Gặp người lạ, những người trong xóm rất ngại nói chuyện, bởi họ xấu hổ về hàm răng sún của mình. Ở xóm này, ngoài cái tên xóm Mía, người ta còn gọi bằng cái tên: “Xóm rụng răng”.
Từ rụng cho đến mòn, ăn cháo thay cơm
Rời trung tâm TP. Tuy Hòa chúng tôi ngược về hướng Tây, men theo QL 25 để tìm về thôn Cẩm Thạch. Từ đầu kênh Chính Bắc thuộc hệ thống thủy nông Đồng Cam rẽ vào một con hẻm nhỏ hỏi thăm về xóm “rụng răng” hầu như ai cũng biết đến.
Anh Nguyễn Quốc Lâm (45 tuổi) một người dân bản địa cho biết: “Ở cái xóm này từ già đến trẻ ai cũng bị rụng răng. Mấy chú theo tôi, tôi dẫn vào cho, họ rất ngại nói chuyện khi thấy người lạ. Cả cái xóm này ít đi đâu chơi lắm. Ra đồng làm ruộng rồi trốn hẳn vào nhà. Các chú cần phải khéo léo hỏi chuyện với họ, cũng tại cái hàm răng mà ra nên ai cũng ngại tiếp xúc. Tội nhất mấy đứa nhỏ luôn tự ti về bản thân”.
Xung quanh con đường làng là những ruộng lúa tốt tươi, thi thoảng lại bắt gặp những ngôi nhà cấp 3, cấp 4. Ở cái xóm nhỏ này, hầu như nhà nào cũng trồng mía và cỏ.
Ngôi nhà mà chúng tôi tìm đến nằm trên một ngọn đồi đầu xóm. Ban đầu, chị Nguyễn Thị Trần (34 tuổi) không dám mở miệng khi thấy khách lạ vì sợ phải “khoe” hàm răng “xấu xí” của mình. Sau một hồi chị mới chịu trải lòng.
Chị Trần chỉ còn 6 chiếc răng nằm hàm dưới, tuy nhiên hai chiếc đã mòn sát nướu (lợi), 4 cái khác ngả sang màu đen. Lúc 20 tuổi răng chị bắt đầu ngả màu đen, sau đó cùi cụt dần, đến khi 32 tuổi còn đúng 6 cái. Đến giờ chị cũng chẳng hiểu tại sao tất cả mọi người sống ở đây đều bị rụng răng.
Chị Trần, chua xót nói: “Nếu lấy mền trùm lên người chỉ để lộ hàm răng, người ta sẽ nghĩ tôi là bà lão 60 - 70 tuổi chứ không biết còn trẻ. Gia đình tôi ai cũng vệ sinh răng miệng sạch sẽ, nhưng khi lớn lên, tới tuổi là răng lại rụng”.
Rời nhà chị Trần, chúng tôi tới ngôi nhà anh Tiến (42 tuổi) đúng vào lúc gia đình anh đang ăn cơm trưa sau một buổi đồng áng đầy mệt nhọc. Mâm cơm gia đình anh, ngoài nồi cơm còn có xoong cháo nóng hổi đặt kế bên. Những miếng thịt được xé nhỏ, cắt vụn để dễ ăn và tiêu hóa tốt.
Theo như anh Tiến, gia đình anh đã dùng cháo thay cơm gần một năm nay, cả 4 người đều bị rụng răng, người nhiều thì hơn 25 chiếc, có người chỉ còn 8 chiếc. Sau khi ăn cơm xong, cả nhà mở truyền hình xem phim. Những đoạn hài hước trong phim, cả nhà cười phá lên nhưng đều phải dùng tay che miệng.
