Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên tại Hà Nội vừa được Sở Giao thông Vận tải khởi công. Tuyến xe buýt vận chuyển hành khách khối lượng lớn dài 14 km có điểm đầu ở bến xe Kim Mã, qua Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài - Lê Trọng Tấn - Quang Trung - Ba La - và điểm cuối là bến xe Yên Nghĩa.
Bến xe Kim Mã đang dừng hoạt động để xây dựng hệ thống nhà chờ.
Thay vì dừng đón khách ở các điểm đậu trên lề đường như hiện nay, xe buýt nhanh sẽ đón khách ở dải phân cách giữa đường. Vị trí nhà chờ sẽ ở gần ngã tư nên hành khách đi theo vạch sơn kẻ đường tại các nút giao thông để tiếp cận xe buýt. Hành khách sẽ sử dụng vé từ, được tự động soát vé trước khi vào nhà chờ.
Trên đường Lê Văn Lương kéo dài (công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long), làn đường trong cùng sát thảm cỏ được quây tôn để phục vụ thi công.
Lớp nhựa đường trên toàn tuyến được bóc ra và thay thế bằng lớp bê tông dày...
... cao hơn mặt đường hiện tại chừng 10 cm.
Tuy nhiên, có đoạn bê tông vừa đổ xong đã xuất hiện vết nứt.
Các tuyến đường còn lại như Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Trọng Tấn, Quang Trung chưa được thi công.
Riêng đoạn Yên Nghĩa - Ba La sẽ không mở rộng theo chỉ giới quy hoạch mà chỉ cải tạo, nâng cấp mở rộng mặt đường cũ đảm bảo bề rộng, tăng cường kết cấu mặt đường. Suốt chiều dài 14 km của tuyến buýt nhanh, sẽ có 2,5 km xe phải đi chung với các phương tiện khác, còn lại là đi theo làn đường riêng.
Hệ thống cơ sở vật chất, bến đậu, nhà chờ tại Bến xe Yên Nghĩa được xây dựng khá hoàn thiện. Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội, xe buýt nhanh sẽ chạy tần suất 3-5 phút một chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km một giờ. Các xe đều có hệ thống GPS kết nối với trung tâm điều hành để giải quyết các sự cố phát sinh. Tại nút giao thông cũng có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh. |
Buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa là một trong hai tuyến được Hà Nội khảo sát, lập dự án từ năm 2004. Tuy nhiên, mới đây Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã có quyết định tạm ngừng triển khai tuyến Kim Mã - hồ Hoàn Kiếm do mặt đường không đảm bảo diện tích cho xe buýt nhanh hoạt động. Tổng đầu tư của dự án xe buýt nhanh bao gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 49 triệu USD bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng. Dự kiến tuyến xe buýt nhanh này sẽ hoạt động từ đầu năm 2015. |
Theo VNE