Hà Nội vừa có văn bản gửi tới Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ cùng nhiều đơn vị báo chí về các vấn đề liên quan tới Dự án đường Vành đai 2 (đường Trường Chinh).
Theo đó, hiện nay Dự án đường vành đai 2 đang được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, gần đây phát sinh một số vướng mắc: Một số hộ dân khiếu nại về việc GPMB.
Ngoài ra, một số báo đài, phương tiện thông tin đại chúng phản ánh ý kiến nhiều chiều về việc xác định chỉ giới đường đỏ một phần tuyến đường (đoạn qua khu đất do Quân chủng Phòng không – Không quân quản lý, với chiều dài 800 m).
UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại liên quan đến công tác GPMB theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời làm rõ một số nội dung báo chí nêu.
Đã lấy ý kiến cộng đồng?
Ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội |
Để rộng đường dư luận, ông Nguyễn Thịnh Thành - Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND thành phố vừa làm rõ cơ sở của việc xác định chỉ giới đường đỏ của tuyến đường này.
Ông Thành cho hay, căn cứ định hướng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tỷ lệ 1/10.000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hà Nội đã triển khai cụ thể hóa, lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (nay là quy hoạch phân khu) quận Thanh Xuân, quận Đống Đa và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các nút giao thông Ngã Tư Vọng, nút giao thông Ngã Tư Sở.
Theo quy hoạch chi tiết quận Đống Đa tỷ lệ 1/2000 thì đường Vành đai 2, đoạn từ phố Tôn Thất Tùng - hồ Hố Mẻ đến Cống Chéo sông Lừ (dài khoảng 800m) được xác định hướng mở rộng chủ yếu về phía Nam đường Trường Chinh hiện có.
“Các quy hoạch chi tiết khu vực đã được lấy ý kiến cộng đồng và công bố công khai theo quy định”, ông Thành khẳng định.
Ngoài ra, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội cho biết thêm, trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, đồng thời từ thực trạng tuyến đường, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo quốc phòng và phát triển kinh tế, xã hội... UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức lập và phê duyệt chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 2 làm cơ sở để triển khai dự án mở rộng đường.
Từ năm 2000, UBND Thành phố giao nhiệm vụ cho Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội xác định chỉ giới mở rộng đường Trường Chinh.
Hà Nội chưa thấy bất cập nên có thể sẽ không xem lại chỉ giới đường đỏ của đường Trường Chinh |
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 07/3/2000, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội đã làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân giới thiệu các phương án mở rộng đường Trường Chinh qua khu vực Quân chủng Phòng không - Không quân để lấy ý kiến thỏa thuận.
Sau khi làm việc với Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội và nghiên cứu phương án dự kiến mở rộng đường Trường Chinh, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đã có công văn đề nghị mở đường Trường Chinh đoạn từ hồ Hố Mẻ đến Cống Chéo (Sông Lừ) như sau:
Phía Bắc đường Trường Chinh: lấy mép đường phía Bắc sâu vào 7m. Phía Nam đường Trường Chinh sẽ phát triển cho đủ theo mặt cắt của đường là 53,5m. Việc mở rộng xuống phía Nam đoạn đường trên không làm ảnh hưởng đến Quy hoạch của Quân chủng và các công trình ngầm và nổi của Quân chủng”.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Quốc phòng, qua khảo sát, đo đạc, lập bản đồ và đánh giá hiện trạng tuyến đường, cũng như xem xét các yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, kinh tế - xã hội, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo yêu cầu về quốc phòng, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 19/2008/QĐ-UB ngày 31/3/2008, phê duyệt Chỉ giới đường đỏ đường vành đai II.
Riêng đoạn từ Cống Chéo đến hồ Hố Mẻ tuyến đường được mở rộng chủ yếu về phía Nam (phía Bắc mở rộng từ mép đường vào 6m, thuộc phần đất của một số cơ quan và gia đình đang quản lý, sử dụng; phía Nam mở rộng đủ mặt cắt tuyến đường là 53,5m, thuộc phần đất của quân đội và đất công cộng). Do đó đã tạo ra đường cong kết nối với bán kính R=600 (đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật bán kính tối thiểu R=250).
