|
Trước đó, AFP dẫn lời quyền Tổng thống Oleksandr Turchinov tuyên bố cho những người biểu tình thân Nga và các tay súng lạ mặt đến 9 giờ ngày 14/4 (giờ địa phương) giao nộp vũ khí và rời khỏi các trụ sở hành chính, an ninh của thành phố miền Đông Slavyansk mà họ chiếm giữ vào cuối tuần qua. Quá thời hạn này, quân đội sẽ tham gia chiến dịch “chống khủng bố” để ổn định tình hình miền Đông.
Tuy nhiên, đến chiều tối qua, những người thân Nga tiếp tục lập thêm hàng rào chướng ngại vật bằng bao cát và lốp xe quanh các điểm chiếm đóng. Một nhóm các tay súng không rõ quốc tịch vẫn đứng gác trước tòa thị chính Slavyansk. Theo tờ Le Figaro, hầu như không thấy binh sĩ Ukraine nào ở Slavyansk, cả nội thành lẫn các vùng ngoại vi.
Cùng ngày, phong trào chống chính phủ đã lan ra thêm ít nhất 3 thành phố ở miền Đông là Horlivka, Makiivka và Gorlivka. Tại Horlivka, người biểu tình chiếm được trụ sở cảnh sát địa phương sau khi ném vỡ cửa kính, phá cửa ra vào, bất chấp lực lượng an ninh đáp trả bằng lựu đạn choáng. Còn tại Makiiva, tòa thị chính thành phố cũng rơi vào tay những người thân Nga. Một số nguồn không chính thức còn loan tin Nga đã đưa 1.000 tay súng cùng xe tăng vào miền Đông Ukraine nhưng chưa có bên nào bình luận về việc này.
Đáng chú ý là ngày 14/4, quyền Tổng thống Ukraine bất ngờ tuyên bố không phản đối việc tổ chức trưng cầu dân ý về “liên bang hóa” nước này. Nếu được Quốc hội thông qua, cuộc trưng cầu nói trên có thể sẽ diễn ra vào ngày 25/5, cùng thời điểm với kỳ bầu cử Tổng thống. Những tháng qua, Nga nhiều lần khẳng định chỉ có áp dụng thể chế liên bang, mở rộng quyền cho các địa phương… mới giúp Ukraine chấm dứt chia rẽ và ổn định tình hình.
Tờ Le Monde dẫn lời Giám đốc Viện Hợp tác châu Âu - Đại Tây Dương tại Kiev Olexandre Souchko nhận định: “Nga muốn các địa phương ở Ukraine có được quyền phủ quyết trong các vấn đề đối nội và đối ngoại. Như thế, những vùng ủng hộ Nga có thể ngăn cản Kiev đi theo hướng bất lợi cho Moscow”.
Trong khi đó, chính phủ lâm thời Ukraine từng khẳng định sẽ thực hiện cải cách, nhưng chỉ dừng ở mức giảm sự tập trung vào trung ương và tăng quyền cho các địa phương. Do vậy, giới quan sát nhận định qua tuyên bố mới nhất, Kiev đã tỏ ra nhượng bộ để hạ nhiệt căng thẳng. Điều này cũng phần nào giải thích vì sao quân đội Ukraine không “động tĩnh” gì sau thời hạn của tối hậu thư.
Việc Ukraine mở đường cho trưng cầu dân ý chắc chắn sẽ tạo ra nhiều đột phá hơn cho khủng hoảng tại nước này so với các hoạt động ngoại giao từ nhiều tuần qua. Nguyên nhân là đến nay, tại các cuộc gặp gỡ, hội đàm Nga với phương Tây - Ukraine đều không tìm được tiếng nói chung mà chỉ cáo buộc qua lại. Cụ thể, trong cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ vào rạng sáng qua, Nga cáo buộc Ukraine “mở cuộc chiến chống lại nhân dân” còn Mỹ, Anh tuyên bố Nga đứng sau những bất ổn ở miền Đông Ukraine. Ngoài ra, AFP dẫn tuyên bố từ Điện Kremlin nói Tổng thống Vladimir Putin đã nhận được rất nhiều “thỉnh cầu giúp đỡ từ người dân miền Đông Ukraine”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov yêu cầu Mỹ giải thích thông tin Giám đốc CIA John Brennan bí mật đến Kiev nhưng Washington chưa có phản hồi. Ngược lại, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Andriy Parubiy cho biết lực lượng an ninh nước này đã bắt được một số điệp viên Nga ở miền Đông.
Theo Thanh Niên