|
Một quy định có chủ đích tốt nhưng chưa cụ thể, buộc người đi đường phải luôn mang theo giấy khai sinh của trẻ em...
Xử phạt nghiêm
Việc chứng minh độ tuổi của trẻ là rất khó vì hiếm khi phụ huynh ra đường lại mang theo giấy khai sinh của con hoặc sổ hộ khẩu. Nhiều trẻ có thể trạng lớn làm phụ huynh khó giải thích tuổi thật cho lực lượng xử phạt |
Ngày 21/3, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM phối hợp với Phòng CSGT đường bộ và đường sắt (PC67), Công an TP.HCM và Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) tổ chức hội nghị triển khai chiến dịch tuyên truyền kết hợp tuần tra, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với trẻ em giai đoạn 2 năm 2013.
Theo kế hoạch, cuối tháng 3/2013, lực lượng CSGT của PC67 và công an các quận, huyện sẽ tiến hành xử phạt nghiêm đối với người điều khiển phương tiện không đội MBH cho trẻ em; trong đó tập trung Q.9, Q.Gò Vấp và H.Hóc Môn.
Bên cạnh hoạt động tuần tra xử phạt của CSGT, Ban ATGT TP sẽ kết hợp với Quỹ AIP tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền ý thức đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông.
Trước đó, trong giai đoạn 1 của chiến dịch này (từ 1/9 - 31/12/2012), CSGT của Công an TP.HCM đã xử phạt hơn 5.000 trường hợp vi phạm; trọng điểm ở các quận huyện: 1, 9, 12, Bình Thạnh và Bình Tân.
“Sau khi triển khai giai đoạn 1, tại các tuyến đường có CSGT tuần tra, chốt chặn thì tỷ lệ phụ huynh đội MBH cho trẻ em có tăng lên đáng kể” - một lãnh đạo của PC67 nhận định.
“Giai đoạn 2 của chiến dịch này sẽ diễn ra từ tháng 3 - 5.2013, nhưng PC67 sẽ đề nghị duy trì kéo dài đến hết năm 2013, thậm chí về lâu dài nữa. Ngoài việc tuần tra xử lý, CSGT cũng có thể ghi hình các trường hợp vi phạm chuyển cho trường nhắc nhở, xử lý…”, thiếu tá Trần Hồng Minh - Phó PC67, Công an TP.HCM, nói.
Tại Hà Nội, bắt đầu từ 1/4, lực lượng CSGT sẽ ra quân xử lý vi phạm không đội MBH đối với trẻ em khi tham gia giao thông. Theo đó, tập trung xử lý trọng điểm tại địa bàn thuộc 3 quận: Cầu Giấy, Ba Đình và Đống Đa, sau đó mới mở rộng ra các quận, huyện khác.
Sở dĩ việc xử lý được triển khai tại 3 quận trên, là bởi theo số liệu khảo sát thì tỷ lệ trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông đội MBH tại Q.Cầu Giấy chỉ chiếm 11,4%, Q.Ba Đình chiếm 9%, còn Q.Đống Đa chỉ đạt 7,3%.
Người lớn băn khoăn
Theo Nghị định 71 của Chính phủ, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà không đội MBH hoặc cài quai không đúng quy cách bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Tương tự, trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông mà không đội MBH thì người điều khiển phương tiện chở các em sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. |
Nhiều phụ huynh cho rằng, việc chứng minh độ tuổi của trẻ là rất khó vì hiếm khi phụ huynh ra đường lại mang theo giấy khai sinh của con hoặc sổ hộ khẩu. Nhiều trẻ có thể trạng lớn làm phụ huynh khó giải thích tuổi thật cho lực lượng xử phạt.
Chị Nguyễn Trúc Diễm (ngụ P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) vừa cười vừa nhăn mặt: “Thằng con tôi được chăm kỹ từ nhỏ, sức khỏe cháu cũng tốt, mới 5 tuổi mà cao y như đứa 8 tuổi. Vậy khi tôi chở con ra đường, bị công an thổi phạt thì lấy gì chứng minh. Chẳng lẽ lại đứng cãi với công an?”.
Còn chị Nguyệt, một phụ huynh có con học ở Trường tiểu học Nam Thành Công (Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) phân trần: “MBH thì nhà cũng có đấy, nhưng trên đường đi làm là đưa các cháu đi học luôn. Đội MBH cho hai cháu thì mình sẽ chẳng biết cất mũ vào đâu”.