Anh Tiến tâm sự mà như mếu: “Buồn nhất là những lúc đi ăn tiệc của bà con mời, tôi không dám hé miệng to, đặc biệt là ở đám cưới nhiều lúc cũng muốn lên sân khấu hát vài bài góp vui hai họ nhưng nghĩ lại hàm răng của mình nên thôi. Nhưng sợ nhất là trong buổi tiệc, người ta thấy hàm răng đen xì của tôi rồi không dám ăn”.
Anh Nguyễn Quốc Lâm cho biết, những đứa trẻ ở xóm Gò Mía khi sinh ra, răng đều phát triển khá bình thường, nhưng khi bắt đầu lên 10 tuổi thì một vài cái sẽ có biểu hiện ngả vàng. Đến độ tuổi dậy thì một số bị mòn dần còn một số khác thì bị chuyển từ vàng sang màu đen. Đến khi lập gia đình thì răng bắt đầu rụng chỉ còn vài cái. Tội nhất là những cô nàng đang độ tuổi mới lớn, mặt lúc nào cũng có nét buồn, khi cười chẳng bao giờ thoải mái, thường giật mình che miệng trước khách lạ. Còn bà con ở đây khi rảnh rỗi lại tụ họp với nhau tất cả chỉ bàn về chuyện răng. “Răng của bà giờ sao rồi, còn mấy cái?” hay “Tối hôm qua răng tôi bị bể một miếng to tướng”…
Nguồn nước được xem là nguyên nhân lớn nhất gây rụng răng.
Có tiền trồng răng giả mới dám cười
Rất nhiều người ở xóm Gò Mía sau mỗi mùa ruộng, họ lại bán lúa và gạo để dành tiền lắp răng giả, sửa lại hàm răng. Tuy nhiên cứ mỗi một năm lại đi “bảo trì” lại một lần. Chồng làm ra tiền lại phải để dành cho vợ đi khám răng. Sợ nhất có lẽ là những gia đình nào có con gái. Hầu hết đều phải lo chạy mượn tiền đi làm răng để tránh bị “ế”, vì nếu có xinh đẹp đến mấy mà cứ để hàm răng “già nua” như vậy thì sẽ khó mà lấy chồng.
Em Nguyễn Thị Bách (17 tuổi) cho biết: “Tết vừa rồi em để dành tiền lì xì cộng thêm tiền của mẹ để xuống phòng răng TP. Tuy Hòa trồng răng giả tốn hơn 5 triệu đồng. Hàm răng của em giờ đã khá hơn trước. Trước kia vào lớp học rất ngại phát biểu với thầy cô, mọi người cứ bảo em không hòa đồng. Sau khi đi bác sĩ nha khoa về em có thể cười thoải mái. Nhưng cứ vài năm lại phải tiếp tục bỏ tiền để tu bổ lại, không thì cũng sẽ vàng hoe rồi đen đúm mà thôi”.
Dạo quanh xóm Gò Mía vài ba vòng chúng tôi nhận thấy, có đến gần 20 hộ gia đình có con gái đến độ tuổi “dựng vợ gả chồng” nhưng rất ít chàng trai tìm đến. Khuôn mặt các cô gái rất dễ thương nhưng ngặt một nỗi hàm răng đã vô tình làm mất đi nét đẹp của tuổi xuân thì. Người dân lo lắng cho những đứa trẻ, có người còn nói vui, từ cái tên “xóm rụng răng” hơn chục năm nữa có thể đổi thành xóm “ế chồng, ế vợ”.
Ở xóm Gò Mía, cứ cuối tháng là lại vài ba người đón xe buýt đi trám răng, trồng răng. Tuy nhiên cứ một thời gian ngắn lớp men trám răng bong tróc rơi ra ngoài rất khó nhìn.
