Quốc hội sẽ có Tổng thư ký?

Thứ ba, 15/04/2014, 16:55
Dự thảo luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi dự kiến có chức danh Tổng thư ký cho phù hợp với xu hướng chung của các cơ quan lập pháp trên thế giới.

Theo tờ trình của cơ quan soạn thảo trình bày trước UB Thường vụ Quốc hội sáng 15/4, trên cơ sở tổng kết, đánh giá về hoạt động của đoàn thư ký kỳ họp cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức phục vụ hoạt động của QH, UB Thường vụ đề nghị quy định trong luật chức danh Tổng thư ký Quốc hội thay thế cho đoàn thư ký kỳ họp hiện nay.

Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu. Giúp cho Tổng thư ký Quốc hội có các ủy viên thư ký. Tổng thư ký là người phát ngôn của QH, có nhiệm vụ tham mưu dự kiến chương trình, kế hoạch và chỉ đạo tổ chức phục vụ các kỳ họp QH, phiên họp UB Thường vụ QH, các cuộc họp do UB Thường vụ Quốc hội tổ chức, đồng thời là người đứng đầu Văn phòng QH.

Ngoài ra, Tổng thư ký còn có những nhiệm vụ cụ thể như tổ chức việc ghi âm, ghi biên bản các cuộc họp, phiên họp, kỳ họp; tập hợp, tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến của ĐBQH; làm biên bản mỗi phiên họp, biên bản kỳ họp; chuẩn bị thông cáo về phiên họp của QH; tổng hợp ý kiến của ĐB Quốc hội tại kỳ họp QH...

Ông Nguyễn Hạnh Phúc hiện đang là Chủ nhiệm Văn phòng QH.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc hiện đang là Chủ nhiệm Văn phòng QH.

"Việc lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội thực chất là sắp xếp, bố trí lại công việc cho hợp lý hơn; tổ chức của Văn phòng Quốc hội không thay đổi, không kéo theo việc tăng tổ chức và nhân sự, bảo đảm gắn kết giữa các bộ phận của bộ máy giúp việc để phục vụ tốt hơn hoạt động của QH, UB Thường vụ, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban và đại biểu QH. Mô hình này cũng tương tự như mô hình tổ chức bộ máy giúp việc nghị viện của nhiều nước", tờ trình nêu.

Điểm mới này của dự thảo luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, một trong những đạo luật được ưu tiên sửa trước để cụ thể hóa Hiến pháp mới, nhận được nhiều ý kiến khác nhau của ĐB. Qua tập hợp cho thấy họ còn băn khoăn giữa chức danh mới này với chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vốn lâu nay vẫn đảm nhận các nhiệm vụ trên.

Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ chức danh Tổng thư ký Quốc hội và Chủ nhiệm VPQH, làm rõ mối quan hệ giữa hai chức danh này. Ý kiến khác đề nghị ghép hai chức danh này làm một để đồng bộ các hoạt động tại các kỳ họp và hoạt động thường xuyên của QH.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh Tổng thư ký QH, yêu cầu chức danh này phải là ĐBQH.

Dự thảo luật Tổ chức Quốc hội hiện nay đang thể hiện theo hướng Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm VPQH, không còn một quy định nào riêng cho chức danh Chủ nhiệm VP Quốc hội nữa.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, người hiện giữ chức danh Chủ nhiệm VPQH, giải trình thêm: "Hiện trên thế giới chỉ còn nước ta và Lào còn chức danh Chủ nhiệm VPQH, các nước trên thế giới đều là Tổng thư ký, thậm chí có Hiệp hội Tổng thư ký các nghị viện thế giới".

Theo ông Phúc, chức danh Trưởng đoàn thư ký kỳ họp hiện nay chỉ phát huy tác dụng trong thời gian diễn ra kỳ họp, trong khi chức danh Tổng thư ký sẽ có vai trò cả trong và ngoài kỳ họp.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn