Quấy rối tình dục là gì? Còn phải chờ hướng dẫn

Thứ sáu, 22/03/2013, 08:06
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các thành viên ban soạn thảo về việc giải thích khái niệm quấy rối tình dục (QRTD), vì sao phạt QRTD nhân viên ở công sở cao, với người giúp việc quá thấp...
Dự thảo quy định xử phạt người có hành vi QRTD người lao động nhưng hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể QRTD thì làm sao áp dụng xử phạt được? Ban soạn thảo có dự định sẽ đưa giải thích cụm từ QRTD hay không?

- Ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH): Hiện vẫn chưa có giải thích cụ thể thế nào là hành vi QRTD nên Bộ đã trình Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép hướng dẫn thêm một số nội dung trong Bộ luật Lao động, trong đó có vấn đề giải thích từ ngữ về hành vi QRTD nơi công sở.

Điều 2 của dự thảo có nêu: “Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội không thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định này”. Vì sao lại có sự loại trừ này khi mà theo một nghiên cứu mới đây của Bộ LĐ-TB&XH, hai ngành có tình trạng QRTD nhiều nhất là y tế và giáo dục?

QRTD

- Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Phạm vi điều chỉnh của nghị định này chỉ tập trung ở đối tượng trong quan hệ lao động. Còn cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, viên chức, không thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định này.

Ban soạn thảo dựa trên căn cứ nào đưa ra mức phạt cho hành vi QRTD tại công sở phạt đến 75 triệu đồng (mức phạt cao nhất trong các hành vi vi phạm lĩnh vực lao động)? Mức cao như vậy nhằm mục đích gì?

- Ông Đặng Đức San: Mức xử phạt hành chính đối với hành vi QRTD trong lĩnh vực lao động căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, trong đó mức xử phạt hành chính cao nhất là 75 triệu đồng. Nghị định này đang trong thời gian lấy ý kiến nếu có sự vênh nhau, chúng tôi sẽ nghiên cứu điều chỉnh mức xử phạt phù hợp hơn, không nhất nhất đóng khung như trong dự thảo.

Vì sao mức xử phạt các hành vi QRTD, cưỡng bức lao động tại công sở phạt đến 75 triệu đồng (Điều 10); còn QRTD, cưỡng bức lao động với người giúp việc gia đình thì chỉ phạt cao nhất 10 triệu đồng (Điều 125)?

- Ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH: Dự thảo nghị định đăng trên website của Bộ (molisa.gov.vn) đang trong thời gian lấy ý kiến, dự kiến đến cuối tháng 3/2013 sẽ kết thúc.

Theo đó, khi tập hợp các ý kiến góp ý từ các cá nhân, đơn vị, bộ, ngành liên quan những điều khoản nào trong nghị định chưa phù hợp thì điều chỉnh, cân nhắc thêm. Sau khi tập hợp ý kiến nếu thấy mức phạt này không hợp lý, quá cao thì cần cân nhắc để điều chỉnh, gỡ bỏ, hạ mức phạt xuống cho phù hợp.

Theo GDVN

Các tin cũ hơn