Khó nhưng vẫn phải làm!
Mở đầu cuộc trò chuyện với PV về thực trạng rất nhiều người sau khi trở thành quan chức đều giàu nhanh chóng, có nhiều siêu xe, nhà cửa khiến dư luận nghĩ đến hiện tượng tham nhũng, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư nói:
"Chúng ta không nên vơ đũa cả nắm, nhưng rõ ràng đó là hiện tượng bất thường. Và cá nhân tôi nghĩ rằng những người như thế cần phải giải trình theo các quy định của Đảng và Nhà nước. Còn cơ quan chức năng phải làm đến nơi đến chốn việc đó. Phải thẩm tra, xác minh để phát hiện và xử lý những người "tham quan".
Theo ông Hùng, từ trước đến nay vẫn chưa có những vụ án tham nhũng được phát hiện thông qua việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Điều đó phần nào cho thấy, việc kê khai, kiểm soát tài sản cán bộ thời gian qua vẫn nặng về hình thức.
Vừa qua, dư luận được phen choáng váng với thông tin về "của nổi, của chìm" của một vài quan chức. Trong đó có cả một vị nguyên là Tổng thanh tra Chính phủ với khu dinh thự nguy nga có diện tích trên 16.000m2 ở tỉnh Bến Tre.
Trước đó, người dân cũng hết sức ngạc nhiên trước thông tin khu nhà vườn được cho là giá trị hàng tỷ đồng cùng với nhiều cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi có giá trị rất "khủng" của gia đình một vị bí thư tỉnh ủy.
Rồi cuối năm 2013, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án Vinalines mà bị cáo chính là Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải. Cái mà người ta quan tâm nhất bởi sau khi được bổ nhiệm, Dương Chí Dũng đã lấy tiền ở đâu ra để mạnh tay chi cả chục tỷ đồng cho nhân tình trẻ đẹp mua nhiều căn hộ đắt tiền tại Hà Nội?
Nghi vấn Dương Chí Dũng bỏ tiền mua cao ốc Skycity cho "bồ nhí". |
Hay một vị quan chức cấp cao của một Bộ sau khi được bổ nhiệm một chức vụ cao hơn đã được "tặng" 10.000m2 cao su đã đến tuổi khai thác để "thuận tiện việc làm ăn". Với số tài sản đồ sộ này thì khi về hưu, chắc hẳn vị này sẽ khiến dư luận thêm một lần nữa "sốc" nặng.
Trước vấn đề nan giải trên, mới đây, Bộ Tư pháp đã có đề xuất, kiến nghị việc hình sự hóa đầy đủ các hành vi tham nhũng theo Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: Theo quy định của BLHS hiện hành, chủ thể của hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội Việt Nam. Người có chức vụ quyền hạn ở doanh nghiệp hoặc nước ngoài chưa phải là chủ thể của tội này.
Cũng trong định hướng sửa BLHS lần này, việc quy định các điều kiện miễn, giảm hình phạt với người có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo và khắc phục hậu quả cũng được cân nhắc.
"Cũng cần nghiên cứu khả năng hình sự hóa hành vi "làm giàu bất hợp pháp" theo tinh thần Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng", Thứ tưởng Bộ Tư pháp cho biết.
Nhận định về điểm này, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn nói: "Đây là vấn đề bàn cãi nhiều lần, từng có đề nghị đưa vào luật tội "nhận quà biếu có giá trị cao" nhưng chưa được. Có lẽ đã đến lúc tính, nhưng phải đồng bộ chính sách vì hiện chưa quản lý và làm rõ được giữa thu nhập bất chính và thu nhập chính đáng, thu nhập hợp pháp và không hợp pháp. Đây là việc khó ở Việt Nam nhưng phải bàn, phải làm".
Sẽ lộ diện nhiều người giàu bất thường?
Cùng trao đổi với PV về vấn đề này, nguyên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Văn Cuông, người từng phát biểu gay gắt về tình trạng "chạy chức chạy quyền" và cố "thu hồi vốn" khi đương chức nhận định: Trong thời buổi kinh tế thị trường trước sự cám dỗ về lợi ích, sự quản lý lỏng lẻo nên dễ vướng vào tiêu cực, tham nhũng.
Đối với những người "chạy chức chạy quyền" bỏ tiền lớn để "chạy", họ không nghĩ đến sĩ diện, tự trọng cá nhân, không nghĩ đến công việc mà chỉ nghĩ làm ở vị trí ấy, thêm nhiệm kỳ nữa cố gắng tìm mọi cách để trục lợi, thu vén, bù đắp lại nguồn "vốn" đã bỏ ra, hoặc những mối quan hệ đã "đầu tư" cốt sao có số dư cho đời mình thậm chí là cho đời sau nữa.
Số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2007 - 2013, các cơ quan chức năng đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng với gần 5.300 bị can, nhưng chưa có vụ án tham nhũng nào được phát hiện thông qua việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Tài sản thu hồi được từ các vụ án tham nhũng cũng rất khiêm tốn, bởi đối tượng tham nhũng thường dùng thủ đoạn che giấu, tẩu tán tài sản nên khó xác minh để thi hành án.
Theo đánh giá của ông Phí Ngọc Tuyển - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thì việc kê khai tài sản những năm qua còn nặng về hình thức, hiệu quả ngăn ngừa và phát hiện phòng chống tham nhũng thấp.
Cũng theo ông Tuyển, cần phải công khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và chịu sự xác minh của tổ chức. Cụ thể, công khai có hai hình thức, niêm yết kê khai tài sản tại trụ sở cơ quan cho mọi người giám sát hoặc công bố tại cuộc họp cơ quan.
Điều này có nghĩa khẳng định bản kê khai không còn là tài liệu mật, tạo điều kiện cho nhiều người được giám sát. Thứ nữa là bản kê khai phải chịu sự xác minh của tổ chức nếu cần, chứ không như trước đây chỉ áp dụng cung cấp cho cơ quan có yêu cầu. Như vậy, nếu việc này được làm quyết liệt thì nhiều quan chức "giàu bất thường" sẽ bị lộ diện.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, cần phải có quy định về việc thu hồi tài sản bất chính chứ không chỉ thông qua bản án. Khi phát hiện quan chức giàu lên bất thường, nghi có tham nhũng thì cần phải buộc họ chứng minh nguồn gốc tài sản. Nếu quan chức đó không chứng minh được thì tịch thu sung công. Thậm chí khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu tham nhũng.
Theo ĐS&PL