Ngày 20/3, một gia đình dẫn con đến Sở Nội vụ tỉnh Long An vừa khóc vừa hỏi vì sao có chuyện kỳ lạ này. Đến lúc này lãnh đạo sở mới “té ngửa” không hiểu vì sao cơ quan chức năng huyện Bến Lức làm chuyện động trời này.
Ảnh minh họa. |
Đang làm việc, không vi phạm vẫn bị cho nghỉ việc
Theo tường trình của một số người trong danh sách 51 công chức bị “vận động” xin nghỉ việc, họ tham gia thi tuyển công chức từ năm 2008 đến nay theo thông báo tuyển dụng của huyện Bến Lức. Tất cả họ đều đang làm việc đúng chuyên môn được tuyển với hệ số lương theo quy định của Nhà nước. Không ai trong số họ vi phạm kỷ luật và đang làm tốt các công việc được giao.
Anh T. (đề nghị không nêu tên) trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức năm 2011 và được phân công làm công tác nhà đất tại một xã trong huyện Bến Lức, kể: “Tự dưng cô trưởng phòng nội vụ gọi tụi tui đến đầy đủ rồi yêu cầu tự làm đơn xin nghỉ việc. Hỏi tại sao thì cô này giải thích là để có thể ưu tiên chuyển sang những công việc bán chuyên trách. Cô này còn nói tỉnh không còn nguồn kinh phí để trả lương cho tụi tui. Nếu ai tự nộp đơn xin nghỉ thì được hỗ trợ nửa tháng lương”.
Tuy nhiên, các công chức này đều không muốn tự làm đơn xin nghỉ việc vì họ được tuyển dụng đúng quy định chứ không cầu cạnh, xin xỏ, đút lót ai để đi “cửa sau” vào các cơ quan này. Mặc dù vậy, hiện họ cũng rất lo lắng vì huyện có thể ra quyết định cho thôi việc mà không cần lý do.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kiều Nga - trưởng phòng nội vụ huyện Bến Lức - nói các cán bộ này đều thuộc chương trình tuyển biên chế dự nguồn trong thời gian từ năm 2008-2012 theo quyết định của UBND tỉnh Long An.
Theo đó, mỗi năm một xã sẽ được tuyển một cán bộ dự nguồn nhằm nâng cao chất lượng cán bộ và trẻ hóa các đơn vị hành chính. Những người này vào làm việc và hưởng lương theo ngạch công chức bình thường, chờ những người về hưu hoặc khi thừa biên chế sẽ bổ sung vào.
“Năm năm qua huyện Bến Lức tuyển được 51 cán bộ chuyên trách, nhưng do không có bao nhiêu trong biên chế rời “ghế” nên huyện đành phải vận động những người này tự xin nghỉ để có thể bổ sung vào công tác ở những vị trí bán chuyên trách khác” - bà Nga cho biết.
Bà Nga cũng nói thêm nếu các công chức này tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc, huyện sẽ dễ bố trí công việc bán chuyên trách hơn là để huyện tự quyết định cắt biên chế.
Huyện “đá” lên tỉnh, tỉnh “đá” xuống huyện
Ông Lê Vinh, phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Long An, cho biết theo quyết định về việc bố trí biên chế dự nguồn cho xã, phường, thị trấn trên địa bàn do UBND tỉnh Long An ban hành năm 2008, trong thời gian năm năm (từ 2008-2012) sẽ bố trí cho mỗi xã, phường, thị trấn một biên chế dự nguồn.
Mỗi năm chỉ được tuyển một vị trí, tối đa năm năm sẽ được tuyển năm vị trí nhưng năm nào không tuyển thì không được cộng dồn chỉ tiêu vào năm sau. Quyết định này ghi rõ tỉnh chỉ hỗ trợ nguồn kinh phí chi trả cho số biên chế dự nguồn nêu trên năm 2008, còn các năm sau do ngân sách cấp huyện đảm nhiệm.
Ông Vinh nói thêm: “Tỉnh chỉ hỗ trợ việc thi tuyển, còn huyện toàn quyền quyết định sử dụng nhân sự và cân đối ngân sách để trả lương. Việc tuyển cán bộ chỉ thật cần thiết khi thấy có vị trí còn trống trong bộ máy xã. Có lẽ do huyện Bến Lức không giải thích rõ ràng ngay từ lúc thi tuyển nên mới xảy ra chuyện hôm nay”.
Sau năm năm, huyện Bến Lức tuyển được 51 chỉ tiêu dự nguồn, trong khi các huyện khác chỉ tuyển được khoảng 30 người. Bến Lức có 15 xã, có thể tuyển tới 75 chỉ tiêu trong năm năm. Con số 51 người được tuyển là không quá số lượng quy định. Dù vậy cũng không sử dụng hết.
Thế nhưng ngày 21/3, ông Huỳnh Quốc Việt, chủ tịch UBND huyện Bến Lức, lại khẳng định kinh phí trả lương cho số cán bộ dự nguồn này là do UBND tỉnh cấp chứ không phải chỉ cấp một năm 2008.
“Tự dưng tỉnh ra thông báo hết quý 1-2013 sẽ không còn cấp lương nữa, nên chúng tôi đành phải bố trí lại chứ không thể có kinh phí trả lương cho những người này. Các phòng ban nào còn biên chế thì bố trí vào, còn lại đành phải cắt ngạch lương và bố trí được ở đâu thì bố trí” - ông Việt nói.
Đến chiều 21/3, theo tin mới nhất chúng tôi nắm được, Phòng nội vụ huyện Bến Lức chỉ sắp xếp giữ nguyên chuyên môn và biên chế cho 20 người, 31 người sẽ bị cắt biên chế. Trong đó 15 người sẽ làm việc bằng hợp đồng không chuyên trách.
Huyện làm không đúng luật Lý do cắt giảm công chức là huyện Bến Lức (Long An) không có tiền để trả lương. Tuy chưa rõ tỉnh có lỗi trong việc hỗ trợ kinh phí cho huyện hay không thì vẫn phải thấy rằng huyện đã làm không đúng quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008. Theo luật này, việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Nguyên tắc tuyển dụng công chức là phải tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm.Trong đó cần lưu ý: “công chức hai năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có hai năm liên tiếp, trong đó một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác. Công chức hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc” (khoản 3 điều 58). Ngoài việc phải thôi việc nếu có hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ như điều khoản này đã quy định, công chức còn được giải quyết cho thôi việc nếu thuộc một trong hai trường hợp: do sắp xếp tổ chức, theo nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý (điểm a, b khoản 1 điều 59). Như vậy việc tuyển dụng trước đây của huyện có đảm bảo đầy đủ các căn cứ, nguyên tắc nêu trên hay không và nếu đã làm đúng thì tại sao lại buộc nghỉ việc và giờ là “cho ra rìa” 31 công chức khi họ không thuộc những trường hợp cho thôi việc hoặc phải bị “điều” đi nơi khác hoàn toàn ngoài ý muốn? Theo tôi, nếu không đồng ý với cách xử lý đã nêu, những người liên quan có thể khiếu nại yêu cầu cơ quan sử dụng công chức xem xét, giải quyết. |
Theo Tuoi tre