Nội dung này được Thường vụ Quốc hội thảo luận sôi nổi nhất khi cho ý kiến dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi chiều 15/4.
Dự thảo của Bộ Công an quy định đối với các Tổng cục, Bộ Tư lệnh cấp bậc hàm cao nhất cho người đứng đầu là Trung tướng; đối với Phó Tổng cục trưởng, Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy, cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng. Cấp hàm trần Trung tướng cũng được quy định đối với Chánh văn phòng, Chánh thanh tra hay Cục trưởng các cục khối văn phòng như pháp chế, cải cách hành chính, tư pháp; tài chính; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; an ninh mạng…
Theo Chủ tịch hội đồng Dân tộc, thành tích của Công an đầu tiên phải là chiến đấu. Do đó, chỉ huy đơn vị đối mặt với kẻ thù, có nguy cơ thương vong cao thì phải được ưu tiên hơn khối văn phòng, tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng. “Thủ trưởng khối văn phòng giúp việc mà hàm Trung tướng là bất hợp lý. Quy định vậy không khéo sẽ có cuộc chạy đua để vào khối không phải chiến đấu cho khỏe. Thế là hỏng!”, vị chủ tịch từng chiến đấu chống Fulro trong màu áo công an nói.
“Phong hàm Tướng phải bảo đảm cân đối giữa các khối. Khối tham mưu, tổng hợp, phục vụ mà tỷ lệ Trung tướng nhiều hơn bộ phận chiến đấu, chỉ huy chiến đấu thì nên tính lại”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ.
Cấp hiệu của sĩ quan nghiệp vụ Công an Nhân dân. |
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng hầu như tất cả các chức vụ Cục trưởng đều có trần cấp hàm Thiếu tướng, một số là Trung tướng và nhiều chức danh tương đương với chức vụ Cục trưởng cũng có trần cấp hàm Tướng là chưa đúng với chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tương tự như thế là việc dự thảo muốn phong hàm cấp Tướng đối với cả một số chức vụ ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
“Trần được phong Tướng rất rộng. Ban soạn thảo nên rà soát lại”, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý góp ý. Theo ông, rà soát lại không phải vì lo ngại “sẽ có nhiều Tướng công an” mà quan trọng là phải căn cứ yêu cầu thực tế hoạt động. “Rà để xem lĩnh vực nào tương xứng hàm Tướng. Chứ nhiều nơi như Tổng biên tập báo cũng hàm Tướng, liệu đã chặt chẽ chưa”, ông Lý băn khoăn.
Quy định điều kiện để giám đốc công an các địa phương được đeo lon Tướng cũng gây nhiều tranh luận. Dự thảo quy định Giám đốc Công an tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá. Riêng Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương cùng với 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Đồng Nai (ba tỉnh biên giới, dân số đông, diện tích lớn, tình hình an ninh, trật tự phức tạp) nên cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng. Hà Nội và TP HCM là hai thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng, đô thị loại đặc biệt nên Giám đốc Công an thành phố có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng.
“Vậy tương lai gần một số tỉnh sẽ trực thuộc trung ương hay có dân số nhiều, thu ngân sách lớn như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thì lúc ấy Quốc hội lại phải sửa luật hay ra hẳn nghị quyết chỉ để phong Tướng cho một ông giám đốc?" Chủ tịch Ksor Phước đặt câu hỏi. Theo ông cần cụ thể hóa quy định là thành phố trực thuộc trung ương hay địa phương có trên 3 triệu dân thay vì nói địa bàn phức tạp.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý, việc quy định 8 tỉnh hay đưa ra một số tiêu chí cần tính thêm. "Dự thảo quy định vì địa bàn trọng yếu cũng không nên bởi địa phương nào cũng có thể trọng yếu" ông nói.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhận định, việc phong tướng là vấn đề nổi cộm nhất của dự luật, song dự thảo chỉ dành nửa trang để tổng kết vấn đề này là chưa thấu đáo, chưa thấy được cái gì cần kế thừa, cái gì cần bổ sung.
Chưa thực hiện triệt để chỉ đạo của Bộ Chính trị Đối chiếu với chỉ đạo của Bộ Chính trị dự thảo Luật vẫn chưa thực hiện triệt để một số nội dung: (1) Việc xác định vị trí có nhu cầu hàm cấp Tướng tuy đã quy định cụ thể nhưng vẫn chưa thật chặt chẽ, đúng nhu cầu trong Luật: như dự thảo Luật CAND (sửa đổi) đã nâng trần và mở rộng diện một số chức vụ có trần cấp hàm Tướng so với Luật CAND hiện hành, hầu như tất cả các chức vụ Cục trưởng đều có trần cấp hàm Thiếu tướng, một số là Trung tướng và nhiều chức danh tương đương với chức vụ Cục trưởng cũng có trần cấp hàm Thiếu tướng, Trung tướng, trong đó có chức danh mới được bổ sung vào dự thảo Luật như Hiệu trưởng trường sĩ quan Tham mưu, đồng thời quy định phong cấp bậc hàm tướng đối với cả một số chức vụ ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh và các đơn vị có tính chất dịch vụ công. (2) Chưa quy định thời hạn xét thăng cấp bậc hàm Tướng tối thiểu là 4 năm. (3) Một số chức vụ có trần cấp bậc hàm Tướng chưa bảo đảm yêu cầu quy định hàm cấp trưởng phải cao hơn cấp phó một bậc. (4) Chưa thống nhất cấp hàm tương đương giữa Công an và Quân đội đối với chức vụ Giám đốc Công an 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai. (5) Chưa nghiên cứu để quy định cụ thể việc tách lương ra khỏi cấp bậc hàm. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Đảng đoàn Quốc hội trình Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo về các vấn đề trên khi dự án Luật đưa ra Quốc hội thảo luận. (Trích Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh) |
Theo VNE