Nói đến hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị N (Hưng Yên) thì làng trên, xóm dưới ai cũng phải chạnh lòng thương xót. Vì chắc chả có ai như bà, sống cả một kiếp làm dâu. 75 tuổi bà N vẫn phải phục vụ mẹ chồng như ngày mới bước chân về.
Thuở xưa, người ta gả con cái cho nhau ở cái tuổi “nữ thập tam, nam thập lục” chứ không như bây giờ. Thế nên mới 15 tuổi bà N đã phải đi làm dâu. 60 năm ở nhà chồng là 60 năm cơ cực…
Từ ngày làm dâu, sáng nào bà N cũng phải dậy từ rất sớm để ra đồng mà không có gì “dính ruột”, trước khi đi vẫn phải chuẩn bị bữa sáng cho chồng và mẹ chồng, dù chỉ là bát cháo loãng hay củ khoai, củ sắn. Sinh con được 3 ngày, bà N đã phải làm đủ thứ việc trong nhà, thế mà vẫn bị mẹ chồng chửi. Biết mẹ độc đoán, trái tính nhưng ông X vẫn mặc kệ, không mảy may góp ý với mẹ, hoặc giúp vợ.
Quá khổ vì có mẹ chồng quái tính (Ảnh minh họa)
Rồi cuộc sống cũng khấm khá hơn. Các con của vợ chồng bà N đều trưởng thành và lập gia đình. Mấy người con trai lấy vợ xong, bà cũng cho con ra ở riêng cho đỡ khổ. Vốn bị mẹ chồng ngược đãi nên bà N rất thương các con dâu. Thương mẹ, con trai, con gái thi thoảng cũng biếu bà vài đồng để bà ăn quà vặt, nhưng bà bảo: “Chẳng lẽ bà với bố chúng nó ăn cơm mà mình lại ăn quà?”.
Gia đình bà thuộc diện khá giả trong xóm, thế mà mẹ chồng bà, khi ấy đã được gọi là “cụ mẹ chồng” vẫn sáng sáng bắt con dâu dậy sớm ra đồng hái rau muống về nấu cơm ăn sáng. Khi mẹ chồng bà N ốm, con cháu đông nhưng bà cụ đành hanh ấy chỉ bắt con dâu hầu hạ.
Làng xóm còn rỉ tai nhau: “Sáng đi chợ mà gặp bà này tốt nhất là quay xe về chứ đi cũng chả bán được gì đâu. Hãm lắm!”. Con cháu trong nhà mà sai trái điều gì, bà cụ đến tận nhà chửi. Mà cụ chửi từ ngã ba chửi vào chứ không góp ý nhẹ nhàng gì hết. Tết đến đứa nào biếu nhiều thì cụ tỏ ra vui vẻ, không thì cụ dỗi, không thèm nói chuyện.
Hơn 70 tuổi, bà N cũng đã yếu đi nhiều. Ấy vậy mà vẫn phải chịu cảnh làm dâu vì bà mẹ chồng… quá khỏe. Cụ hết nhận áo vàng rồi đến áo đỏ. Mọi người lại bảo nhau: “Không biết sau đận mặc áo đỏ này đến bao giờ cụ mới mặc... áo quan?”.
Đùng cái, hơn một năm sau cụ mất. Không phải ngoa chứ cả xóm cùng vui, nhưng chắc vui nhất là gia đình bà N vì từ nay không phải chịu cảnh nay bị cụ xuống dạy bảo, mai bị cụ xuống răn đe. Nhiều người còn đánh lô, đánh đề theo tuổi, theo năm sinh của cụ, có người còn đánh theo ngày mất, giờ mất mà chẳng ai trúng. “Đúng là đến chết vẫn không tha cho ai cái gì”, người trong làng dè bỉu. Ai đời nhà có tang mà con cháu uống rượu “dzô” ầm ĩ, cười như pháo ran cứ như đang ăn mừng.
Từ ngày mẹ chồng mất, bà N cũng có vui vẻ hơn một chút, không phải dậy sớm mỗi ngày, thi thoảng cũng sang nhà hàng xóm chơi và đi chùa…Thế nhưng niềm vui ấy của bà N cũng chả được bao lâu vì khoảng hơn hai tháng sau cái chết của “cụ mẹ chồng”, bà bỗng hóa điên, lúc nào cũng thơ thẩn, ra đứng vào trông, gặp ai cũng gọi bằng… bà kể cả là các con. Nhìn cảnh bà ngồi ở bờ ao, khuôn mặt đờ đẫn ai cũng xót xa thương cảm. Vài tháng sau thì bà N mất.
Người ta bảo: “Có lẽ kiếp trước hai người đàn bà ấy có nợ với nhau nên khi chết đi họ cũng muốn kéo người kia chết theo mình”. Người độc miệng thì nói: “Đất nhà ấy vô phúc nên để người đàn bà ấy lộng hành đến vậy”.
Chả biết thế nào nhưng đã nhiều năm kể từ ngày mẹ chồng – nàng dâu già nhất xã ấy mất đi, thi thoảng người ta vẫn nhắc lại và nếu trong xã có nhà nào mẹ chồng đành hanh với con dâu, người ta lại so sánh với chuyện bà N và "cụ mẹ chồng" dở chứng ấy.
Theo ANTĐ