Trao đổi với báo giới sáng 20/3, ông Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai, cho biết Đoàn ĐBQH của tỉnh đã gửi văn bản nhắc Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thực hiện lời hứa trong quý IV/2012 sẽ xóa bỏ trạm thu phí ở huyện Định Quán - Đồng Nai.
Hứa cho có
Lời hứa này được Bộ trưởng Thăng nêu lên tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng vào tháng 10/2012 về việc rà soát lại các trạm thu phí trên Quốc lộ 20. Tuy nhiên, hơn 3 tháng sau đó, trạm thu phí vẫn hoạt động bình thường, thậm chí mức phí còn tăng lên khiến người dân địa phương bức xúc nói rằng “Bộ trưởng Thăng đã thất hứa với cử tri”.
“Chúng tôi hiểu rằng văn bản thông báo kết luận chỉ đạo sau buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có tính pháp lý trong ngành. Tuy nhiên, đến nay, chỉ đạo đó chưa được thực hiện nên chúng tôi có văn bản “nhắc” lại. Chúng tôi là cơ quan dân cử và đang thực hiện chức năng giám sát của mình” - ông Vở nói.
Văn bản được gửi hồi đầu tháng 3 nhưng đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai vẫn chưa nhận được phúc đáp.
Trạm thu phí Định Quán - Đồng Nai vẫn hoạt động dù Bộ trưởng Đinh La Thăng hứa xóa bỏ từ cuối năm 2012. |
Chiều 20/3, ông Nguyễn Văn Lưu, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ GTVT, cho biết Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhận được văn bản của Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai và chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giải quyết vụ việc. Ông Trường đã làm việc với lãnh đạo Tổng cục Đường bộ để sớm tìm ra giải pháp.
Tuy nhiên, “đây là trạm thu phí BOT, nhà đầu tư vay vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để thực hiện. Theo hợp đồng, họ được thu phí 9 năm mà chỉ mới bắt đầu thu từ năm 2010. Việc dừng thu phí sẽ rất khó khăn” - ông Lưu nói.
Vậy tại sao bộ trưởng lại hứa với cử tri Đồng Nai như vậy? Trả lời câu hỏi này, ông Lưu cho biết khi đó, Bộ trưởng Thăng rất bức xúc và quyết tâm làm sớm nhưng khi thực hiện mới phát sinh phức tạp. Nếu đình chỉ, không thu phí trạm BOT sẽ trái với hợp đồng đã cam kết trước đây, ngân hàng không thu hồi được vốn, ảnh hưởng đến đầu tư chung.
Bộ GTVT đã đưa ra phương án di chuyển vị trí đặt trạm thu phí Định Quán. Theo đó, chậm nhất ngày 30/3, Tổng cục Đường bộ phải thống nhất với BIDV, tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng về vị trí đặt trạm. Tuy nhiên, nếu di chuyển lên Lâm Đồng thì vị trí đặt trạm này sẽ cách trạm thu phí Bảo Lộc chỉ 33 km.
“Người dân địa phương ở đây phản ứng vì họ không được hưởng gì cả nhưng vẫn phải đóng phí. Chính vì thế, Bộ GTVT đang muốn dịch chuyển trạm xuống phía Dầu Giây, ra khỏi địa bàn thị trấn để bảo đảm hài hòa quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan” - ông Lưu giải thích.
Đại biểu QH phải đeo bám tới cùng
Ông Lê Văn Cuông, nguyên phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, cho rằng những người có chức quyền, thay mặt Chính phủ để quản lý ngành, có ý kiến với nhân dân thì người dân luôn tin tưởng, trông đợi. Vì lý do nào đó mà không thực hiện được lời hứa thì phải giải trình, xin lỗi cử tri.
“Sau khi có văn bản “nhắc nhở” như thế mà bộ trưởng Bộ GTVT trả lời không thỏa đáng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai có thể tiếp tục chất vấn tại Quốc hội” - ông Cuông nói.
Nhiều năm sinh hoạt nghị trường, chất vấn các bộ trưởng với những vấn đề người dân bức xúc, ông Cuông cho rằng các bộ trưởng chưa nghiêm túc thực hiện lời hứa.
Việc các bộ trưởng không giữ lời hứa, không thể hiện được trách nhiệm hoặc cho thấy khả năng điều hành bất cập rất cần được các ĐBQH giám sát, thậm chí đề nghị QH xem xét về vai trò của thành viên đó.
Sắp tới, theo ông Cuông, QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nên các bộ trưởng hứa suông cần được xem xét và đưa vào quá trình bỏ phiếu theo đúng quy định. “Điều quan trọng là ĐBQH có dám thực hiện quyền hạn, có đeo bám tới cùng sự việc và chịu trách nhiệm trước cử tri hay không” - ông Cuông nhìn nhận.
Đàm phán mua lại 4 trạm thu phí Trong chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời của Đài Truyền hình Việt Nam hôm 17/3, trước câu hỏi về việc đã thu phí bảo trì đường bộ, sao không xóa hết các trạm thu phí gây bức xúc dư luận về việc “phí chồng phí”, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết theo Nghị định 18 của Chính phủ, tất cả các trạm thu phí của Nhà nước phải dừng hoạt động. Trong số 57 trạm thu phí trên cả nước, 19 trạm của Nhà nước đã dừng thu từ ngày 1/1/2013; 4 trạm mà Nhà nước đồng ý chuyển quyền sở hữu cho các nhà đầu tư tư nhân đang được Bộ GTVT, Bộ Tài chính đàm phán với các nhà đầu tư để Nhà nước mua lại. Tuy nhiên, việc đàm phán cần có thời gian và phải cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Bộ trưởng Thăng khẳng định không có chuyện “phí chồng phí” vì phí bảo trì đường bộ dùng để bảo trì các công trình đường bộ được đầu tư xây dựng bằng ngân sách Nhà nước. Với các công trình BOT và được xây dựng bằng các nguồn vốn khác, các nhà đầu tư phải bỏ tiền ra đầu tư, bảo trì, sửa chữa. |
Theo NLĐ