Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè: “Sẽ không còn cảnh nước ròng trơ đáy”

Thứ hai, 18/03/2013, 18:28
Mấy ngày qua, suốt con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM), từ sáng đến chiều muộn mực nước luôn cao, chỉ cách mặt đường chưa đầy 1m. Nhờ nước lớn, dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bỗng nhộn nhịp hẳn lên bởi người dân khắp nơi tụ về thả câu. Đặc biệt hơn, mùi hôi thối nồng nặc đã giảm nhiều, kể cả có đứng ở đoạn thượng nguồn!
Kênh Nhiêu Lộc
Hiện nay, có khá nhiều người dân câu cá trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vào ban ngày và cả ban đêm.Ảnh: Đoàn Quý

Có được khung cảnh đẹp và môi trường trong lành trên, có người cho rằng nhờ một con đập giữ nước ở phía cửa sông.Tuy nhiên, trả lời chúng tôi, ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng quản lý Thoát nước thuộc trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết đó không phải là đập mà là cống ngăn triều!

Theo ông Long, cống ngăn triều này (cùng với nhà máy bơm nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) do trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập làm chủ đầu tư đã được vận hành để giữ nước trong suốt dịp tết vừa qua. Ngoài mục đích thau rửa tuyến kênh, việc giữ nước trong kênh còn nhằm hạn chế mùi hôi thối bốc lên từ đáy.

Vậy đến nay cống ngăn triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè vẫn đóng để phục vụ việc thau rửa lòng kênh?

Không, hiện tại cống ngăn triều đã mở chứ không đóng suốt như dịp tết vừa qua. Sở dĩ mấy ngày qua người dân thấy nước kênh luôn cao là do nước trên sông Sài Gòn đang cao vào ban ngày.

Riêng việc mùi hôi giảm hẳn còn có một nguyên nhân nữa là hiện tại, nước thải sinh hoạt đã không còn được xả thẳng ra kênh như trước đây, mà thải qua hệ thống cống bao, chuyển về trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè xử lý trước khi bơm ra sông.

Vậy có thể hình dung khi cống ngăn triều chính thức hoạt động thì mực nước trong kênh sẽ luôn cao?

Nói chung khi đưa cống ngăn triều vào hoạt động, chúng tôi tính toán giữ làm sao cho nước kênh không cạn để tránh gây hôi thối. Cái này đơn vị tư vấn thiết kế của dự án Vệ sinh môi trường thành phố đã tính toán hết rồi. Thau rửa thế nào, giữ không ô nhiễm làm sao… đều có trong quy trình.

Ngoài ra, khi đưa cống ngăn triều vào hoạt động, chúng tôi còn đảm bảo làm sao cho mực nước luôn ở mức thuận tiện để tàu thuyền (du lịch) qua lại cũng như đảm bảo công tác chống ngập.

Nghĩa là từ nay về sau kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ không còn cảnh trơ đáy như trước kia?

Đúng rồi, trước mắt việc giữ nước là để thau rửa con kênh vốn bị coi là kênh hôi. Lúc triều cao thì mở cống, lúc triều ngoài sông Sài Gòn thấp thì nhanh chóng đóng để giữ nước thau rửa.

Làm như vậy liệu có ảnh hưởng đến độ bền và độ an toàn của cống ngăn triều?

Chuyện đó khi làm ai cũng tính và ở đây tôi đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng công trình bởi mọi thứ đã được tính toán một cách bài bản, an toàn.

Ngày 17/3, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, phó giám đốc trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM cho hay, hiện cống ngăn triều đã có thể đóng mở nhưng toàn bộ dự án này vẫn còn nhiều hạng mục như nhà điều khiển, trạm biến áp... chưa biết ngày hoàn thành vì chưa có mặt bằng từ quận Bình Thạnh.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn