Thời gian vừa qua không ít trường hợp người Việt Nam đi ra nước ngoài hoặc sinh sống ở nước ngoài trở thành… kẻ cắp. Hiện tượng lao động Việt Nam ở các nước có nhiều tật xấu như bài bạc, rượu chè, trộm cắp, bỏ trốn đến nỗi nước sở tại phải có những đợt đóng cửa, tạm thời không nhập khẩu lao động Việt Nam, rất đáng suy ngẫm.
Ăn cắp - chuyện phổ biến
Tệ tham nhũng là tệ ăn cắp tập thể nguy hiểm nhất hiện nay. Người có chức vụ cao ăn cắp thì làm sao có thể giáo dục được người trẻ, con cháu. Tấm gương xấu cứ treo lồ lộ trước mắt thì không thể giáo dục được ai.
"Ăn cắp" tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. |
Nhìn vào lịch sử có những triều đại được ghi nhận là quang minh, chính trực. Làng trên xóm dưới không có trộm cắp rình mò, nhà nhà đêm đêm không phải đóng cửa.
Theo Bộ luật Hồng Đức, tội trộm cắp tài sản là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cao trong các tội phạm xảy ra trong xã hội phong kiến. Sự đánh giá này được thể hiện tại quy định về hình phạt đối với người phạm tội trộm cắp tài sản, cách thức sắp xếp vị trí của các quy định của tội trộm cắp tài sản trong các quy định về tội phạm. Nó chỉ đứng sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm con người.
Một xã hội pháp trị, thực thi nghiêm pháp luật bao giờ cũng là nơi ươm mầm cho đạo đức xã hội phát triển. Một xã hội mà tôn ti trật tự được xác lập thì không có chuyện những tệ nạn hình thành.
Điều đau lòng nhất hiện nay không phải đói nghèo sinh đạo tặc như ông bà ta ngày xưa đã tổng kết mà giàu cũng ăn cắp, càng giàu càng ăn cắp. Người ít văn hóa thì ăn cắp vặt, người có văn hóa càng cao thì ăn cắp càng tinh vi và làm những vụ rất lớn. Tệ “lại quả”, tệ đút lót để được nhận thầu tràn lan, tệ chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi… cũng là thứ ăn cắp làm thành thứ “văn hóa” chạy”.
Còn ăn cắp lớn nhất hiện nay chính là tệ tham nhũng. Tham nhũng chỉ đích danh là ăn cắp mà như bộ luật Hồng Đức đã xếp. Cái nguy hiểm nhất của tội này hiện nay là người ăn cắp không thấy xấu hổ mà còn vênh vang vì có nhà cao cửa rộng có nhiều tiền và có tiền là có tất cả.
Một khi mà tầng lớp trên có vấn đề về đạo đức (vây cánh, lợi ích nhóm, tham ô, trộm cắp, hối lộ), không biết chia sẻ với người nghèo, thì đã phải báo động về vấn đề đạo đức xã hội.
Chúng ta đau lòng về những hiện tượng như ăn cắp tiền ủng hộ cho đồng bào nghèo, đồng bào khó khăn, những vùng bão lũ. Năm nào cũng vậy mỗi khi có thiên tai lũ lụt là những tấm lòng nhân ái đều hướng đến những người “thất cơ lỡ vận” chắt chiu quyên góp. Và cũng chính ở đó lại xuất hiện tệ ăn cắp.
Nhiều người có trách nhiệm đã lợi dụng chia cho người thân, người nhà, hoặc bớt xén làm việc khác. Ngay đến tội giả danh thương binh, chất độc da cam để lấy tiền của nhân dân cũng phổ biến hiện nay thì phải nói tệ ăn cắp lan tràn trong xã hội mà không giáo dục, không báo động thì hiểm họa khôn lường.
Có người nói đói nghèo sinh đạo tặc đã sợ, nhưng giàu có và tài năng mà cũng đạo tặc, thì đáng sợ hơn nhiều. Những trí tuệ, thay vì nghĩ cách phát triển và đưa quốc gia thành văn minh, tiến bộ, lại tập trung vào tìm cách tham nhũng tìm cách chia tài nguyên và ODA như những vụ tham nhũng vừa qua.
Cần tạo lập cơ chế minh bạch
Phải coi tình hình như trên là đáng báo động và phải có biện pháp chấn chỉnh tận gốc chứ không phải xử lý một vài hiện tượng xảy ra. Vì suy cho cùng đó cũng chỉ là giải quyết phần ngọn.
Người xưa có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là nói sửa từ cái gốc. Trước hết là tự sửa mình, là bồi dưỡng kiến thức đạo đức cho mình, mình có giỏi mới đi dạy được người khác, mới làm gương cho người khác. Mình chưa làm tốt việc gia đình thì đừng có nói làm tốt việc thiên hạ.
Trong gia đình không dạy dỗ được con cái, không là trụ cột, không là tấm gương đạo đức thì con cái cũng không nghe lời và như thế đừng đòi đi dạy thiên hạ.
Gần đây trên TV đang chiếu bộ phim “Nơi chốn ta quay về” nói về vấn đề đạo đức. Người bố giữ trọng trách của một huyện nhưng ăn chơi, buông thả, bị những phần tử xấu lôi kéo đã tác động ngay đến con cái khi chúng nhìn thấy hành vi của bố thì làm sao dạy được chúng.
Để làm được điều đó cần xử lý tận gốc nguyên nhân hình thành ra nó.
Thứ nhất, cần tạo lập một cơ chế minh bạch rõ ràng, một cơ chế để người dân giám sát, một cơ chế để những người có trách nhiệm không dám tham nhũng không dám ăn cắp.
Thứ hai, Luật pháp là phải nghiêm minh, không có chuyện nhẹ trên nặng dưới. Chính điều đó đã làm giảm lòng tin của người dân. Chúng ta thấy nhiều vụ án người có chức quyền ăn cắp cả tỷ lại xử nhẹ, người ăn cắp vài chục triệu đồng lại nặng. Hay người có chức quyền vi phạm dẫn đến chết người lại tuyên án treo trong khi cũng tội danh như vậy người dân lại chịu hình phạt nặng…
Thứ ba, phải từ nền giáo dục, tri thức. Chính việc coi trọng cái chữ nhưng không coi trọng con người, không lấy nhân cách con người làm trung tâm của sự giáo dục mà hệ lụy của sự lệch lạc đó, hôm nay cả xã hội tiếp tục gánh chịu. Chúng ta cần phải thay đổi lối giáo dục, lấy nhân cách con người làm trung tâm, có như vậy mới tạo được sự thay đổi, đương nhiên không thể nay mai, nhưng đời con cháu chúng ta sẽ văn minh.
Thứ tư, giới truyền thông cũng phải góp sức tuyên truyền, lên án cái xấu, cổ vũ những hành động đẹp. Rất buồn là trên các trang báo người tốt, việc tốt thì tìm mỏi mắt không ra nhưng hành động tiêu cực phản cảm thì tràn lan. Mấy cô ít vải nhố nhăng thì nhan nhản tung hô, người lao động sáng tạo thì khó tìm thấy.
Và điều quan trọng chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chứ không riêng một bộ phận nào. Phải tạo được môi trường để cái tốt có thể phát huy và đẩy lùi được cái xấu. Môi trường đó là một xã hội tử tế.
Theo VNN