Chị Nguyễn Thị Trần kể lại lần rụng răng mới đây nhất của mình: “Cách đây hơn một tháng, đang làm ruộng bỗng trời nắng gắt nên ghé vào bụi cây nghỉ mát uống miếng nước. Khi đưa nước vào miệng phát hiện răng rơi thành miếng nhỏ, dùng sức quai hàm cắn mạnh chúng mềm như thịt hầm. Bỏ tiền đi trám bao nhiêu thì rụng bấy nhiêu. Có người nói vui, nếu ai lên xóm Gò Mía đầu tư mở ngay một phòng khám nha khoa sẽ có rất nhiều khách, làm mệt nghỉ”.
Xóm Gò Mía nằm cô lập giữa cánh đồng đầy gió, trước kia, xóm này chỉ có vài người ở, những ai nghèo khó không có tiền mua đất mới vào đây khẩn hoang xây nhà ở tạm. Những năm 2000 nhiều người bắt đầu kéo về đây sinh sống ngày càng nhiều. Hiện tại xóm đã có hơn 25 hộ với 100 nhân khẩu cư ngụ. Cuộc sống của họ đã bị những hàm răng “khó nhìn” trên cơ thể làm đảo lộn. Thời chiến tranh nơi đây có rất nhiều người chết, một số người nơi khác đồn thổi ắt hẳn Gò Mía phải có ma, quỷ ám mới dẫn đến rụng răng nhiều như thế.
Cả tin vài người dân đã gọi thầy cúng về giải trừ ma quỷ. Nhưng nguyên nhân lớn nhất mà nhiều người đưa ra, chính là nguồn nước. Tuy nhiên có một điều kỳ lạ, chỉ những ai sinh ra và lớn lên tại xóm Gò Mía trong khoảng 40 năm trở lại đây mới mắc chứng bệnh lạ lùng này. Riêng những người sinh ra nơi khác, về đây lập nghiệp, sinh sống không hề xảy ra tình trạng nói trên. Mạch nước ở Gò Mía khá dồi dào, cách vựa nước nóng Phú Sen vài trăm mét. Đất nơi đây khá màu mỡ và tơi xốp, giếng đào xuống 3m đã có nước. Một số hộ gia đình đào giếng chỉ dùng nước tắm, tưới cây trồng. Nhà nào giàu mua nước lọc để dùng cho việc rửa rau, nấu cơm, còn những gia đình khó khăn đành bỏ công sức lội bộ vài cây số bên trong suối lấy nước về uống, tuy nhiên mọi chuyện vẫn không hề thay đổi.
Theo lời kể người dân, đã nhiều lần bà con nhờ cơ quan chức năng xuống tìm hiểu điều tra nguyên nhân. Nhiều lần Sở Y tế và Tài nguyên Môi trường tỉnh đã xuống lấy mẫu nước, đất để kiểm tra nhưng vẫn không thấy khả quan.
Ông Nguyễn Phi Hổ (Phó chủ tịch UBND xã Hòa Định Tây) cho biết, đã nhiều lần ngành y tế và môi trường xuống thôn Cẩm Thạch kiểm tra nguồn nước. Trước kia, lo ngại sức khỏe đã xây dựng công trình nước sạch hơn 3 tỷ đồng. Nhưng một thời gian sau, do thói quen và đường sá đi lại, người dân vẫn lấy nước suối về sinh hoạt dẫn đến việc hệ thống cấp nước bị hỏng do để lâu không có người sử dụng. Việc nhiều hộ xài chung một nguồn nước có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rụng răng kỳ lạ ở nơi này.
Mỗi ngày trôi qua, từng mẻ răng của người dân ở xóm Gò Mía lại tiếp tục rơi rụng. Họ chỉ ước một lần có hàm răng trắng tinh, đều tăm tắp như bao người khác. Chúng tôi tự hỏi, không biết khi nào bà con thoát nghèo khi mà bao nhiêu tiền dành dụm được họ lại đổ vào nha sĩ, nghèo lại hoàn nghèo. Trước một niềm vui nào đó họ chẳng dám cười “thả ga”, cứ cười chúm chím, móm mén rất tội nghiệp.
Theo An ninh thủ đô