Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), đây là lần đầu tiên kể từ năm 1950, Anh bị loại khỏi danh sách 5 nhà xuất khẩu vũ khí lớn của thế giới.
Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc từ năm 2008-2012 đã tăng 162% so với 5 năm trước, với hầu hết số vũ khí này (55%) được xuất sang Pakistan.
“Sức vươn lên của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu vũ khí lớn của Pakistan”, Paul Holtom, giám đốc nghiên cứu tại SIPRI cho biết trong bản thông cáo báo chí của cơ quan này.
Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất vũ khí trong những năm gần đây.
“Rất nhiều thỏa thuận gần đây cho thấy Trung Quốc đang tự khẳng định là nhà cung cấp vũ khí quan trọng với một lượng ngày càng lớn các nước có nhu cầu mua vũ khí.”
Pakistan từ lâu đã là đồng minh lớn của Trung quốc ở Nam Á. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết Myanmar, Bangladesh cùng Venezuela là những nhà nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc.
Theo báo cáo, tổng thương mại vũ khí toàn cầu từ 2008-2012 tăng 17% so với cùng kỳ trước đó, với Mỹ và Nga vẫn là những nhà xuất khẩu chính, chiếm lần lượt 30% và 26% thị phần. Tiếp sau đó là Đức và Pháp.
Theo báo cáo, các nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây đang cố gắng bán lại các máy bay chiến đấu mà họ đã đặt mua để giảm chi phí. Ví dụ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang tìm kiếm người mua các máy bay F-16 và máy bay Eurofighter.
Cũng theo báo cáo, các nước Đông Nam Á hiện đang nỗ lực thúc đẩy khả năng hải quân của mình trong bối cảnh tranh chấp biển đảo tăng cao. Chính vì vậy mà top 5 nhà nhập khẩu vũ khí thông thường của thế giới đều nằm ở châu Á.
Trung Quốc đã đẩy mạnh sản xuất vũ khí trong nước kể từ khi nước này đối mặt với lệnh cấm nhập khẩu thiết bị quân sự của phương Tây sau các vụ biểu tình phản đối ở Thiên An Môn năm 1989. Bản thân Trung Quốc không công bố dữ liệu xuất khẩu vũ khí.
Theo Dantri