"Như vậy, quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh được tiến hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định, có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các cơ quan chức năng của Thành phố với Quân chủng Phòng không - Không quân, giữa UBND Thành phố với Bộ Quốc phòng.
Chỉ giới đường đỏ được xác định phù hợp với với quy hoạch và thực trạng xây dựng trên tuyến đường, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, hiệu quả kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng”, ông Thành khẳng định.
Thi công xong là hết cong?
Trên cơ sở thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt và mặt bằng đã được giải phóng, Chủ đầu tư đã tổ chức thi công gói thầu xây dựng số 01 (đoạn hồ Hố Mẻ đến Cống Chéo sông Lừ) và gói xây dựng số 4 (cầu L5 - cầu Sông Lừ) vào tháng 10/2013.
Đến nay, gói thầu xây dựng số 01 đã thi công xong hệ thống thoát nước, bó ống kỹ thuật, thảm bê tông nhựa hạt thô được phần đường bên phải tuyến (dài 620m) và đã được phân luồng giao thông để thi công tiếp làn đường bên trái tuyến.
Dự kiến hoàn thành đoạn đường này vào quý I năm 2015; toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015.
Nói về hình ảnh dải phân cách và tuyến đường uốn cong mà một số báo bình luận là “cong như ghi đông xe đạp”, người phát ngôn của UBND thành phố lý giải: “Do tuyến đường đang thi công, cần phân luồng tạm để đảm bảo an toàn giao thông, khi đoạn đường được thi công xong, dải phân cách sẽ được tháo dỡ, hình ảnh con đường sẽ không như vậy”.
Cũng theo ông Thành, qua khảo sát thực tế, nếu xác định tuyến đường đi thẳng thì phải mở rộng đường về phía Bắc, tổng diện tích đất thu hồi tăng thêm về phía Bắc (thuộc quận Đống Đa, từ hồ Hố Mẻ đến Cống chéo sông Lừ) là 16.239m2.
Đồng thời phải cấp đất cho các cơ quan để làm trụ sở mới do bị thu hồi hết và gần hết đất. Không chỉ thế, các công trình kiến trúc trên đất cơ bản phải phá dỡ, hồ điều hòa Hố Mẻ bị thu hẹp diện tích, ảnh hưởng đến tiêu thoát nước của khu vực.
Dự toán kinh phí bồi thường tăng thêm khoảng 193 tỷ đồng, 9 cơ quan phải phá dỡ và cấp đất xây trụ sở mới, thêm 11 hộ phải phá dỡ hết nhà cửa, thêm 7 hộ phải giải phóng mặt bằng.
“Do vậy, chỉ giới đường đỏ được xác định như hiện nay, đảm bảo các yêu cầu cả về kinh tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và quốc phòng (số tiền giải phóng mặt bằng, mức đầu tư dự án, số hộ gia đình và cơ quan bị ảnh hưởng bởi dự án ít hơn so với phương án đường đi thẳng, hạ tầng kỹ thuật đô thị khu vực được đảm bảo)”, ông Thành nhấn mạnh.
Sự việc đường Trường Chinh cong như “ghi đông xe đạp” đang gây bất bình trong đông đảo nhân dân thủ đô.
Nhiều người cho rằng, đoạn đường Trường Chinh bị bẻ cong làm giảm tốc độ xe chạy, đồng nghĩa với việc hạn chế năng lực thông hành đường phố, dễ dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông giờ cao điểm. Đó là điều tối kỵ về mặt kỹ thuật đối với một tuyến đường vành đai thủ đô.
Trước luồng dư luận trái chiều này, sáng 18/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội, Bộ Quốc phòng báo cáo về việc nắn đường Trường Chinh.
Theo VTCNews