Phát hiện sách minh họa sai chân dung danh nhân VN

Thứ sáu, 22/03/2013, 08:00
PV vừa nhận được phản ánh của bạn đọc Đông A về 2 tập sách Kiến văn tiểu lục do NXB Trẻ và NXB Hồng Bàng ấn hành mắc lỗi minh họa sai chân dung danh nhân.

Theo đó, ở phần bìa tay gấp của bìa 1 quyển một sách Kiến văn tiểu lục có giới thiệu về tiểu sử, sự nghiệp của Lê Quý Đôn và ở quyển hai sách này cũng ở bìa 1 có trích lời của Lê Quý Đôn khi viết bộ sách này, bên trên phần trích dẫn có một hình ảnh chân dung.

Điều đáng nói ở đây là hình ảnh chân dung đó không phải của tác giả Lê Quý Đôn (1726 - 1784) sống vào thời Lê Trung hưng mà là của khai quốc công thần Nguyễn Trãi (1380 - 1442) thời Lê sơ.

Le Quy Don

 Hình chân dung in minh họa phía trên trích dẫn về Lê Quý Đôn.

Được biết, bức hình chân dung Nguyễn Trãi này rất quen thuộc với tất cả mọi người vì đã được in trong sách giáo khoa văn học giảng dạy trong nhà trường.

Bạn đọc Đông A có thắc mắc: “Không hiểu sao người làm bìa, hay bộ phận chế bản… lại có một nhầm lẫn tai hại làm “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như vậy?”

Le Quy Don

 Chân ung in trên bìa sách Kiến văn tiểu lục là của Nguyễn Trãi chứ không phải Lê Quý Đôn.

Ngoài ra, bạn đọc Đông A cũng phát hiện thêm một lỗi trong 2 tập sách trên, người dịch được ghi ở bìa 1 là Nguyễn Trọng Điềm thuộc Viện sử học nhưng ở phần Lời giới thiệu của Viện sử học tháng 12 năm 1961 lại ghi rõ: “Người được giao trách nhiệm dịch Kiến văn tiểu lục là đồng chí Phạm Trọng Điềm.

Đồng chí Phạm Trọng Điềm đã để ra nhiều công phu để dịch Kiến văn tiểu lục cho thật sát nghĩa”. "Đối chiếu với cuốn Kiến văn tiểu lục của NXB Văn hóa Thông tin in năm 2007, cũng chính bản dịch này, dịch giả được ghi rõ là Phạm Trọng Điềm. Vậy ngờ rằng, NXB Trẻ và NXB Hồng Bàng đã ghi sai, hoặc chí ít là không thống nhất họ tên dịch giả!", ý kiến của bạn đọc Đông A.

Khoảng 2 năm nay, NXB Trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh và NXB Hồng Bàng ở Gia Lai cùng liên kết cho ra đời Tủ sách Cảo thơm bao gồm nhiều tác phẩm sử, ký sự, sử giai thoại… là những danh tác của nước ta thời trung đại, ví dụ như Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hồ, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Đại Việt thông sử và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác…

Hiện, những tác phẩm kinh điển của các danh nhân văn hóa một thời được xuất bản góp phần phát triển nền sử học nước nhà nhưng thật nguy hiểm nếu mắc phải những lỗi sai sót như trên.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích