Trong cuộc họp báo mới đây, Thanh tra Chính phủ, sau nhiều giải thích… sâu về bản chất công vụ của các thanh tra, cuối cùng mới cho biết mức thu nhập của Tổng thanh tra Chính phủ vào khoảng 18 triệu/tháng, Phó tổng thanh tra khoảng 15 triệu/tháng.
|
Thu nhập của Tổng thanh tra Chính phủ được công bố khoảng 18 triệu đồng/tháng. |
Đây là một trong những lần hiếm hoi, thu nhập của các quan chức cấp cao được hé lộ. Người ta nhận thấy, dường như có một sự dè dặt của các quan chức khi đề cập đến mức thu nhập cụ thể của mình.
Từ trước tới nay, cũng chưa bao giờ có một bản chi tiết các khoản thu nhập mà một công chức trong hệ thống chính quyền từ trung ương tới địa phương được công bố. Trong khi lẽ ra, quan chức, hay công chức là những người phục vụ nhân dân, hưởng thu nhập từ tiền thuế của nhân dân đóng góp, thì các khoản thu nhập đều phải được công khai, minh bạch. Vì xét cho đến cùng, đây là một trong những biện pháp mà Đảng và Nhà nước thấy cần thiết phải dùng để phòng chống tham nhũng.
Người dân có quyền đặt câu hỏi, vì sao thu nhập của cán bộ, đảng viên lại phải “dè dặt” công khai như thế?
Trở lại với thu nhập của Tổng thanh tra và các Phó tổng thanh tra. 18 triệu đồng/tháng, tính ra thu nhập của một quan chức cấp cao, nắm giữ và quyết định sự trong sạch của hệ thống công quyền chỉ đạt mức 216 triệu đồng/năm, tương đương khoảng hơn 10.000 đô la Mỹ/năm. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng có thể thấy, mức lương của Tổng thanh tra Chính phủ chỉ bằng 1/30 so với mức thu nhập 379,562 đô la Úc của thủ hiến tiểu bang Queensland.
Chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Với 18 triệu đồng/tháng, có lẽ Tổng thanh tra Chính phủ, nếu phải một mình nuôi gia đình, con cái ăn học… thì số thu nhập này cũng chỉ là “giật gấu vá vai”.
Chắc hẳn, nhân dân không bao giờ yêu thích sự nghèo khó, cũng chẳng vui vẻ gì khi “công bộc” của mình thu nhập còm cõi. Nếu thu nhập của quan chức, công chức Việt Nam, ngang bằng, hoặc thậm chí là cao hơn các nước khác, thì đó là điều đáng tự hào, là điều mà tất cả mọi người đều mong muốn.
Khi quan chức, công chức giàu có, điều đó có nghĩa là người dân làm ăn tốt hơn, đã trở nên giàu có hơn, đã nộp thuế nhiều hơn, sức mạnh nền kinh tế đã mạnh hơn, đất nước đã giàu hơn như mong muốn của các vị tiền nhân.
Quan chức Chính phủ, và mọi công chức nếu có thu nhập cao, chắc chắn sẽ có lợi cho người dân hơn là có hại. Họ sẽ toàn tâm toàn ý cho sứ mạng phục vụ cộng đồng, ít, thậm chí là không nhũng nhiễu người dân, ít tìm kiếm các khoản thu nhập bất minh, ít “vẽ vời” để thu lợi bất chính. Và hệ quả tất nhiên, tham nhũng sẽ chẳng còn đất sống, người dân sẽ chẳng bị “hành là chính”, nền công vụ sẽ thực sự mang tính chất phụng sự xã hội!
|
Biệt thự của cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền gây ra nhiều dư luận. |
Vì lẽ ấy, quan chức hay công chức nếu giàu có, nhiều tài sản cũng chẳng phải là điều gì xấu xa, cần phải dè dặt. Sự dè dặt công bố mức thu nhập của các quan chức, công chức, phải chăng xuất phát từ tình trạng chưa minh bạch? Người dân có quyền đặt câu hỏi về mối liên quan giữa mức thu nhập của quan chức, công chức đối với những tài sản mà họ cùng gia đình nắm giữ.
Dù Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng có giải thích rằng: “chồng làm thanh tra nhưng có vợ làm kinh doanh, bố làm thanh tra nhưng con làm kinh doanh… Vì thế chúng ta không nên gắn thu nhập cụ thể của một người với với tài sản mà người ta phải kê khai”, thì mối quan hệ lợi ích trong giải thích này cũng là điều mà dư luận vẫn phải đặt dấu hỏi.
Vì thế, sự dè dặt trong việc công bố thu nhập của quan chức, công chức hẳn cũng phải có lý do của nó. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của VN mới chỉ là gần 2.000 đô la Mỹ/năm (mà không phải mọi người dân đều có thu nhập như thế), mà quan chức thu nhập 10.000 đô la Mỹ/năm, thì âu là người có lương tri cũng biết phải một chút ngượng nghịu. Vì để có 10.000 đô la Mỹ ấy cho công chức, thì khoản thu nhập 2000 đô la Mỹ kia chắc cũng phải cắt xén đi nhiều cho các khoản thuế. Trong khi còn rất nhiều “ông chủ” vẫn phải khốn khổ khi chưa thể có của ăn nuôi sống chính mình, có của để cho thế hệ tương lai, thì những “công bộc”, với mức lương thực sự còn rất khiêm tốn, chắc cũng có chút ngại ngần khi kê khai tài sản của mình.
Xin được nhắc lại, sự giàu có không có lỗi, và việc quan chức giàu có cũng không phải là tội, nếu sự giàu có ấy thực sự minh bạch, và được đặt trên sự giàu có của nhân dân, của đất nước. Mục tiêu ấy hiện nay vẫn đang là điều mà tất cả chúng ta mong muốn, sống cho và phấn đấu.
Bởi sự giàu có của một quốc gia, chính là sự giàu có tổng hòa của các thành phần tạo nên quốc gia ấy.
Theo Đời sống & Pháp luật