Khi được hỏi, từ ngày 1/4, CSGT Hà Nội sẽ tiến hành xử phạt trẻ từ 6 tuổi lên khi tham gia giao thông không đội MBH, chị Nguyệt nói chỉ mới nghe loáng thoáng, và cho hay tới ngày đó chị sẽ cho các cháu đội MBH.
Không riêng gì chị Nguyệt, mà nhiều bậc phụ huynh khác cũng tỏ ý băn khoăn. “Với các cháu chưa đủ tuổi để cấp giấy CMND thì sẽ căn cứ vào đâu để xác định các cháu đã lớn hơn 6 tuổi. Chính vì vậy mà từ việc xử phạt này, nhiều người lớn, bậc phụ huynh sẽ nói dối, nói con em mình chưa đủ 6 tuổi”, một bậc phụ huynh có con học Trường Lê Quý Đôn nằm trên địa bàn Q.Cầu Giấy, chia sẻ.
Dựa vào phù hiệu trường lớp để xử phạt !
Trước những băn khoăn trên của phụ huynh, thiếu tá Trần Hồng Minh cho biết: “Về hành vi vi phạm này, CSGT vừa xử lý vừa nhắc nhở.
Những trường hợp nào rõ ràng vi phạm - có thể dựa vào phù hiệu ghi tên trường lớp để xác nhận, người vi phạm thừa nhận hành vi vi phạm của mình thì CSGT lập biên bản xử lý; nếu trường hợp nào nhỏ tuổi nhưng vóc dáng phát triển nhanh hơn trẻ cùng trang lứa… thì CSGT khuyến cáo cũng nên đội MBH vì quyền lợi cho bản thân của trẻ.
Bởi mục đích cuối cùng của CSGT cũng chỉ mong muốn phụ huynh đội MBH cho trẻ em để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho trẻ; chứ không phải là để xử phạt.
Cũng xuất phát từ lợi ích này, Ban ATGT và Quỹ AIP đã mở các chiến dịch này nhằm vận động tuyên truyền trẻ em đội MBH kết hợp với CSGT xử phạt để kéo giảm TNGT và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông”.
Trao đổi với Thanh Niên, trung tá Nguyễn Văn Tài - Đội trưởng Đội Tuyên truyền và Điều tra giải quyết tai nạn giao thông (PC67 - Công an TP.Hà Nội), cho hay việc xử lý vi phạm không đội MBH đối với trẻ em khi tham gia giao thông đã được quy định tại Nghị định 32 ban hành từ năm 2007.Tuy nhiên, cũng từ thời điểm đó cho tới nay, việc xử phạt theo nghị định gần như bị lãng quên.
Song, trên thực tế, trung tá Tài cũng thừa nhận việc xử lý hành vi này hiện vẫn còn một số vướng mắc, như làm cách nào để dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng xác minh được chính xác độ tuổi của trẻ, để tránh những vụ tranh cãi không đáng có giữa phụ huynh và CSGT trên đường phố; đồng thời tránh việc các bậc phụ huynh suy nghĩ rằng phải đem theo giấy khai sinh khi đưa trẻ cùng tham gia giao thông.
Theo ý kiến một chuyên gia giao thông, tốt nhất là nên quy định phải đội MBH (trọng lượng mũ tùy thuộc độ tuổi do phụ huynh chọn) cho tất cả trẻ có khả năng tự ngồi trên các loại xe được quy định phải đội MBH.
Cần đội đúng Bác sĩ Trương Thế Hiệp - Phó khoa Cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) khuyến cáo, khi trẻ tham gia lưu thông, các cha mẹ cần cho trẻ đội MBH theo quy định. “Đội MBH đảm bảo chất lượng, có cài quai... để nếu không may bị tai nạn giao thông sẽ giảm tình trạng tổn thương cho não, cho đầu. Bản thân MBH giúp phân tán lực tác động lên đầu”, bác sĩ Hiệp nói. Ngày 19/3 vừa qua, Văn phòng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN cũng phát đi thông cáo đến các cơ quan báo chí về “Hiện trạng an toàn giao thông đường bộ năm 2013”. Qua đó, WHO có đề cập về việc, tại VN tỷ lệ trẻ em từ 6 tuổi tham gia lưu thông có đội MBH còn rất thấp, trong khi có hàng triệu trẻ em đi lại bằng xe máy mỗi ngày, là đối mặt với nguy cơ cao bị chấn thương đầu nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong. |
Theo Thanhnien