Những phát ngôn 'lịch sử' của ngành y

Thứ sáu, 18/04/2014, 11:18
Tính đến nay, số ca tử vong vì sởi, chỉ riêng ba bệnh viện lớn ở Hà Nội đã là 112 trẻ, không phải 25 trẻ như Bộ Y tế công bố. Cùng điểm lại những phát ngôn "lịch sử" của ngành y trong các vụ việc nổi cộm thời gian qua.

Dịch sởi bùng phát ở các bệnh viện Trung ương suốt tháng qua gây hoang mang cho người dân. Song, tại các cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cam đoan, các ca mắc sởi đã giảm xuống mức thấp, chỉ còn 25 ca/tuần (trong khi thời gian cao điểm tháng 2/2014 có đến 300 ca mắc/tuần).

Chỉ đến ngày hôm qua, khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi thị sát, mới có con số thật về trẻ tử vong do sởi và biến chứng sau sởi: chỉ riêng ba bệnh viện lớn ở Hà Nội là 108 trẻ, không phải 25 trẻ như Bộ Y tế nói. Đứng trước các thông tin này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định Bộ Y tế không giấu dịch.

Dịch sởi biến chứng nguy hiểm đang khiến các bệnh viện lớn quá tải. Ảnh Kiến Thức.

Dịch sởi biến chứng nguy hiểm đang khiến các bệnh viện lớn quá tải. Ảnh Kiến Thức.

Cùng điểm lại những phát ngôn "lịch sử" của ngành Y trong các vụ việc nổi cộm thời gian qua.

Tả hay "tiêu chảy cấp nguy hiểm"

Năm 2008, khi dịch tả bùng phát và có nhiều người tử vong, các quan chức y tế vẫn cho rằng phải gọi bệnh danh là "tiêu chảy cấp nguy hiểm". Giải thích cách định danh này, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn trong một trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Người Lao Động nói: "Cụm từ tiêu chảy cấp nguy hiểm không chỉ được dùng riêng ở VN. Khi chúng ta nói là dịch tiêu chảy cấp trong đó có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả là bởi không phải 100% bệnh nhân tiêu chảy cấp đều do tả mà còn do nguyên nhân khác".

Nhưng giới y khoa và dịch tễ học thì cho rằng bệnh danh chính xác là "bệnh tả". TS Nguyễn Trần Hiển (Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) và GS Nguyễn Lân Dũng đều đề nghị nên thẳng thắn gọi chính xác tên bệnh: Tả thay vì "tiêu chảy cấp nguy hiểm".

Bệnh viện Hoài Đức: Thanh tra y tế đến là họ đưa vở sạch chữ đẹp ra

Bày tỏ bằng sự đau lòng và chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói "ăn gian cũng không ai hình dung được". Tuy nhiên, bà giải thích trong Luật Tiêm chủng đã có quy định trách nhiệm cụ thể từ Chính phủ, Bộ Y tế, các địa phương và cả bệnh viện. Trong vụ Hoài Đức thì đã có thông tư 01 quy định rất rõ, "người cố tình làm sai chỉ có nội bộ mới biết, chứ thanh tra thì chịu. Thanh tra đến là họ đưa vở sạch chữ đẹp ra" - bà Tiến phân trần.

Bà Tiến cũng tiết lộ: Sau khi vụ Hoài Đức bị phát hiện, bà đã ký quyết định khen thưởng cho người phát hiện ngay, nhưng phía công an lại nhắc chúng tôi khoan đã, vì còn nhiều vấn đề (trích báo Lao động, 26/09/2013).

Quá nhiều vụ việc chấn động dư luận đã xảy ra trong ngành Y tế thời gian gần đây.

Ba trẻ tử vong ở Quảng Trị: Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin

Bộ trưởng cũng cho biết, trong chuyến công tác, bà đã chỉ đạo đoàn công tác của Bộ Y tế tìm nguyên nhân, khắc phục hậu quả. Cùng với đó, bà và lãnh đạo chính quyền địa phương, Sở Y tế Quảng Trị... họp thống nhất các phương án khắc phục.

"Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật", nữ Bộ trưởng nói (Người lao động 24/07/2013).

Chụp ảnh bác sĩ nhận phong bì gửi cho tôi

Công cuộc chống tệ nạn phong bì như cuộc đấu tranh thiện - ác lâu dài, không thể một sớm một chiều. Đội ngũ cán bộ, bác sĩ ngành Y vì hình ảnh, danh dự của nghề nghiệp mà thay đổi hành vi, không nhận phong bì. Cử tri, nhân dân cả nước cương quyết không đưa phong bì cho cán bộ, bác sĩ, thậm chí tham gia giám sát, phát hiện, chụp ảnh, ghi tên cán bộ y tế nhận phong bì gửi trực tiếp cho Bộ trưởng và giám đốc bệnh viện để xử lý. Với nỗ lực của cả từ hai phía, trong tương lai, hình ảnh y đức sẽ tốt lên (VietNamNet, 15/11/2013).

Nhận phong bì là "tấm lòng của người bệnh"

"Cấm cán bộ y tế nhận phong bì, quà cáp trước và trong quá trình điều trị nhưng không cấm bác sĩ nhận quà sau điều trị, vì đó là tấm lòng của người bệnh...".

"Trong miền Nam, bệnh nhân đưa phong bì cho bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi và nói "nếu bác sĩ không nhận quà thì bệnh của tôi không khỏi được. Quà này là quà nghĩa tình", Bộ trưởng giải thích (Đất Việt 30/12/2013).

Tôi đâu có cho phép nhận phong bì sau điều trị

Trả lời chất vấn ĐBQH Đặng Thuần Phong, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: "Tôi đâu có cho phép nhận phong bì sau điều trị"!

Về băn khoăn chất lượng dịch vụ y tế chưa tương xứng với viện phí sau điều chỉnh, bà Tiến cho biết: "Chưa tương xứng ở thời điểm mới điều chỉnh, còn nay đã có nhiều đổi mới rồi. Tuy nhiên điều này không thể một sớm một chiều, vì đặt một cái giường có khi phải mất cả tháng", (Tuổi Trẻ 19/04/2013).

Tăng viện phí là thành tựu y tế

Ngày 4/1, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định công bố 10 thành tựu tiêu biểu của ngành y tế năm 2012. Theo đó, việc tăng giá một số dịch vụ y tế là một trong những thành tựu hàng đầu. Tiếp đó, dù "bệnh lạ" viêm dày sừng bàn chân, bàn tay ở Quảng Ngãi chưa tìm ra căn nguyên rõ ràng nhưng đã thành công trong việc khống chế (Dân Việt 05/01/2013).

Nên có tem cá sạch

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kêu gọi người tiêu dùng thông thái nhưng ra chợ thì làm sao biết được thịt, cá, thực phẩm nào là sạch. "Có tem rau sạch rồi thì nên có tem thịt bò sạch, tem cá sạch, gà sạch. Muốn người tiêu dùng thông thái thì nhà quản lý phải lo cho dân" - bà Tiến yêu cầu. (Tuổi trẻ 06/01/2013)

Rèn y đức - một mình ngành y không làm được

Để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, Bộ trưởng cho biết đã và đang triển khai nhiều nội dung song bà cũng lưu ý nhân cách con người được hình thành, nuôi dưỡng, phát triển và chịu ảnh hưởng của gia đình, trường học và toàn xã hội.

"Việc giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ thầy thuốc là việc làm thường xuyên của ngành. Tuy nhiên, sự đơn độc của ngành y tế trong việc giáo dục và nâng cao y đức sẽ không thể xây dựng một đội ngũ cán bộ thầy thuốc giỏi y thuật, sáng về y đức", Bộ trưởng nói. (Tuổi trẻ 31/12/2013)

Không đưa phong bì mà đưa tiền nhét vào túi

"Chuyện cán bộ y tế nhận phong bì từ tay bệnh nhân là không được phép. Nhưng ở đâu đó, do quá tải, do chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng, nên người nhà bệnh nhân mong muốn được khám trước, được khám kỹ hơn thì bệnh nhân có đưa tiền. Theo chúng tôi quan sát thì không phải là đưa phong bì mà là đưa tiền nhét vào túi. Nhưng là điều dưỡng, người thay băng". (Tuổi trẻ 31/12/2013)

Khám bảo hiểm y tế sao khổ thế!

Nhắc đến những nhiêu khê trong việc khám chữa bệnh BHYT, bà Bộ trưởng tỏ rõ sự bực bội: "Khám bảo hiểm y tế từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa vẫn chưa khám bệnh cho người già, không thể để như thế được. Từ lúc đi khám đến lúc trả tiền rồi chờ nhận kết quả xét nghiệm cho đến ra lấy thuốc... sao mà nó khổ thế cơ chứ. Một giường bệnh từ 2 - 3 bệnh nhân nằm, tôi lúc nào cũng bức xúc về chuyện này." (Dân trí 14/08/2012)

Cứ vào bệnh viện là thấy buồn

"Cách đây 5, 10 năm cho đến gần đây, sao bệnh viện của mình không thể xanh sạch đẹp, khoa khám bệnh chật chội? Bệnh nhân phải chờ 6 -10 tiếng mới đến lượt khám bệnh, công nghệ thông tin ứng dụng không đồng bộ. Cứ ra các nước bên cạnh như Thái Lan, Singapore thấy bệnh viện của họ xanh, sạch đẹp ngăn nắp, nhưng bệnh viện nước mình thì không.

Cái này phụ thuộc rất nhiều vào các đồng chí lãnh đạo bệnh viện. Vào đến bệnh viện thì khổ sở, nguyên nhân do cơ chế tài chính, cơ sở hạ tầng, quản lý bệnh viện chưa hiệu quả". (VietNamNet 06/12/2012)

Ăn chi toàn là đồ bẩn!

"100% mứt các loại ngâm chất tẩy trắng công nghiệp, gần 50% dụng cụ sản xuất bẩn, 50% nước uống đóng bình nhiễm vi sinh. Đúng là quá bẩn, ăn chi toàn là đồ bẩn!". Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhìn nhận thực tế bất cập này tại TP.HCM. (Người lao động 18/12/2011)

Theo VietNamNet

Các tin cũ hơn