội phải tận dụng ngôi nhà cổ ở phố Tạ Hiện và một số biệt thự Pháp còn nguyên dạng ở Hà Nội, còn cảnh ngoại thì vất vả trăm đường, tận dụng từng góc nhỏ ở ngoại thành, nội thành hoặc một số vùng lân cận Hà Nội còn giữ được nét xưa, chứ không dám dựng những đại cảnh hoành tráng.

 
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần than: “Chúng tôi khổ sở vô cùng, chi phí thì hạn hẹp, chi tiền may phục trang cho diễn viên thì phải tính đường dài, xem có thể tận dụng trong những phim tiếp theo nữa được không”...
 
Nhóm làm phim cho biết, “Trò đời” là phát súng đầu tiên để thăm dò khán giả và thử sức của chính giới làm nghề trong điều kiện kinh phí eo hẹp hiện nay. Tiếp sau đó, những tác phẩm nổi tiếng khác của các nhà văn: Ngô Tất Tố, Lan Khai, Thạch Lam, Kim Lân, Nguyên Hồng... cũng sẽ lần lượt được đến với khán giả.
 
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận định: “Trong bối cảnh phim truyền hình đang khan hiếm kịch bản chất lượng như hiện nay, việc chuyển thể tác phẩm văn học giai đoạn 1930-1945 là một hướng đi mới rất cần khích lệ, nó vừa đem đến cho khán giả những tác phẩm đã được thời gian thẩm định, vừa khiến cho thế hệ trẻ thêm hiểu biết và yêu quý di sản văn học mà các nhà văn thế hệ trước kia để lại”.
 
“Trò đời” được bấm máy vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Vũ Trọng Phụng (20/10/2012) và dự kiến sẽ lên sóng truyền hình vào tháng 10 năm sau. Phim do Hãng phim Hội Điện ảnh và Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VTV) phối hợp thực hiện.
 
 
Theo DanViet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích