Thành phố phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh cuối năm nay đạt 39,8% và đến năm 2015 đạt 40,01%. Trong năm sẽ tiếp tục phát huy kết quả trồng rừng và cây xanh, phấn đấu đạt 1 triệu cây với tổng kinh phí hơn 45,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tăng cường diện tích rừng, cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, công viên; khôi phục các hệ sinh thái, phục hồi đa dạng sinh học, bảo vệ phát triển Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tỷ lệ diện tích cây xanh trên đầu người tại thành phố đông dân nhất trong cả nước còn khá thấp, nhất là khu vực nội thành. |
Theo báo cáo của UBND TP. HCM về thực hiện kế hoạch trồng và bảo vệ rừng, cây xanh trên địa bàn năm 2013, tổng số cây đã trồng là gần 1,6 triệu cây (đạt tỷ lệ hơn 156% so với kế hoạch), tương đương với diện tích hơn 554ha cây xanh. Kinh phí thực hiện ước tính gần 58 tỷ đồng.
Trong kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2013-2015, TP sẽ tận dụng quỹ đất của các cơ sở sản xuất công nghiệp để phát triển thêm 250 ha diện tích công viên, cây xanh ở các quận nội thành đồng thời cải tạo các khu công viên, cây xanh hiện hữu để nâng cao chất lượng mảng xanh trên địa bàn.
Cuối năm ngoái UBND TP. HCM đã ban hành danh mục 28 loài cây cấm trồng trên vỉa hè và dải phân cách đường phố như: cây bã đậu, bàng, bồ kết, da (sung), dừa, điệp phèo heo, đủng đỉnh, gòn, keo lá tràm, lọ nồi (đại phong tử), lòng mức, mã tiền, me keo, sọ khỉ (xà cừ), thông thiên, trứng cá, trúc đào, xiro...
Theo đánh giá của UBND TP, đây là các cây có độc tố gây nguy hiểm cho người hoặc có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường. Vì vậy, thành phố yêu cầu các tổ chức, cá nhân không trồng mới các loài cây thuộc danh mục này. Đồng thời giao các cơ quan, đơn vị quản lý cây xanh đô thị sẽ thay thế dần những cây hiện có trên đường phố.
Theo VNE