|
Theo tờ Le Monde, đây là vụ việc cực kỳ phức tạp và nghiêm trọng vì không chỉ liên quan đến mạng lưới tội phạm ở Pháp mà có thể đụng chạm đến các quan chức cấp cao và ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa nước này với nhiều quốc gia châu Phi.
Từ năm ngoái, hai thẩm phán Serge Tournaire và Hervé Robert cùng 10 cộng sự bắt đầu bí mật điều tra về doanh nhân Michel Tomi, 67 tuổi, với các cáo buộc rửa tiền có hệ thống, thâm lạm tài sản xã hội, hoạt động tội phạm… qua Tập đoàn Kabi của ông này.
Bên cạnh đó, ông Tomi còn bị nghi ngờ đã thiết lập một mạng lưới chính trị với quan hệ “thân thiết trên mức bình thường” với nguyên thủ các nước Mali, Gabon, Chad, Cameroon…
Đến nay, đã có thêm hai hồ sơ điều tra khác ở các thành phố Ajaccio và Marseille cùng báo cáo của Cơ quan Chống rửa tiền trực thuộc Bộ Kinh tế Pháp liên quan đến Tomi cũng được tập trung về Paris. Các thẩm phán chính thức đề nghị tòa án cho mở rộng điều tra “hối lộ quan chức nước ngoài” đối với ông Tomi và cảnh sát cũng không bỏ qua khả năng ông này được sự ủng hộ của nhiều chính trị gia Pháp.
Ông trùm trong bóng tối
Khởi nghiệp từ các sòng bạc ở Pháp vào cuối thập niên 1960 nhưng sau một số rắc rối pháp lý vào năm 1988, ông Tomi bắt đầu đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sang châu Phi thông qua quan hệ với các chính trị gia sở tại, theo Le Monde. Tại đây, doanh nhân này từ mạng lưới cá cược và các sòng bạc ban đầu đã xây dựng một đế chế công nghiệp xuyên quốc gia ở nhiều lãnh vực: bất động sản, nhà hàng khách sạn, xây dựng với Tập đoàn Kabi; hàng không với 2 hãng Afrijet Business Service và Gabon Airlines…
Giới điều tra nhận định, ông Tomi đã dùng lợi nhuận từ việc kinh doanh ở châu Phi để tiếp tục giữ tầm ảnh hưởng cực lớn trong thế giới ngầm Pháp mà không cần phải ra mặt, thậm chí có thể được xem là “bố già của bố già”. Nhờ đó, ông này thường xuyên dùng luận điệu “hầu như không kinh doanh ở Pháp” để bác bỏ mọi cáo buộc dính líu đến giới tội phạm trong nước, đặc biệt là các băng nhóm khét tiếng tàn bạo ở đảo Corse.
Qua nhiều đợt theo dõi, nhà chức trách đã nắm được những thông tin quan trọng để hiểu rõ hơn về doanh nhân “lắm chiêu” Tomi. Năm 2011, cảnh sát Pháp đã mở đợt truy quét một băng nhóm tội phạm Corse bị nghi ngờ đang âm mưu thâu tóm sòng bạc Wagram ở Paris. Ba tên tội phạm cộm cán của tổ chức này là Frédéric Federici, Stéphane Luciani và Jean-Luc Germani đã bỏ trốn.
Cơ quan tình báo của cảnh sát Paris (DRPP) tiếp nhận hồ sơ và trong quá trình điều tra đã phát hiện bộ ba Federici, Luciani, Germani được ông Tomi nhiệt tình hỗ trợ tại châu Phi. Đây là cơ sở để DRPP xâu chuỗi sự kiện và có những khám phá quan trọng tiếp theo.
Xâm nhập giới chính trị
Trong số các nguyên thủ châu Phi, ông Tomi được cho là có quan hệ rất đặc biệt với Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita. Le Monde dẫn lời một nhà ngoại giao Pháp nhận định: “Điểm mạnh của Tomi là kết thân với ông Keita từ khi vị này chưa là gì ở chính trường Mali”.
Hồ sơ của các nhà điều tra Pháp ghi nhận vào tháng 4/2012, “bố già của bố già” đã tay bắt mặt mừng với ông Keita sau một bữa ăn ở nhà hàng sang trọng ở Paris. Tomi còn thường xuyên chi trả trọn gói các chuyến thăm Pháp của ông Keita; dành các suất miễn phí ở 2 hãng máy bay Afrijet và Gabon Airlines để ông này di chuyển trong chiến dịch tranh cử tổng thống… Chính vì vậy, khi ông Keita trở thành tổng thống vào năm 2013, ông Tomi ngay lập tức tăng cường đầu tư vào Mali.
Một chi tiết khiến các nhà điều tra rất quan tâm là bố già giấu mặt còn lo cả an ninh cho Tổng thống Keita trong những lần đến thăm Pháp với sự hỗ trợ của cựu Giám đốc Cục Tình báo nội vụ trung ương Pháp Bernard Squarcini, từng là cộng sự thân tín của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Ngoài Tổng thống Mali, những đoạn ghi âm điện thoại do cảnh sát thu thập cho thấy ông Tomi còn là người quen lâu năm của nhiều quan chức, lãnh đạo cấp cao của châu Phi, đặc biệt là cha con Tổng thống Gabon Omar Bongo và Ali Bongo hay Bộ trưởng Quốc phòng Cameroon Edgard Ngo’o.
Những mối quan hệ này không chỉ giúp công việc kinh doanh thuận buồm xuôi gió mà còn giúp ông Tomi trở thành trung gian cho nhiều nhà đầu tư Trung Quốc xâm nhập thị trường các nước châu Phi. Đến nay, các quốc gia liên quan chưa có phản ứng gì về các tiết lộ trên còn ông Tomi đã bác bỏ mọi cáo buộc.
Theo Le Monde, đây mới chỉ là bước đầu của quá trình điều tra, có thể cảnh sát sẽ còn phát hiện nhiều chứng cứ quan trọng và dư luận Pháp đang chờ đợi một cơn địa chấn mới nổ ra trên chính trường nước này cũng như nhiều nước khác.
Theo Thanh Niên